“Một thời sôi nổi” và những ký ức hào hùng

Thứ Sáu, 19/03/2021, 06:18
Những ký ức về một thời thanh xuân hoa lửa của thế hệ cha anh cũng được tái hiện, không chỉ qua hiện vật, mà còn qua lời kể của người trong cuộc...

Ngày 18/3, trưng bày “Một thời sôi nổi” chính thức khai mạc tại Di tích nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Đây là sự kiện đặc biệt được Di tích nhà tù Hỏa Lò tổ chức nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021), thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tại Thủ đô. Những ký ức về một thời thanh xuân hoa lửa của thế hệ cha anh cũng được tái hiện, không chỉ qua hiện vật, mà còn qua lời kể của người trong cuộc.

Bà Đỗ Hồng Phấn xúc động nhớ lại các ký ức hào hùng tại triển lãm.

Ông Dương Tự Minh, một trong số khách mời đặc biệt trong ngày khai mạc triển lãm xúc động cho biết, dù đã qua rất nhiều năm, đến nay, ký ức về những tháng ngày toàn quốc kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” vẫn chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí ông. Những thanh niên học sinh Thủ đô ngày ấy coi việc được trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân thù là vinh dự. “Nhiều người hoạt động hăng hái đã bị địch bắt.

Bản thân tôi cũng 2 lần bị địch bắt. Lần cuối cùng, tôi bị giam tại Hỏa Lò 1 năm. Chị ruột tôi cũng hoạt động và bị bắt. Những anh chị em hôm nay có mặt ở đây không ai không một lần bị bắt. Trong đó, chị Đoàn Thị Hồng Vân bị bắt đến 3 lần.

Để thể hiện tinh thần yêu nước, khát vọng tự do, độc lập cho dân tộc, đất nước, 3 thanh niên học sinh Trường Chu Văn An gồm các anh Nguyễn Văn Khâm, Nguyễn Sỹ Vân, Nguyễn Trọng Quang đã treo cờ đỏ sao vàng ở Tháp Rùa nhân ngày sinh nhật Bác, ngày 19/5/1948, và bị địch bắt, rồi các anh hy sinh, sau này các anh đã được công nhận là liệt sĩ…

Chúng tôi hoạt động sôi nổi cho đến tận ngày giải phóng Thủ đô. Rất nhiều người sau đó tiếp tục học tập, trở thành những trí thức có nhiều đóng góp cho Việt Nam. Trong đó, chị ruột của ông là bà Dương Thị Cương trở thành Giáo sư, Giám đốc Bệnh viện C….”, ông Dương Tự Minh xúc động nhớ lại.

Ông Nguyễn Gia Thể, một trong số các thành viên tích cực tham gia phong trào học sinh sinh viên trong kháng chiến chống Pháp cũng chia sẻ, thanh niên học sinh ngày ấy không sợ tù đày, bắt bớ; Đảng, Đoàn giao cho việc gì đều hăng hái làm. Các hoạt động bãi khóa, biểu diễn văn nghệ, xuất bản báo… khiến Hà Nội thời tạm chiếm luôn biến động, kẻ thù luôn nhức nhối, tìm mọi cách đàn áp.

Báo “Nhựa sống” được Đoàn học sinh Kháng chiến Thủ đô xuất bản, phát hành bí mật trong các trường học, có sức ảnh hưởng lớn trong học sinh, sinh viên. Ông không tham gia làm nội dung nhưng tham gia phát hành. Thông thường, báo ra mỗi tháng một kỳ. Khi nhận lệnh nhận báo, ông đến điểm hẹn, thấy đúng mật hiệu thì lấy báo.

Báo mang về để trong cặp sách, đưa đến trường. Tranh thủ lúc vắng người, ông và các bạn bí mật bỏ báo vào ngăn bàn của học sinh. Làm báo vất vả, phát hành cũng khó khăn như thế nhưng thấy người dân, học sinh đọc báo phấn khởi, chờ đón nên ai cũng hào hứng.

Cũng tại triển lãm, chúng tôi may mắn gặp được bà Đỗ Hồng Phấn, một trong số các nhân chứng của phong trào học sinh, sinh viên thời kháng chiến. Bà nói rằng, đến Hỏa Lò hôm nay, nhìn thấy các hình ảnh lại nhớ các bạn tham gia hoạt động.

“Trực tiếp tham gia Cách mạng Tháng Tám, ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, được tuyên truyền, giáo dục nên chúng tôi luôn ý thức sâu sắc rằng mình là dân thuộc địa, đấu tranh cách mạng để giành độc lập. Điều đó thôi thúc thanh niên học sinh hoạt động. Chưa kể, rất nhiều người Hà Nội sống ở Hà Nội nhưng gia đình đều có người đi kháng chiến, tham gia vào công tác Đoàn rất tự nhiên. Mọi người vẫn đi học nhưng tham gia hoạt động bí mật.

Khi tan học thì hẹn gặp nhau ở đâu đó vài ba phút, trao đổi việc này việc kia. Nếu như có truyền đơn thì chuyển cho nhau. Truyền đơn để trong những cái hộp con con, có khi để rời để tiện bề ném vào nơi đã định”, bà Hồng Phấn chia sẻ.

Thực tế tại triển lãm, khách tham quan còn có dịp tìm hiểu về thanh xuân sôi nổi của thế hệ cha anh thời kháng chiến qua rất nhiều tư liệu, hình ảnh khác. Triển lãm là dịp để mỗi người nhận thức thêm rằng, chúng ta phải sống, cống hiến làm sao cho xứng đáng với những hi sinh to lớn ấy và khi tuổi trẻ qua đi, nhìn lại một thời sôi nổi của chính mình, chúng ta sẽ mỉm cười đầy hạnh phúc.

Hoa Nguyễn
.
.
.