Một góc nhìn khác từ nỗi buồn hoa anh đào

Chủ Nhật, 13/04/2008, 21:30
Đến cả tuần nay, dư âm của lễ hội hoa anh đào vẫn còn râm ran. Báo chí (cả báo viết và báo mạng) vẫn đang tốn không ít giấy mực để viết về hậu lễ hội hoa anh đào và nỗi buồn. Báo CAND Cuối tuần xin được đóng góp một góc nhìn khác từ lễ hội hoa anh đào...

Người Việt xin đừng quá dễ dãi

Từ giữa cuối tháng 3, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã quảng bá kỹ lưỡng chi tiết về lễ hội hoa anh đào lần thứ hai được tổ chức tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ, Hà Nội. Quá nhiều người háo hức, mong đợi cơ hội cả gia đình được chiêm ngưỡng một lễ hội hoa anh đào thật sự hoành tráng và đặc sắc ngay giữa lòng Hà Nội.

10h sáng gia đình tôi có mặt tại triển lãm Giảng Võ. Chao ôi, cả đoạn đường ngay trước cửa Trung tâm triển lãm Giảng Võ và đoạn đường Ngọc Khánh đã ùn tắc những người là người.

Tất cả các điểm gửi xe trong ngoài khu vực Trung tâm triển lãm Giảng Võ, và ở ngay cả những điểm gửi xe mới mọc chớp nhoáng ở bên vỉa hè, dưới lòng lề đường trước cửa Trung tâm triển lãm của những người kinh doanh thức thời đã kịp hét giá 1 xe 20 ngàn đồng tiền gửi nhưng đến lúc đó cũng lắc đầu nguây nguẩy vì đã hết chỗ. Mới thấy dân mình, dù được sống ở ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội, song sự khao khát được tiếp xúc, sinh hoạt, tham gia các hoạt động văn hoá là một nhu cầu thường trực và vô biên.

Không có chỗ gửi xe, nhiều người phải đi về. Tôi đành phải đưa các cháu đi ăn trưa sớm, đợi đầu giờ chiều, chắc sẽ vãn khách thì mới len vào được vì lễ hội thông báo kéo dài trọn ngày. Gần 13h, cả gia đình quay lại thì chao ôi, người còn đông kín hơn buổi sáng rất nhiều lần.

Con số 10 ngàn người đi xem lễ hội hoa anh đào của báo chí thống kê theo tôi là chưa chính xác mà chắc chắn nhiều hơn thế. Các điểm gửi xe 20 ngàn 1 xe vẫn lắc đầu không nhận. Cực chẳng đã, tôi đành phải đi thật xa gửi xe rồi cả gia đình bắt taxi tới.

Khi cùng các con len lỏi qua cổng để vào phía bên trong, có rất nhiều người mặt mũi đỏ bừng nhễ nhại mồ hôi từ phía trong đi ra và xua tay lắc đầu nói với tôi: "Thôi, mang các cháu về đi. Lễ hội vớ vẩn lắm. Có cái quái gì đâu, toàn hoa anh đào giả".

Khác với sự tưởng tượng đầy háo hức của tôi, lễ hội hoa anh đào diễn ra một góc phía sau khu nhà triển lãm Giảng Võ. Cảm giác thất vọng len lỏi đến. Nhưng khi bước vào trong khuôn viên của lễ hội, đứng dưới những cây hoa anh đào giả rồi, và "kính nhi viễn chi" 3 cây anh đào thật ở giữa thảm cỏ nhân tạo thì hỡi ôi, cảm giác thất vọng như chính mình bị lừa gạt dâng lên ứ nghẹn.

Con gái tôi luôn miệng thắc mắc: "Mẹ ơi, chỉ là hoa anh đào giả”. Một lễ hội hoa anh đào hoành tráng mà thế này ư? Một góc sân bé tẹo, người người chen chúc nhau dưới những cây anh đào nhựa, ai đó may mắn lắm mới len được vào tận cây hoa anh đào thật.

Mà nào có phải cây anh đào thật đúng nghĩa như quảng cáo đâu, rằng là những cây anh đào đẹp nhất, rực rỡ nhất sẽ được mang từ đất nước Nhật Bản xa xôi đến Việt Nam... rằng là tại lễ hội, công chúng sẽ được tham dự nhiều hoạt động mang dấu ấn văn hoá truyền thống Nhật Bản,… Cả ba cây anh đào thật đều làm giả, nghĩa là ghép từ những cành anh đào tươi, và mỗi một khúc ghép lại lủng lẳng một túi nilon đựng chất gì đó màu nâu như đất và nước (hình như thế) treo lủng lẳng trên cành cây trông giống hệt như cái cây đang được chiết, ghép cành trông vô cùng phản cảm.

Con gái 10 tuổi của tôi la toáng lên: "Mẹ ơi, sao cây hoa anh đào mọc u ghê thế hả mẹ?". Khổ là cháu mắt cận, lại nhìn từ xa, những bọc nilon to tướng màu nâu trông cứ như những cục u của cây hoa anh đào. Đã là một lễ hội, và lễ hội đó thông báo kéo dài trọn vẹn 1 ngày thì không cớ gì mới sang đầu buổi chiều, tất cả các hoạt động văn hoá tại lễ hội bị đứt đoạn. Không cớ gì những người đến sau (do tắc đường và không có chỗ gửi xe) lại không còn được thưởng thức các hoạt động trình diễn văn hoá Nhật Bản tại lễ hội.

Khu ẩm thực rác xả bừa bãi và người người chen lấn. Thấp thoáng còn một vài cô gái mặc trang phục Kimono, không thấy các trò tung bóng, ném vòng hay trình diễn võ. Sân khấu lúc này chỉ còn lại các màn múa dân gian. Không khí rời rạc và tẻ nhạt. Chỉ có người dân thèm khát chiêm ngưỡng hoa anh đào là vẫn cuồn cuộn chen nhau. Người ở trong lễ hội thì cố thoát ra để về vì thất vọng.

Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại

Thực tế của lễ hội diễn ra không như kỳ vọng của người dân, và không đủ đáp ứng cho nhu cầu quá lớn được thưởng thức hoa anh đào của người dân Hà Nội. Lỗi thuộc về ai, chúng tôi không dám lạm bàn. Qua đây chỉ rút ra một điều rằng, dân mình rất khát khao giao lưu  văn hoá, khát khao đến mức dễ dãi, cả tin, và sẵn sàng chấp nhận nhiều điều. Nhưng các phương tiện thông tin đại chúng, thiết nghĩ trong việc đưa tin quảng bá, nên có sự tiết chế, kiềm chế lượng thông tin để làm sao cho người dân không phải quá thất vọng, và cảm giác bị lừa gạt khi đến với thực tế lễ hội.

Còn một vấn đề nữa tôi cho rằng ai đó đã post những tấm ảnh bẻ cành hoa anh đào tại lễ hội một cách không minh bạch. Nếu chúng ta có một cái chú thích khác đi, có thể sẽ đỡ gây phản cảm và gây ra một phản ứng dây chuyền như vừa qua. Việc những người đi xem hoa, khi tàn lễ hội đã ào vào bẻ hoa, bẻ cành đúng là một hành động thiếu văn hoá.

Mong độc giả lượng thứ nếu tôi cho rằng, việc những cây anh đào ghép ấy, sau khi tàn lễ hội nếu không ném vào các xe rác công cộng thì cũng không thể trưng dụng hay làm gì được vì đó không phải là một cây anh đào thật, được bứng nguyên gốc và có thể trồng được ở Việt Nam, chăm sóc và bảo vệ ở Việt Nam.

Với một cây anh đào lắp ghép thì việc người dân thể hiện sự yêu thích hâm mộ hoa anh đào thái quá đến mức tàn cuộc họ cố len vào để bẻ bằng được một cành anh đào về nhà làm kỷ niệm hoàn toàn là hành động có thể giải thích được. Một hành động nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, sẽ có những hiệu ứng khác nhau và đánh giá khác nhau.

Bức ảnh bẻ cành hoa anh đào cũng vậy, nếu nó đặt trong bối cảnh lễ hội đã kết thúc, những cây anh đào kia đã làm tròn phận sự và sứ mạng của mình rồi, thì việc người xem xin một cành anh đào mang về là hoàn toàn có thể tha thứ được, chấp nhận được. Tại sao Ban tổ chức lễ hội hoa anh đào không có một phương pháp tổ chức tốt hơn, thay vì tàn cuộc, ném những cây anh đào kia vào xe rác thì có thể dỡ hoa và tặng cho những người muốn có một bông anh đào mang về nhà. Đừng quá lên án và chỉ trích gay gắt hành động bẻ hoa anh đào.

Ở Hà Nội có những con đường đầy hoa đào, hoa mai rực rỡ, như con đường Bắc Sơn phía trước quảng trường Ba Đình, nhưng người Hà Nội, cả những cô bé, cậu bé theo mẹ đi dạo vườn hoa cũng không có một ai đưa tay ra hái hoa hay bẻ cành. Từ lâu, người Hà Nội, cả những đứa trẻ con cũng không hề có thói quen hái hoa nơi công cộng. Tại sao, vì mấy cây anh đào giả, đằng nào cũng phải bỏ đi mà ai đó đã chụp ảnh post lên mạng để bàn tán, chì chiết, lăng mạ những người đã lỡ thái quá khi bẻ hoa.

Người xưa đã nói: "Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại", một hành động không đẹp, nếu nó được nâng lên thành quan điểm làm nhục quốc thể thì theo tôi không nên cố tình đưa lên mạng, để rồi sau đó, các phương tiện thông tin đại chúng luận bàn một cách rộng rãi, chỉ trích, lên án gay gắt trở thành một hiệu ứng xã hội như vậy.

Theo tôi, chỉ cần một số tờ báo đưa vào mục phiếm đàm, bình luận và phê phán là đủ thấm thía rồi. Tôi tin rằng, lễ hội hoa anh đào có được tổ chức lại lần thứ 3, hay bất kỳ một lễ hội khác, những người Việt luôn luôn đầy lòng tự trọng sẽ nhắc nhở mình không bao giờ phạm vào sai lầm nữa.

Hiệu ứng của hậu hoa anh đào theo tôi đã quá đủ. Và vai trò giáo dục của báo chí cũng đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng của mình. Chỉ có điều đọng lại trong tôi một nỗi xót xa, một cảm giác gì đó như là ê chề. Một lễ hội hoa anh đào không xứng tầm, những cây hoa anh đào giả, một lễ hội lộn xộn, tẻ nhạt và đáng chán... tại sao lại gây ra một hiệu ứng xã hội ghê gớm đến vậy.

Phải chăng mình đã quá tôn vinh người khác mà hạ bệ chính mình. Đừng mất tiền, mất công để mua một cái mác ngoại khi mà bản chất cái hàng ngoại đó chưa chắc đã bằng hàng Việt Nam chất lượng cao. Đừng sính ngoại quá và đừng tin tưởng thái quá vào cái mác ngoại mà đánh mất... chính mình.

Tôi nghĩ còn buồn hơn nếu mai này một lễ hội hoa anh đào được tổ chức ở Hà Nội mà không mấy người buồn đến xem, khi tàn cuộc, những cành anh đào lộng lẫy kia được ném vào xe rác mà không còn ai nhiều khát khao và rung động thầm ước được sở hữu một cành hoa anh đào cho riêng mình. Khi con người vô cảm trước cái đẹp, bội thực trước cái đẹp, thì điều đó còn đáng buồn hơn, đáng sợ hơn.

Mấy suy nghĩ của cá nhân, đưa ra đây để cùng bạn đọc trao đổi, nếu có gì chưa đúng, xin bạn đọc lượng thứ

Như Bình
.
.
.