Một tý cái tình

Chủ Nhật, 15/10/2006, 08:45

Trong bài viết nhỏ này, xin phép được dẫn lại một cách nhìn có thể còn chủ quan nhưng có lẽ là khá lý thú về Bạch Thái Bưởi (1874-1932) của một tiền nhân, nhà báo lừng danh Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936).

Có lẽ đây rồi sẽ là một tập tục mới nhưng rất đúng với tinh thần chủ đạo của văn hóa Việt: ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Tại lễ tôn vinh "100 doanh nhân tiêu biểu 2006" lần thứ nhất vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Thủ đô Hà Nội tối 12/10, bên cạnh những "người đương thời" đang ăn nên làm ra trên thương trường, Ban tổ chức còn truy tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu cho bốn vị tiền bối: Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô và Nguyễn Sơn Hà.

Có thể diễn giải theo những cách khác nhau về đóng góp của những nhân vật đã trở thành một phần của lịch sử này đối với sự nghiệp phát triển nền kinh tế nói chung và với thương hiệu "doanh nhân Việt Nam" nói riêng, nhưng phải nói rằng, cả bốn vị đều là những tên tuổi khả kính. Có lẽ từ nay về sau chúng ta sẽ còn phải tìm hiểu nhiều về họ để rút ra được những bài học bổ ích và lý thú cho cuộc sống hôm nay trong cơ chế thị trường theo định hướng XHCN.

Trong bài viết nhỏ này, xin phép được dẫn lại một cách nhìn có thể còn chủ quan nhưng có lẽ là khá lý thú về Bạch Thái Bưởi (1874-1932) của một tiền nhân, nhà báo lừng danh Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936).

Bạch Thái Bưởi từng được mệnh danh "ông vua đường thủy", nhưng thực chất ông là một nhà doanh nghiệp khá đa năng. Tựu trung làm gì ông cũng có ham muốn vươn lên hàng đầu. Kinh doanh thời nào cũng không phải là việc giản đơn, một chiều và dễ dàng. Trong thời của Bạch Thái Bưởi cũng vậy. Chính vì thế mà cho tới hôm nay vẫn còn lưu truyền nhiều giai thoại khác nhau về ông.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ nào thì người Việt, nói theo cách của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, "vẫn giữ được lòng hâm mộ và kính trọng ông" (Cũng chính "cụ" Vĩnh sinh thời cũng đã tiết lộ: "Bản thân tôi, tôi không thích ông Bưởi, mặc dù là chúng tôi đã có cùng nhau kinh doanh vào năm 1909. Công việc không có kết quả tốt cho ông và cả cho chúng tôi, và đã làm cho chúng tôi không thể nào thỏa thuận được với nhau").

Vì sao nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh lại "hâm mộ và kính trọng" doanh nhân Bạch Thái Bưởi đến thế? Rất đơn giản, "cụ" Vĩnh giải thích: "Ông chính là một người mà đồng bào chúng ta cần có nhiều người giống như thế. Bắt đầu bằng hai bàn tay trắng, ông đã làm nên đạt tới một địa vị có một không hai trong công việc kinh doanh. Và một khi đã làm nên được giàu có, ông đã không làm nên như bao nhiêu người khác, không muốn bằng lòng mình ngồi hưởng một cách nhỏ giọt tài sản mà ông đã gây dựng nên được.

Ông say mê kinh doanh và không lúc nào rời bỏ nó, ông luôn cảm thấy có sự cần thiết phải chứng minh cho mọi người là người An Nam có thể làm được nhiều việc khác chứ không phải chỉ biết làm quan và cho vay nặng lãi ngắn hạn. Còn hơn nữa, ông đã khôi phục được những việc kinh doanh lớn, theo lý thuyết không thể nào làm được, ông đã làm cho nó trở nên phồn vinh... Con người này có học thức mà chỉ được đi học rất ít, mà đã trở thành một người chỉ huy công nghiệp thật sự...".

Bạch Thái Bưởi bắt đầu sự nghiệp bằng việc vào làm chân thư ký cho một hãng buôn của người Pháp. Rồi dần dà, hiểu đời, hiểu việc kinh doanh hơn, ông đứng ra tự mở một nhà in, lấy tên là Đông Kinh ấn quán. Sau đó, nhượng lại nhà in cho người em rể là Lê Văn Phúc, ông bước chân vào lĩnh vực thương thuyền, thách thức quyền lực kinh tế của cả người Pháp lẫn người Hoa Kiều lúc ấy còn mặc sức làm mưa làm gió trên sông nước Việt. Chẳng bao lâu sau hãng tàu của Bạch Thái Bưởi đã trở nên hùng hậu với hơn 30 chiếc tàu lớn nhỏ, mang những cái tên đầy kiêu hãnh: Phi Long, Phi Hổ, Hồng Bàng, Trưng Nhị, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi...

Khi Bạch Thái Bưởi mất đầu năm 1932, Ưng Hòe Nguyễn Văn Tố đã viết trong tạp chí "Đông Thanh" rằng ông là "bậc anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà". Còn nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh thì nhấn mạnh: "Nếu tôi phải làm điếu văn tiễn biệt ông, tôi sẽ tuyên bố ông Bạch Thái Bưởi là một người vĩ đại... Chúng ta đã mất ở ông một người thầy về lòng quyết tâm và đức kiên nhẫn".

Tuy nhiên, cũng "cụ" Vĩnh đã nhìn ra một "gót chân Asin" của doanh nhân tiêu biểu Bạch Thái Bưởi: "Khuyết điểm duy nhất của ông là dám thách thức ngay cả sự hiểu biết. Ông cho là có thể đạt được tất cả bằng sự kiên nhẫn và nhờ vậy ông đã thành công trong một phần lớn các công việc. Người ta chê trách ông là tàn nhẫn, thiếu tình cảm, nhưng ông lại thích thú điều đó, ngay cả trong kế hoạch thao diễn của ông. Có lẽ ông đã sai lầm, vì rằng làm việc với những người có một ít tình cảm với mình bao giờ cũng là dễ chịu hơn, nhưng phương pháp của ông đã được thúc đẩy, có thể nói là đã được xác nhận là có sự trái ngược hẳn với những điều mà người ta nhận thấy ở phần đông những đồng bào của chúng ta.

Tôi nhớ mãi ở ông một cái cười gằn ghê gớm, có khi như sét đánh, làm cho mình lạnh toát, trước những tình huống mà theo nguyên tắc của ông là phải nhẫn tâm để chiến thắng. Rất cứng rắn theo nguyên tắc, nhưng cũng có lúc người ta bắt gặp ông có những cử chỉ tốt bụng mà bản thân ông tự cho là những việc làm yếu đuối và làm bậy. Tôi bao giờ cũng mong muốn học được ở ông một ít sự cứng rắn đó trong kinh doanh. Điều đó có lẽ sẽ giúp tôi được thành công".

"Cụ" Vĩnh, như sách cũ đã ghi, qua đời nơi đất khách quê người khi đang muốn đi tìm vàng để cưỡng lại nguy cơ phá sản cận kề. Nhà báo hào hoa này có lẽ đã chưa học được hết tính cứng rắn của doanh nhân Bạch Thái Bưởi. Nhưng thôi, mỗi cây mỗi hoa, mỗi người mỗi tính, quan trọng là đóng góp được vào sự nghiệp chung của dân tộc, của đất nước những phần  xứng đáng.

Có điều, hợp với chúng ta hơn có lẽ là sự phần nào lụy tình của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh. Thì cha ông ta vẫn nói, đôi khi, trăm cái lý không bằng một tý cái tình. Có lẽ không sai...

.
.
.