Mẹo xin người của nhà văn

Chủ Nhật, 25/05/2008, 11:10
Sau khi cho trình làng cuốn tiểu thuyết đầu tay "Sắp cưới" (1957), nhà văn Vũ Bão gặp "tai nạn nghề nghiệp". Đang công tác tại Ủy ban cải cách ruộng đất Trung ương, ông phải chuyển về làm việc tại Hà Nam.

Và đây là mẩu giai thoại kể lại cụ thể chuyện ông may mắn được bạn bè "giải cứu" về Thủ đô:

"Lúc ấy, nhà văn Vũ Bão đang là phóng viên Báo Hà Nam. Đọc văn ông, các nhà văn Kim Lân, Mạc Lân, Hoàng Quốc Hải làm việc ở Hội Nhà văn Hà Nội thích lắm. Họ quyết định xin Vũ Bão về công tác và Hoàng Quốc Hải được cử đi Hà Nam để làm việc này.

Không ngờ Hoàng Quốc Hải vừa đặt vấn đề, phía tổ chức Hà Nam đã tỏ ý từ chối:

- Không được! Sau cái vụ "Sắp cưới" viết sai đường lối, trên cho về đây là để cải tạo mà anh ta có chịu đâu, ngày này qua ngày khác cứ hết viết báo lại viết văn.

- Tôi tưởng nhà văn mà chịu viết như thế là chấp hành cải tạo tốt chứ ạ?

- Không! Chúng tôi không yêu cầu anh ta viết.

Thấy chiều hướng có vẻ căng, Hoàng Quốc Hải liền đổi chiến thuật. Anh hạ giọng, khe khẽ:

- Chỉ có dân trong nghề, tức nhà văn với nhau, mới biết được tất cả bùa phép của nhau, do đó mới có thể quản nhau được. Chứ ở ngoài nghề như các đồng chí thì quản lý được anh ấy là khó lắm. Nói thật với các đồng chí… - Hoàng Quốc Hải nhíu mày nghĩ ngợi rồi nói tiếp - Trên cho tôi về đây xin anh Vũ Bão là để quản lý anh ấy, nói nôm na ra là xin về để trị anh ấy đấy. Chứ còn thực tình công việc nặng nề này, như anh biết đấy, được giao thì phải cố thôi, không thể từ chối được.

Nghe đến đây, phía tổ chức Hà Nam đã bớt khăng khăng. Thêm vài lời nhấn mạnh "xin về để trị" nữa, nhà văn họ Hoàng thông minh hóm hỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ của mình...

Cuối tháng ấy, Vũ Bão có quyết định chuyển công tác về Hội Nhà văn Hà Nội".

(Bài "Xin về để trị" - Sách "Vui vui… chuyện làng văn", tác giả Hoàng An, NXB Công an nhân dân, 2007).

Cũng liên quan đến vụ việc này, trong một bài viết, nhà văn Lê Bầu đã kể rằng, chính ông cùng với Hoàng Quốc Hải, Mạc Lân là những người đã tìm cách "lôi được Vũ Bão" về Hà Nội. Và về Hà Nội, không phải Vũ Bão làm ở Hội Nhà văn Hà Nội mà làm ở Tạp chí Người Hà Nội.

Để kiểm tra lại độ xác thực của các thông tin trên, tôi tìm gặp nhà văn Hoàng Quốc Hải và được ông kể cho nghe đầu đuôi câu chuyện:

- Khoảng năm 69-70 (1969-1970) gì đấy, anh Vũ Bão có lên Hà Nội chơi. Bấy giờ, Hà Nam chuẩn bị sáp nhập với Nam Định, anh Vũ Bão không còn làm ở Báo Hà Nam nữa mà đã chuyển về Ty Thông tin. Tính anh Vũ Bão hóm hỉnh nên buổi nói chuyện của anh để lại ấn tượng với mọi người. Anh Kim Lân khi ấy là Ủy viên Thường vụ Hội Văn nghệ Hà Nội, còn tôi là Bí thư chi bộ. Anh em bàn nhau: "Hay là ta xin anh Vũ Bão về".

Khi đặt vấn đề, cả chi bộ đều nhất trí. Vừa may, thành phố cũng cho biết có 2 suất biên chế. Khi tôi về làm việc với Phó trưởng Ty, phụ trách tổ chức của Ty Thông tin Hà Nam để đặt vấn đề thì được nghe ông này than phiền, rằng anh Vũ Bão không chịu "cải tạo", không chịu đi thực tế sáng tác mà chỉ mải mê viết báo. Tôi nói: "Thế thì có thể kiểm soát được". Ông nọ mới cự lại: "Anh ấy viết, nhưng không gửi báo địa phương mà là để gửi đăng trên các báo Trung ương". Tôi nghe vậy liền nói: "Ở báo Trung ương thì càng kiểm soát được chứ?". Ông nọ lắc đầu, bảo ở đây họ "không chịu được".

Sau cuộc mào đầu ấy, tôi về Hà Nội. Lần sau trở lại, cũng vẫn gặp vị nọ, tôi phải tính bài khác. Tôi nói: "Đồng chí ạ. Có lẽ phải người trong nghề mới biết rõ được nhau. Cứ để anh Vũ Bão về chỗ chúng tôi. Chúng tôi trong nghề mới quản được". Nguyên văn câu nói của tôi là vậy. Và có nói thế thì người ta mới nghe, mới thuận. Chứ nói "xin về để trị" thế kia, thì đổ tiếng ác cho họ quá.

- Được biết, Hội Văn học Hà Nội mới đổi tên thành Hội Nhà văn Hà Nội cách đây chừng mươi năm, và hiện vẫn nằm trong Hội Văn nghệ Hà Nội. Vậy nói từ những năm 1969-1970, nhà văn Vũ Bão về công tác tại Hội Nhà văn Hà Nội có lẽ chưa được chuẩn? - Tôi hỏi nhà văn Hoàng Hoàng Quốc Hải.

- Đúng vậy-  Ông Hải khẳng định - Sau đợt đó, anh Vũ Bão về công tác tại Hội Văn nghệ Hà Nội, cùng chúng tôi làm tờ tạp chí Sáng tác Hà Nội. Nên nhớ, bấy giờ Tạp chí này chưa chuyển thành báo và chưa có tên gọi Người Hà Nội đâu nhé. Cho nên, ông Lê Bầu có nhắc vậy thì cũng là chưa chính xác

Phạm Khải
.
.
.