Một số kỷ lục Việt Nam tại Festival Huế 2008

Thứ Ba, 10/06/2008, 15:23

Đêm 3/6/2008, tại Quảng trường Ngọ Môn, TP Huế, lễ khai mạc Festival Huế 2008 ngập trong một lễ hội ánh sáng yêu kiều và lộng lẫy. Nhân dịp này, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam - Vietkings đã xác lập thêm 9 kỷ lục Việt Nam...

Bộ cửu đỉnh bằng đồng lớn nhất Việt Nam

Cửu đỉnh bắt đầu đúc từ tháng 12/1835, năm Minh Mạng thứ 16 và một năm sau thì hoàn thành. Việc đúc cửu đỉnh xuất phát từ điển tích Vua Hạ Vũ của Trung Quốc đúc cửu đỉnh tượng trưng cho chín châu của lãnh thổ Trung Hoa trước Công nguyên. Theo đó, Vua Minh Mạng đã cho đúc cửu đỉnh với một ý nghĩa mới là “Chú cửu đỉnh dĩ tượng thành công”, thể hiện sự chính thống, trường tồn của triều đại.

Chín đỉnh được đúc bằng đồng, có chiều cao trung bình là 2,3m, có thân dáng bầu tròn, trên vành miệng mỗi đỉnh có khắc hai dòng chữ Hán. Dòng thứ nhất ở phía trái, ghi niên đại đúc đỉnh, trên 9 đỉnh đều như  nhau. Dòng thứ hai ghi trọng lượng của từng đỉnh khác nhau. Chín đỉnh với chín tên gọi và có trọng lượng tương ứng là: Cao đỉnh (2.603,6 kg), Nhân đỉnh (2.514,7 kg), Chương đỉnh (2.098,8 kg), Anh đỉnh (2.575,8 kg), Nghị đỉnh (2.542,5 kg), Thuần đỉnh (1.951,9 kg), Tuyên đỉnh (2.068 kg), Dụ đỉnh (2.019,6 kg) và Huyền đỉnh (1.935 kg).

Bộ Cửu đỉnh bằng đồng lớn nhất Việt Nam.

Về kỹ thuật, đây có thể coi là tuyệt tác của nghệ thuật đúc đồng thời Nguyễn. Đúc mỗi đỉnh phải dùng 60 lò nấu đồng góp lại, một lò chỉ nấu chảy được 30-40 kg đồng. Khuôn để lật ngược, đồng được nấu chảy đổ vào chân đỉnh. Các phù điêu trên thân đỉnh đã được tạo mẫu, làm khuôn từ trước và đúc liền khối. \

Việc lựa chọn những hình ảnh thể hiện trên 9 đỉnh cũng có thể coi là bộ bách khoa toàn thư sống động về đất nước Việt Nam thời bấy giờ. Các địa danh có những ngọn núi mang ý nghĩa đặc biệt với triều Nguyễn: núi Thiên Tôn. Hình các địa danh như sông Hương, núi Ngự đại diện của miền Trung; sông Bến Nghé, sông Tiền, sông Hậu là vùng đất mở cõi ở Phương Nam - miền Nam; các con kênh đào, công trình thủy lợi có ý nghĩa dân sinh được làm dưới thời Nguyễn như: kinh Vĩnh Tế, kinh Vĩnh Định, kinh Cửu An,... cũng được thể hiện sinh động trên thân đỉnh.

Trên các đỉnh còn có hình ảnh các loài cây, các loài vật cũng như sản vật từ các vùng miền như: lúa, đậu, rau, quả, công, voi, cọp, tê giác, gỗ lim, trầm, kỳ nam, mít, xoài,... Tất cả được lựa chọn để làm đại diện cho sự phồn thịnh tài nguyên của đất nước.

Cửu đỉnh đã đăng ký bảo vật quốc gia và hiện được đặt trước sân Thế Tổ Miếu, bên trong Hoàng Thành Huế, sau lưng Hiển Lâm Các. Nơi đây đã thu hút nhiều du khách cả trong và ngoài nước cũng như các nhà nghiên cứu đến tham quan và tìm hiểu. Hiện Cửu đỉnh đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế bảo quản và trưng bày.

Người viết "Truyện Kiều" trên đá cuội đầu tiên ở Việt Nam

Từ khi ra đời đến nay, "Truyện Kiều" đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ, từ những tác phẩm nghiên cứu về Kiều cho đến những tác phẩm được thực hiện bằng thư pháp, tranh ảnh... và lần đầu tiên được một tác giả viết trên đá cuội.

Toàn bộ nội dung của "Truyện Kiều" được chép lại trên đá cuội trắng bằng chữ quốc ngữ và được định vị vào những khung sắt (một khung dài 315cm, cao 172cm). Một khung sắt được xem như một trang của của cuốn "Truyện Kiều". Tổng thể "Truyện Kiều" có 9 trang và 1 trang bìa. Trang bìa được tạo bằng thạch cao và chân dung của một thiếu nữ mô phỏng cho nhân vật Vương Thúy Kiều trong truyện. Sau khi hoàn thành, tác phẩm có chiều dài 2.905cm, rộng 81cm và cao 172cm.

3.254 câu thơ lục bát của "Truyện Kiều" được thể hiện hết sức độc đáo trên 1.627 viên đá cuội trắng, cộng với 8 viên đánh thứ tự bằng số La Mã từ khổ thơ 1 đến khổ thơ 8. Tổng cộng tác phẩm có 1.635 viên đá. Một trang có 6 dòng, một dòng có 30 viên. Dòng thứ 6 của trang thứ 9 có 45 viên đá (do có 8 viên để đánh dấu thứ tự từ khổ thơ 1 đến khổ thơ 8). Mỗi viên đá cuội chứa 2 câu thơ của "Truyện Kiều".

Tác phẩm được anh Nguyễn Văn Tân - sinh viên Trường đại học Nghệ thuật Huế - thực hiện trong 23 ngày, từ ngày 23/8 đến ngày 14/9/2007 tại xưởng riêng của anh ở Huế. Trong các ngày từ 3/6 đến 11/6/2008, tác phẩm được mang ra trưng bày tại Công viên 3-2 trên đường Lê Lợi trong Festival Huế 2008.

Bộ Cửu vị thần công bằng đồng lớn nhất Việt Nam

Bộ Cửu vị thần công bằng đồng lớn nhất Việt Nam.

Cửu vị thần công là tên gọi chung của 9 khẩu đại pháo bằng đồng được đúc vào đầu triều Gia Long (1802-1820). Là hiện vật đã được đăng ký bảo vật quốc gia và đang được đặt gần cửa Thể Nhơn và cửa Quảng Đức bên trong kinh thành Huế, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

9 khẩu thần công có số đo tương đương nhau và có chiều dài thân súng: 516 cm; đường kính vành miệng súng: 43 cm; đường kính nòng súng: 23 cm. Chiều dài giá súng: 277 cm; chiều rộng giá súng: 192 cm; chiều cao giá súng: 127cm; đường kính bánh xe giá súng: 63 cm. 9 khẩu thần công được lấy tên theo 4 mùa: xuân (khẩu 1 nặng 10.699,6 kg), hạ (khẩu 2 nặng 10.397,4 kg), thu (khẩu 3 nặng 11.122,8 kg), đông (khẩu 4 nặng 10.760,1 kg) và ngũ hành: mộc (khẩu 5 nặng 10.336,9 kg), hỏa (khẩu 6 nặng 10.397,4 kg), thổ (khẩu 7 nặng 10.760,1 kg), kim (khẩu 8 nặng 10.639,2 kg), thủy (khẩu 9 nặng 10.397,4 kg). Tất cả được đặt trên giá súng (bệ súng) làm bằng gỗ có 4 bánh xe lớn được niềng sắt. Xét về kỹ thuật chế tác, đây là 9 khẩu thần công đồ sộ và đẹp nhất dưới thời Nguyễn.

Có thể xem là đỉnh cao của nghệ thuật đúc súng, nghệ thuật trang trí, chạm khắc trên đồng. Các khẩu súng đều có cùng hình dáng và kiểu thức trang trí. Miệng súng hơi loe, thân thuôn dài, phình dần về phía đuôi. Giữa thân súng có hai quai đúc nổi, cách điệu hình đầu thú,...

Dưới triều Nguyễn, những khẩu thần công này không dùng trong chiến tranh mà được nhân cách hóa thành các vị tướng thần tượng trưng cho sức mạnh và uy quyền của vương triều.

"Bắc Trung Nam" - Bộ tranh ghép bằng cánh bướm và vỏ trảm lớn nhất Việt Nam

"Bắc Trung Nam" - Bộ tranh ghép bằng cánh bướm và vỏ tràm lớn nhất Việt Nam.

Trong Festival Huế 2008 (từ ngày 3 đến 11/6/2008), Doanh nghiệp tư nhân Khánh Hà thực hiện một bộ tranh có chủ đề “Bắc Trung Nam”, được ghép bằng 2 chất liệu cánh bướm và vỏ tràm. Cánh bướm lấy từ 23 loài bướm với màu chủ yếu là màu đất, 18kg vỏ tràm lấy từ cây tràm của rừng tràm U Minh Hạ.

Đây là bộ tranh liên hoàn gồm 3 bức tranh nhỏ, mỗi bức có kích thước 1,45m x 5m; khi ghép 3 bức với nhau sẽ tạo thành bộ tranh cao 1,45m và dài 15m. Các nghệ nhân của Khánh Hà đã sử dụng 6 tấm ván MDF làm vách (mỗi tấm có kích thước 1,32m x 2,42m) và 6 tấm mica bao bên ngoài có độ dày 2mm làm nền cho bộ tranh ghép này.

Để làm nên bộ tranh này, hai nghệ nhân Hồ Đắc Hiệp và Trương Hữu Võ đã hướng dẫn cho 15 nhân công thuộc các bộ phận tạo mẫu và kỹ thuật của Doanh nghiệp tư nhân Khánh Hà thực hiện các công đoạn ghép các chất liệu tạo nên nét đặc sắc và tô đậm chủ đề chính của bộ tranh.

Bộ tranh thực hiện trong 40 ngày và hoàn tất ngày 29/5/2008. Bộ tranh đặc tả những kiến trúc tiêu biểu cho 3 miền Bắc Trung Nam: Quốc Tử Giám (Chùa Một Cột) - Tháp Rùa - Cầu Thê Húc - Đền Ngọc Sơn - Cửa Ngọ Môn - Chùa Thiên Mụ - Cầu Tràng Tiền - Chợ Bến Thành - Nhà thờ Đức Bà - Bến Nhà Rồng. 

Bộ tranh “Bắc Trung Nam” được trưng bày từ ngày 4/6 đến 11/6/2008, trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu cùng một số chương trình khác của các đơn vị trong và ngoài nước nhân dịp Festival Huế 2008.

Tấm bia cao và nặng nhất Việt Nam

Là tấm bia dựng ở Khiêm Lăng của Vua Tự Đức, được xây dựng vào năm 1875, được làm bằng đá hoa cương nguyên khối lấy từ tỉnh Thanh Hóa vào (còn gọi là đá Thanh). Bia có chiều cao toàn thân là 407 cm. Chiều rộng 259 cm. Trong đó, trán bia cao 97cm, rộng 287,5cm, tai bia mỗi bên rộng 22cm. Chỗ dày nhất là 48cm. Bia có trọng lượng ước tính 22 tấn.

Tấm bia hội đủ các nét đặc trưng của phong cách bia ký thời Nguyễn. Bia hình chữ nhật, trán bia hình chiếc khánh, 4 góc có 4 tai bia. Bia được đặt trên bệ bia cao 100cm, rộng 309cm và dày 162,5cm. Bệ bia cũng là một phiến đá Thanh nguyên khối, tạo dáng kiểu quỷ chân quỳ, chạm trổ công phu. Mặt ngoài bệ bia chạm nổi và chạm lộng các đồ án rồng mây, mặt hổ phù và hồi văn chữ S gấp khúc. Bia khắc cả hai mặt, mặt trước khắc theo thể chữ khải gồm 2.319 chữ; mặt sau khắc theo thể chữ hành gồm 2.537 chữ.

Trên thân bia được khắc 4.854 chữ; trong đó bài Khiêm cung ký do Vua Tự Đức sáng tác. Bài Khiêm cung ký gồm 5 đoạn đề cập đến công việc dựng lăng Vua Tự Đức, mô tả cảnh quan trong lăng, nỗi lòng của nhà vua đối với đất nước và việc riêng tư của nhà vua. Phần một nhà vua viết về giai đoạn ấu thơ của mình. Phần hai viết về giai đoạn vua gánh vác việc nước. Phần ba mô tả đôi nét về Khiêm lăng (lăng của Vua Tự Đức) và các công trình trong lăng cùng công dụng hiện tại và về sau của các công trình ấy. Phần bốn trình bày tâm tư cùng những mong ước bình dị của nhà vua. Và phần năm là phần nhà vua nêu rõ nội dung của bài "Khiêm cung ký" là bài văn bày tỏ tấm lòng, ghi về những điều riêng tư của nhà vua.

Tấm bia được coi là bảo vật quốc gia và được đặt trong nhà bia (bi đình), là công trình kiến trúc bằng gạch to cao, giống ngôi nhà hai tầng. Mái được đỡ bởi 4 cột gạch to có đường kính 125cm, chu vi chân cột 205cm. Bốn phía có 4 tầng cấp thuận tiện để khách tham quan đến xem.

Những kỷ lục khác

Chương trình “Huyền thoại sông Hương” đã được Vietkings công nhận là Chương trình lễ hội văn hóa nghệ thuật trên sông lớn nhất Việt Nam - Chương trình diễn ra dọc bờ sông Hương dài 15km từ bến đò lăng Minh Mạng đến bến Nghinh Lương Đình vào 2 ngày 5 và 7/6/2008.

Vietkings cũng đã xác lập kỷ lục Thuyền rồng cung đình lớn nhất Việt Nam. Thuyền dài 27m, rộng 4,5m, trọng tải 300 tấn chở được 100 người. Do 2 đơn vị Xí nghiệp Đóng tàu Hải Châu (Vinh - Nghệ An) và Công ty Tu bổ Di tích Trung ương - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đóng và trang trí mỹ thuật.

Chương trình lễ hội văn hóa nghệ thuật trên sông được dàn dựng với quy mô lớn nhất Việt Nam. Đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng các chương trình hoạt cảnh sân khấu dọc bờ sông và sân khấu nổi trên sông Hương. 

Diện tích 600m2, sân khấu được thể hiện lũy tre, đồng lúa, dòng sông phục vụ trong ngày bế mạc sẽ được xác nhận kỷ lục Sân khấu thể hiện cảnh trí làng quê Việt Nam lớn nhất

Thuận Nguyên
.
.
.