"Mổ xẻ" các vở diễn trong Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc lần I

Thứ Bảy, 06/12/2008, 11:34

Sau nửa chặng đường Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc (LHSKTNTQ) lần thứ nhất, hội thảo đầu tiên về các vở diễn đã thu hút sự có mặt của nhiều thế hệ nghệ sĩ, các nhà phê bình sân khấu… Rõ ràng, khát vọng tìm ra hướng đi mới cho sân khấu Việt Nam đang già nua, cũ kỹ và đầy bế tắc của giới sân khấu là rất lớn.

Tuy nhiên, 6 vở diễn đã trình làng những ngày qua: "Sang sông" (NSƯT Anh Tú đạo diễn), "Biến vĩ của tình yêu" (NSND Lan Hương), "Sanh vi tướng, tử vi thần" (NSƯT Trần Ngọc Giàu), "Trấn cổ Loa Thành" (NSƯT Anh Tú) v.v… vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng nhất. Các đạo diễn hay tác giả đều bộc lộ chân thành mong muốn tìm ra những điều mới lạ, để hướng đến khán giả, vì tình yêu nghề, nhưng cũng vì áp lực cuộc sống "cơm áo không đùa với khách thơ." Song, giữa khao khát với hiện thực không phải bao giờ cũng song hành.

Có lẽ truyện ngắn "Sang sông" của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã quá nổi tiếng từ nhiều năm trước, nên đã tạo sức ép lớn khi vở diễn chuyển thể với những ý kiến hết sức sôi động và cũng gay gắt.

Trong khi NSƯT Anh Tú cho rằng mình đã bám sát ý tưởng của tác giả, thì đa phần, các ý kiến đều nghiêng về đạo diễn còn ôm đồm nhiều ý tưởng, nên làm mờ đi dấu ấn chính là cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt: cứu đứa bé hay giữ chiếc bình cổ - điều nhà văn gửi gắm.

Nghệ sĩ Ngọc Thụ cho rằng, đạo diễn chưa hiểu đúng ý đồ của truyện ngắn, nên không có sự gặp nhau với tác giả. Hơn nữa, kịch bản có chỗ "hơi hình sự", có chỗ lại là sắp đặt, màn múa và giao đãi không cần thiết.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành ghi nhận vở diễn có những tìm tòi ở nhiều phương diện, từ kịch bản, đạo diễn đến âm nhạc và trang trí, nhưng cũng bày tỏ quan điểm về vở diễn hơi phức tạp vì có quá nhiều điều đạo diễn muốn nói: cuộc đấu tranh giữa quá khứ và tương lai; khi có việc quan trọng, thì một nhóm người thường lý thuyết lại vô dụng; nhiều khi cứ hăm hở tìm kiếm, nhưng cuối cùng cũng chả được gì; hãy lột mặt nạ ra mà sống thật với nhau… Những câu chuyện đơn giản nhưng lại gây khó hiểu khi nhân vật cứ triết lý cao siêu thành vấn đề nhân sinh.

Nhà phê bình Phạm Như Khuê đặt câu hỏi: "Tại sao phải phủ nhận cuộc cách mạng khi nó đã đem lại nền độc lập?". Mặc dù là cố vấn đạo diễn, nhưng NSND Doãn Hoàng Giang cũng thừa nhận, do đạo diễn "tham lam" nên vở diễn còn thiếu sự minh bạch. Song, trong cuộc chơi này, đạo diễn đã tìm cách để làm mới sân khấu, cách chuyển tải đi vào lòng khán giả.

Trước quá nhiều ý kiến khá gay gắt, NSND Doãn Hoàng Giang chọn cách dung hòa vở diễn mà ông có phần chịu trách nhiệm, khi ông là người đặt hàng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Một vở diễn mà người khen và người chê đều mạnh mẽ, chứng tỏ đó là một tác phẩm lớn. Song, cây đại thụ làng sân khấu Đình Quang cũng không giấu giếm là khi xem xong vở diễn, ông cũng không hiểu gì. Hơn thế, theo ông, yếu tố thử nghiệm của "Sang sông" là cấu trúc mở trong không gian, thời gian thì sân khấu Việt Nam từng có cách nay đã vài chục năm!

Tuy nhiên, NSND Đình Quang cũng phấn khởi khi nhận ra Liên hoan đã có những yếu tố thử nghiệm với mạch đập trăn trở tìm tòi của anh em nghệ sĩ trong bối cảnh sân khấu đang chao đảo. Ông ghi nhận "Biến vĩ của tình yêu" là vở kịch hình thể khá nhất trong các vở hình thể Nhà hát Tuổi trẻ đã dựng. Sân khấu hình thể đã bước qua thời manh nha bằng sự chững chạc hôm nay - dù không mới với thế giới.

Đây cũng là vở diễn nhận được nhiều lời khen thống nhất từ tác giả Thanh Hương, ông Nguyễn Văn Thành, ông Phạm Như Khuê: Vở diễn thể hiện đúng ý đồ của tác giả và đạo diễn khi đi vào hiện thực xã hội nóng bỏng và đặt ra vấn đề về thanh niên hiện nay. Đạo diễn đã xử lý tốt các tầng không gian, ước lệ mà vẫn đạt hiệu quả nghệ thuật; mâu thuẫn được đẩy tới tận cùng và không chỉ là câu chuyện tình yêu, mà là mâu thuẫn thế hệ. Với cố gắng sáng tạo của các nghệ sĩ, dù chỉ là ngôn ngữ múa, hình thể, nhưng vở diễn đã hấp dẫn và gây được xúc động nơi người xem.

Sự tìm tòi, cải tiến của vở "Sanh vi tướng, tử vi thần" cũng được đánh giá: tuồng vốn gắn với nói, hát, đánh võ, ước lệ, nhưng nay được cải tạo thành vở kịch không cần ngôn ngữ, nhưng dựa vào vốn nghệ thuật truyền thống, nên khán giả không hiểu âm nhạc hay ngôn ngữ vẫn có thể tiếp thu. "Khúc ngẫu hứng từ chuyện cô bé bán diêm" của đạo diễn Lê Hùng được cho là những sáng tạo công phu nhưng phong cách thể tài chưa đi liền với nhau.

NSƯT Anh Tú dù có buồn lòng khi "Sang sông" còn gây phản ứng thì lại có thể phấn khởi khi "Trấn cổ Loa Thành" được ngợi khen là phá cách về rối. "Đồng quê âm vang" của Đoàn kịch nói Quân đội chưa có gì là thử nghiệm, song được an ủi là thỏa mãn người xem về thẩm mỹ và tính tư tưởng.

Bên cạnh luồng ý kiến xây dựng, cũng còn một số ý kiến khiến người nghe không thấu lý đạt tình, đặc biệt còn có sự qui chụp về hình tượng trong "Sang sông”.

NSND Doãn Hoàng Giang khẳng định: Cách suy diễn đó là hết sức nguy hiểm cho sức sáng tạo của nghệ sĩ, khi đây chỉ là một cuộc chơi với mong muốn đưa sân khấu thoát khỏi sự trì trệ hiện thời, bằng việc người nghệ sĩ làm cho sân khấu rực rỡ, nồng nàn và quyến rũ hơn với người xem, trong bối cảnh phương tiện cũ kỹ, ít ỏi và kỹ thuật lạc hậu

Thanh Hằng
.
.
.