Minh tinh màn bạc Greta Garbo: Trăm năm còn lại

Chủ Nhật, 30/10/2005, 09:11

Được phát hiện từ những bức hình chụp quảng cáo trên báo, Greta Garbo vụt sáng trở thành ngôi sao điện ảnh nổi tiếng trong những thập niên đầu của thế kỷ XX. Người ta nhớ nhiều đến bà bởi những bộ phim Susan Lenox, Mata Hari, Khách sạn Grand, Anna Karenina…

Greta Garbo ra đời cách đây vừa đúng 100 năm tại Stockholm, Thụy Điển. Năm Garbo 14 tuổi thì cha bà mất để lại một gia cảnh nghèo túng. Garbo buộc phải thôi học để làm việc tại một cửa hàng. Tại đây người ta sử dụng khả năng làm mẫu của Garbo cho các trang quảng cáo trên báo. Bà không hề có ước muốn đóng phim cho đến khi được chụp ảnh quảng cáo tại cửa hàng này.

Thế giới điện ảnh thực sự mở ra trước Garbo khi đạo diễn phim hài Erik A. Petschler xuất hiện. Ông mời bà đóng một vai phụ trong bộ phim “Luffarpetter” (1923). Được khích lệ bởi chính khả năng trình diễn của mình bà đã nhận lời và giành được một suất học bổng theo học Trường Sân khấu Stockholm. Đây thực sự là một bước khởi đầu đáng khích lệ. Cuối cùng đạo diễn tài năng Thụy Điển đã kéo bà ra khỏi ghế nhà trường và trao cho bà vai chính trong bộ phim “Sự cứu rỗi của Gosta Berling” (1924).

Sau thành công ngoài cả mong đợi của bộ phim, Greta Garbo đã theo đạo diễn Stiller sang Mỹ và cả hai được nhận vào làm cho Hãng MGM. Tại đây bà đã được giao đóng vai chính trong bộ phim Mỹ đầu tiên “Dòng nước xiết” (1926). Đây cũng là một phim câm. Sau thành công với các phim “Người đàn bà quyến rũ” (1926), “Một mối tình” (1927), “Phàm tục” (1927) Garbo vụt tỏa sáng và trở thành một trong những ngôi sao màn bạc nổi tiếng nhất lúc bấy giờ.

Bộ phim lồng tiếng đầu tiên của bà là “Anna Christie” (1930) dựa trên vở kịch của nhà soạn kịch Mỹ lừng danh Eugene O’Neill. “Anna Christie” chẳng những đánh bóng thêm tên tuổi của Garbo mà còn đem về cho bà đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của Viện hàn lâm Điện ảnh Mỹ. Cuối năm đó bà được mời đóng phim “Lãng mạn” với kết quả ít nhiều thất vọng. Song bà không gục ngã, mà tiếp tục nhận vai chính trong “Susan Lenox” (1931) đóng cùng nam tài tử Hollywood Clark Gable và một lần nữa Garbo thành công. “Susan Lenox” đã gây ra một cơn sốt đối với những người yêu nghệ thuật thứ bảy lúc bấy giờ.

Sau “Susan Lenox”, Garbo tiếp tục thành công trong bộ phim “Mata Hari” (1931). Năm 1932 lại một phim ăn khách nữa có bà tham gia, đó là “Khách sạn Grand”. Nhưng có thể nói rằng phải đến năm 1935, bộ phim “Anna Karenina” của Hãng MGM mới đưa sự nghiệp của bà lên đến đỉnh cao. Không gì làm Garbo trở nên hấp dẫn như khi vào vai một người đàn bà bị giằng xé giữa hai người đàn ông và đứa con trai.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, Garbo hiểu rằng thế giới đã thay đổi và ngay từ trên đỉnh cao của vinh quang bà quyết định giã từ sự nghiệp, không bao giờ quay lại trường quay nữa. Quyết định này đã làm cho danh tiếng và những bí ẩn về bà trường tồn với thời gian, cùng với nó, những phim có bà góp mặt được tôn thêm giá trị và ghi dấu ấn vào lịch sử của ngành công nghiệp giải trí.

Từ giã ánh đèn Hollywood, Garbo tới thành phố New York. Bà kết bạn với một vài người nổi tiếng nhất thế giới, trong đó có Aristotle Onassis. Thời gian rảnh rỗi bà làm vườn, trồng hoa và rau. Năm 1954 bà được trao tặng một giải Oscar đặc biệt vì diễn xuất không thể nào quên trong quá khứ. Ngày 15/ 4/1990, ở tuổi 84 Garbo đi vào cõi vĩnh hằng cũng những bí ẩn về mình.

Ngày 23/9/2005, 5 ngày sau lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bà, tại Scandinavia House ở thành phố New York, Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Mỹ đã cho phát hành con tem Greta Garbo dựa vào tấm ảnh Clarence Bull chụp bà năm 1932 lúc bà đang đóng bộ phim “Khi em khát khao anh”. Đây là một tin vui đối với những người hâm mộ Greta Garbo. Cùng lúc đó, những cuốn sách mới viết về bà cũng đang đến với độc giả, một trong số đó là “Greta Garbo: Một thuyền thoại Điện ảnh” của Mark Vieira.

Ngoài ra, vào trung tuần tháng 9, Hãng Turner Classic Movies bắt đầu trình chiếu 21 phim của Garbo, mở đầu là bộ phim tài liệu có thời lượng 90 phút của Kevin Brownlow có nhan đề “Garbo” kể lại vắn tắt quãng đời có một không hai của bà và không gian bên trong căn hộ của bà ở khu đông Manhattan cùng 122 giây ghi lại cảnh bà thử vai diễn trong một bộ phim của nhà sản xuất Walter Wanger dựa trên tiểu thuyết của Balzac “Quận công xứ Langeais”

Lương Lê Giang
.
.
.