Một góc nhìn nhân văn trong chiến tranh

Thứ Bảy, 01/08/2015, 08:20
Thoạt đầu tôi tưởng “Người đàn bà uống rượu” của nhà văn Hữu Ước là kịch bản sân khấu về đề tài an ninh trật tự, lại chuyện tội phạm hình sự, lại chuyện gây rối, lại chuyện xã hội đen, chuyện giang hồ…

Sau khúc dạo đầu, người đàn bà uống rượu với chuối xanh, say khướt... là cảnh núi rừng hoành tráng, súng đạn ầm ầm, những đụn lửa bom, những quầng lửa pháo... Cả sân khấu náo nhiệt cảnh khói lửa và tiếng động khủng khiếp của chiến tranh. Rồi giữa những trận đấu súng, sau tiếng bom rơi đạn nổ ấy là khoảng lặng bình yên. Núi rừng lại đầy tiếng chim ca, tiếng suối róc rách, những tiếng hát tiếng cười, sự đùa nghịch hồn nhiên của trai thanh nữ tú làm xao động cả núi rừng. Chỉ khác họ đều mặc quần áo lính, đều còn trẻ, nỗi nhớ mẹ, nhớ nhà và khao khát tình yêu lúc nào cũng day dứt khôn nguôi.

Hai đơn vị bộ đội, một trạm quân y dã chiến, một đơn vị chiến đấu. Trời cũng khéo cho họ được gần nhau. Sự thiếu thốn về vật chất, sự mất cân bằng về tình cảm được họ bù đắp cho nhau. Mặc dù chưa hoàn hảo nhưng cũng đã làm vơi đi sự gian nan vất vả, làm sự hi sinh và chết chóc không còn lạnh lùng vô cảm.

Vượt lên tất cả là tình người, sự cảm thông, sự quên mình hi sinh tất cả, kể cả cái trinh tiết của người đàn bà mà đạo đức xưa buộc người phụ nữ phải nhất nhất gìn giữ. Cảnh người nữ chiến sĩ bị rách quần, bị mất đồ nội y, cái xu chiêng bị cắt làm đôi, mỗi người (lính nam) giữ một nửa. Cao hơn nữa, một chiến sĩ trẻ trong một trận chiến đấu bị thương nặng, máu ra nhiều, người lạnh dần đi trong cơn mê sảng luôn gọi mẹ.

Một cảnh trong vở “Người đàn bà uống rượu”.

Biết cái chết mà đồng đội mình không thể tránh khỏi, người nữ y tá đã cởi áo ra ấp mặt anh thương binh nặng vào bộ ngực mình. Bộ ngực trinh nguyên, nóng bỏng đã làm ấm lại tấm thân đã lạnh toát mà tử thần đem đến. Anh như gặp lại mẹ rồi lặng lẽ ra đi trong niềm hạnh phúc của một thiên thần về với cao xanh.

Cao trào được phát triển lên điểm đỉnh về sự khốc liệt của cuộc chiến và về sự hi sinh vô bờ bến. Không phải là sự hi sinh về tính mệnh mà là sự hi sinh về cái “ngàn vàng”, về danh dự nhiều khi còn cao hơn cả mạng sống để bảo tồn cho thế hệ tương lai khi mà nguồn gien có nguy cơ bị vĩnh viễn mất, nếu…

Một người lính, một nữ y tá của trạm quân y biết về việc đồng đội của mình ngày mai ra đi khó có ngày về đã dâng hiến sự trinh tiết của mình cho đồng đội để hi vọng anh sẽ có một đứa con nối dõi. Sự hi sinh đó có một kết cục, chị đã có thai và buộc phải dời chiến trường. Vì ở đây “không có nhà trẻ” cho đứa bé sắp chào đời. Chị rời mặt trận trở về hậu phương. Từ đó mở ra trang mới của cuộc đời, chị làm công nhân lâm trường, sinh con trai.

Từ một người lao động giỏi, một đội trưởng sản xuất xuống làm lao công, trở thành “người đàn bà say” và gặp biết bao sóng gió của cuộc đời nhưng kết thúc lại có hậu. “Người đàn bà say” đó đã gặp lại đồng đội cũ, họ lại nương tựa vào nhau chống chọi với sóng gió đang dập dìu ở phía trước, cũng nhờ đồng đội, con chị được “gặp” cha, chị được gặp mẹ chồng… cả nhà được sum họp trong vỡ òa nước mắt.

Nhà văn Hữu Ước đã từng là một người lính. Ông lăn lộn ba năm ở cuộc chiến đầy máu và nước mắt ấy nên những trang viết của ông nó tự nhiên như cuộc sống. Mà cuộc sống chiến trường nó vốn như vậy, chỉ cần gặp người tài hoa là ngòi bút sẽ tuôn trào, bức tranh cuộc sống hiện ra rất hiện thực và sinh động. Cái tài, cái tinh tế của Hữu Ước là nắm bắt thực tế cuộc sống chiến trường ở góc độ, khía cạnh mà ông viết nên câu chuyện tưởng như vụn vặt nhưng lại là những mảnh ghép của cuộc sống hoàn chỉnh.

Đạo diễn Quốc Thảo đã đồng cảm, đã biến những trang viết của Hữu Ước trở nên sống động, cuốn hút người xem từ đầu chí cuối trên sân khấu. Khán giả không ngừng vỗ tay cổ vũ cho vở diễn ở những cao trào. Khán giả vừa dừng vỗ tay thì cảnh diễn mới lại khiến họ nổi lên tràng vỗ tay nối tiếp to hơn, kéo dài tưởng như không dứt (Cảnh Duyên chia tay đồng đội trở về hậu phương).

Vở diễn “Người đàn bà uống rượu” đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả bởi sự cảm thông, sự khâm phục trước những hy sinh mất mát của người lính trong chiến tranh cũng như trong cuộc sống tình cảm đời thường của họ. Cách đối nhân xử thế của họ trong chiến trường, giữa cái sống và cái chết đầy ắp tính nhân văn cao cả.

Cảm ơn Sân khấu kịch Hồng Vân (Phú Nhuận) đã cho khán giả được hưởng thụ món ăn tinh thần này. Với phong cách riêng của mình, với ngôn ngữ nghệ thuật điêu luyện của đoàn đã dựng nên hình ảnh cao đẹp của người lính trong chiến tranh ở một góc nhìn mới lạ. Nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân đã tinh tường chọn một kịch bản hay cho “đội” của mình ghi một bàn thắng đẹp trong Liên hoan sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ 3. Chị cảm nhận kịch bản bằng tấm lòng nhân hậu, sự đồng cảm của một người phụ nữ và nhận ra chất nhân văn cao đẹp trong cách ứng xử có lẽ chỉ có những người phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh khói lửa của cuộc chiến ác liệt mới có. Sân khấu kịch Hồng Vân đã vượt qua những đoàn đã dựng vở kịch này về chất lượng nghệ thuật, đồng thời cũng vượt qua một số đoàn tham gia hội diễn, ẵm giải bạc của liên hoan này.

Đỗ Văn Phú
.
.
.