Một giả thuyết về chữ "Thần đồng"

Chủ Nhật, 18/04/2010, 10:43
Không ít người tự cho mình là quý, là nhất, nên ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng “cướp” diễn đàn. Họ quên mất rằng thiên hạ nhân, thiên hạ tài.

Đến như Khổng Tử được coi là "Người thầy của muôn đời" mà còn phải thua Hạng Thác, 7 tuổi, một chữ bẻ đôi chưa biết. Lê Quý Đôn được coi là nhà bác học, từng đỗ Bảng nhãn mà phải tự hạ tấm bảng kiêu ngông treo ngoài cổng, vì không giải được đúng một chữ của  nhà sư cật vấn.

Hậu sinh khả úy

Một lần, Khổng Tử ngồi trên chiếc xe nhỏ có ngựa kéo chu du khắp các nước. Đến một vùng nọ, thấy có chú bé lấy đất đắp một toà thành, rồi ngồi vào trong đó, Khổng Tử liền hỏi:

- Này cháu, cháu trông thấy xe ta đi tới cớ sao không chịu tránh?

Chú bé trả lời:

- Cháu nghe người ta đồn rằng, Khổng Phu Tử trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa hiểu lòng người. Vậy mà hôm nay cháu gặp Phu Tử thì không phải vậy. Bởi vì từ xưa đến nay, chỉ nghe nói có chuyện xe tránh thành, chứ có bao giờ thành lại tránh xe đâu?

Khổng Tử ngạc nhiên quá, liền hỏi:

- Cháu tên là gì?

- Dạ, Hạng Thác!

Năm nay cháu bao nhiêu tuổi?

- Dạ, 7 tuổi ạ!

- Mới 7 tuổi mà cháu đã khôn ngoan vậy sao?

- Dạ thưa, cháu nghe nói, con cá nở được 3 ngày đã bơi tung tăng từ hồ nọ sang hồ kia. Con thỏ 6 ngày tuổi đã chạy khắp đồng cỏ. Cháu sinh ra đến nay đã được 7 tuổi, đã lấy gì làm khôn?

Lần này thì Khổng Tử thật sự kinh ngạc, bèn đưa ra liền 16 câu hỏi khó để thử tài Hạng Thác. Thế nhưng Hạng Thác đã trả lời trôi chảy, rồi nói:

- Vừa nãy, Khổng Tử hỏi cháu nhiều quá. Bây giờ cháu xin hỏi Phu Tử: Tại sao con ngỗng và con vịt nổi trên mặt nước? Tại sao chim hồng chim hộc lại kêu to? Tại sao cây tùng cây bách lại xanh cả mùa hè lẫn mùa đông?

Khổng Tử đáp:

- Con ngỗng con vịt nổi được trên mặt nước là nhờ có hai bàn chân vuông làm phương tiện. Chim hồng chim hộc kêu to là vì cổ chúng dài. Tùng bách xanh tươi bốn mùa là vì thân chúng đặc.

- Thưa, không đúng! - Hạng Thác reo lên - con rùa nổi lên mặt nước, đâu có phải nhờ đôi bàn chân vuông làm bàn đạp. Con ễnh ương kêu to mà cổ nó đâu có dài. Cây trúc cũng xanh bốn mùa, mà ruột nó rỗng đấy thôi.

Khổng Tử chưa biết giải thích ra sao, thì chú bé lại hỏi:

- Thưa Phu Tử, cho phép cháu hỏi thêm: Tại sao mặt trời buổi sáng lại to, mà buổi trưa lại nhỏ?

Khổng Tử nói:

- Là vì buổi sáng mặt trời gần ta hơn.

- Không phải ạ! - Hạng Thác vặn lại - Buổi sáng mặt trời gần ta hơn, sao lại mát; còn buổi trưa mặt trời xa ta hơn, sao lại nóng?

Rồi Hạng Thác lý sự một hồi, khiến Khổng Tử phải thốt lên:

- Cháu còn ít tuổi mà lại thích hỏi những chuyện xa xôi viển vông ở tận đẩu tận đâu, chuyện trước mắt thì không hỏi.

Hạng Thác cười khanh khách, nói:

- Vâng, cháu xin hỏi chuyện ngay trước mắt ngài: Vậy lông mày của Phu Tử có bao nhiêu sợi ạ?

Khổng Tử không đáp, sai người đẩy xe đi, và than rằng: "Hậu sinh khả úy!". (Lớp hậu sinh thật đáng sợ!). Câu "Hậu sinh khả úy" ra đời từ đấy. Hạng Thác mất năm 10 tuổi, được lập đền thờ, gọi là Tiểu nhi thần, nghĩa là Thần nhi đồng, gọi tắt là Thần đồng. Chữ "thần đồng" cũng có từ ngày ấy

Lê Gia Hòa (sưu tầm)
.
.
.