Một nén tâm nhang

Chủ Nhật, 11/03/2007, 10:26
Giá bạc trăm, bạc triệu cho việc đốt mã kia được hóa thành tiền cung tiến, tiền công đức cùng một nén tâm nhang thôi chắc việc tín ngưỡng của mỗi người sẽ có ý nghĩa rất nhiều.

Đầu năm nay tôi cùng người nhà đi lễ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tôi là người thành tâm nhưng những cung cách và lời văn lễ bái không sành và không thuộc. Người nhà của tôi mua một thẻ hương và được người bán gửi kèm theo một bao diêm Thống Nhất chính hiệu.

Người bán hương không giải thích nhưng tôi tự nghĩ: Diêm là để châm hương. Diêm cũng có nghĩa là lửa để cho mình gìn giữ sự ấm áp quanh năm. Tôi trân trọng điều này và tín ngưỡng nó như phong tục tốt đẹp đầu năm lâu nay của dân tộc được xin lửa và có lửa ở nơi thờ tự chữ nghĩa lớn nhất của đất nước.

Bao diêm lộc lửa ấy tôi sẽ giữ mãi trong năm nay như một niềm vui đầu xuân có được. Tôi đã dâng lễ và thắp hương nơi thờ tự cùng những nghĩ ngợi về hương khói đầu xuân này…

Nhiều năm trở lại đây việc lễ bái càng ngày càng thịnh hành. Có điều, bên cạnh sự thành tâm của con người là sự lạm dụng đến thái quá việc đốt vàng mã và hương khói của một số người.

Người ta quan niệm, càng đốt nhiều vàng hương càng nhiều phúc. Tiền tỷ của mỗi năm đã được "hóa vàng" trong sự "ngưỡng mộ" này. Có những nơi, người chen vào nơi lễ muốn ngất xỉu vì ngột ngạt mùi hương. Nhiều đền, miếu, chùa hừng hực trong mùi lửa và mùi người.

Ngay cả người say lễ nhất cũng không tránh được sự mệt nhoài sau những khóa lễ. Nào đâu phải chỉ lễ một chỗ. Giêng Hai này, có người không ngày nào là không đi xin lộc Thánh. Hết lễ gần đến lễ xa. Lễ gần đi xe ôm, xe nhà. Lễ xa đi xe khách hoặc thuê xe hợp đồng.

Có cả những người lợi dụng xin xe cơ quan, xe Nhà nước lấy cớ đi tham quan thắng cảnh đất nước để đi lễ chùa, lễ đền, lễ phủ nữa. Không ai là không có vàng mã, tiền âm phủ, nhang, nến đi theo. Và tất nhiên sau đó là việc lạm dụng khói lửa thái quá ở nơi cầu tự với quan niệm càng đốt lắm càng được nhiều tài lộc, vinh hoa…

Các cụ ta bảo:

Có thờ có thiêng

Có kiêng có lành…

Các cụ cũng dạy:

Lòng thành một nén tâm nhang

Ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám hôm vừa rồi đi lễ, tôi đã gặp một nét đẹp của người tổ chức lễ và người đi lễ. Cả khu Văn Miếu và khu nhà Thái Học vẫn hương đèn, nhang khói.

Trước bàn thờ cụ Khổng Tử, cụ Chu Văn An, các đức vua triều Lý, triều Lê vẫn trang nghiêm nỗi niềm thờ phụng. Người vẫn nối người thành tâm cúng lễ. Ai cũng cầu mong có cái chữ, cái nghĩa, cái nhân, cái đức cho bản thân mình, cho gia đình, bạn bè, hàng xóm, quê hương, đất nước.

Nội dung lời khấn cầu thật đẹp trong nghĩa "Quốc thái dân an" ở chốn học hành thi cử của ông bà muôn xưa cầu mong tiền nhân phù hộ, độ trì cho sự sáng láng, tấn tới của con cháu hôm nay…

Tôi để ý, nơi đây, trước các nhà lễ có một bát hương rất lớn. Người lễ vẫn bình thản thắp hương nhưng được nhà miếu nhắc nhở mỗi người chỉ nên cắm một nén hương. Tôi cũng làm theo điều đó, khi bật diêm thắp hương.

Trước mỗi bát nhang, theo nét đẹp chung của mọi người, mỗi nơi tôi chỉ cắm một nén vào bát hương, đặt một ít tiền lên bàn lễ và chắp tay trước mặt vái ba vái với sự chân thành nhất của lòng mình. Tôi như nhiều người và nhiều người như tôi.

Đây là nét đẹp tôi ghi nhận được ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám khi đi lễ đầu xuân này.

Việc nhang khói vừa phải, giàu tâm đức trong cầu nguyện nên là văn hóa tín ngưỡng duy trì lâu dài của mỗi người đi lễ. Giá bạc trăm, bạc triệu cho việc đốt mã kia được hóa thành tiền cung tiến, tiền công đức cùng một nén tâm nhang thôi chắc việc tín ngưỡng của mỗi người sẽ có ý nghĩa rất nhiều.

Được biết, không chỉ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám mới có chuyện một nén tâm nhang này mà nhiều nơi cúng bái khác cũng đã làm chuyện này.

Có nơi còn cử hẳn người túc trực bên cạnh bát nhang để luôn tay rút bớt nhang cháy cho không khí nơi cúng lễ bớt ngột ngạt. Ai cũng nghĩ, nạn lửa khói đến người trần không chịu được này chắc chắn các bậc thần linh cũng chẳng thể vui lòng được trước sự thái quá của các con nhang đệ tử.

Tôi nhớ mãi lời người xưa trong ca dao:

Vào chùa thắp một nén nhang…

Một nén tâm nhang mà lòng thành, mà nghĩa nhân sau trước tin rằng Trời Phật sẽ phù hộ cho ta. Người trước đã vậy, còn người nay, lẽ nào…

Nhật Văn
.
.
.