Media Camp Hanoi 2014: Nhiều sáng tạo, nhiều ấn tượng bất ngờ

Thứ Hai, 12/05/2014, 12:30

Ngày 11/5/2014, ngày thứ 3 cũng là ngày hoạt động cuối cùng của Hội trại Truyền thông Media Camp đã chính thức diễn ra và khép lại thành công với chiến thắng của nhóm số 3 trong phần thi lập kế hoạch truyền thông cho thương hiệu Gấu Uniform và chương trình hội thảo hấp dẫn với các diễn giả - các nhà truyền thông nổi tiếng hàng đầu hiện nay tại Việt Nam.

“Lộ trình nghề nghiệp trong ngành truyền thông” là hoạt động cuối cùng nằm trong chuỗi chương trình Hội trại truyền thông Media Camp Hanoi  2014 với phần thuyết trình của 5 nhóm xuất sắc nhất được chọn ra từ những vòng thi của 2 ngày trước đó, và phần hội thảo thú vị của các diễn giả nổi tiếng trong lĩnh vực truyền thông: TS Nguyễn Huyền Minh – giảng viên ĐH Ngoại thương HN, anh Lê Quốc Vinh -   chủ tịch Le Bros và đồng sáng lập Elite Pr School, anh Trần Anh Tú – chủ tịch VMCC và anh Tuấn Hà – CEO Vinalink.

Đây cũng là chương trình đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội cũng như Việt Nam, với sự tham gia của các đối tác chuyên môn đến từ ĐH Ngoại thương HN, Học viện Thương hiệu và Truyền thông SAGE, Trung tâm Pháp – Việt đào tạo về quản lý CFVG, Học viện Truyền thông Vinalink và Trường Truyền thông Elite PR School.

Các thí sinh tự tin hùng biện, thuyết trình

Hội trường Đại học Ngoại thương được phủ kín.

Media Camp 2014 đã để lại ấn tượng cho khán giả.

Mới mẻ và ấn tượng

Mở đầu chương trình là phần thi  của 5 nhóm xuất sắc nhất, đã vượt qua nhiều đối thủ trong những ngày trước đó để vinh dự tiến vào chung kết. 5 nhóm (gồm nhóm 2, nhóm 3, nhóm 4, nhóm 6  và nhóm 8) đã lần lượt trình bày trước giám khảo, diễn giả và khoảng 200 khách mời là các bạn trẻ có chung niềm đam mê với truyền thông, PR  về ý tưởng và kế hoạch truyền thông cho Ivycation, Joma, Gấu Uniform, Vlog+ và X-factory.

Đều còn rất trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế cũng như kiến thức chuyên môn, nhưng bằng tất cả nhiệt huyết, sự cố gắng vươn lên và sự sáng tạo, linh hoạt, 5 nhóm với 5 sản phẩm truyền thông khác nhau, đã mang đến cho chương trình những màn thuyết trình ấn tượng, những ý tưởng marketing thú vị, mới mẻ gây ấn tượng đặc biệt đến các vị giám khảo và khách mời chương trình.

Anh Ngô Quang An – CEO của Gấu Uniform không giấu được niềm vui khi chia sẻ: “Thực sự tôi rất vui khi có mặt tại đây  và nhận được bài dự thi của các bạn. Và tôi thấy mình được truyền cảm hứng. Bài dự thi của các bạn có thể chưa phải là những ý tưởng trau chuốt nhưng chắc chắn nó đã phần nào truyền cảm hứng cho các chúng tôi tiếp tục sáng tạo. Và rất có thể, nếu các ý tưởng truyền thông này thực sự thuyết  phục, chúng tôi sẽ giúp các bạn biến nó trở thành hiện thực.”

Với phần trình bày ấn tượng và ý tưởng vô cùng độc đáo, nhóm số 3 với kế hoạch truyền thông cho Gấu uniform đã xuất sắc giành giải nhất chung cuộc. Đưa ra slogan “Gấu vì Tổ quốc yêu dấu”, các bạn đã thể hiện ý tưởng truyền thông đầy ý nghĩa nhân văn: tổ chức quay video chương trình chung tay của các bạn trẻ trên cả 3 miền  của đất nước, mặc những chiếc áo do Gấu uniform thiết kế và cùng nắm tay, khơi dậy sự đồng lòng, đoàn kết và tinh thần yêu nước mãnh liệt của cả dân tộc.

Sáng tạo, sáng tạo không ngừng

Đó chính là lời khẳng định của các vị diễn giả - các nhà truyền thông nổi tiếng và đầy kinh nghiệm tại VN trong phần hội thảo Lộ trình nghề nghiệp. Sự  sáng tạo cũng được coi là một trong những tố chất quan trọng nhất của một người làm truyền thông giỏi. Không có sáng tạo, nhà truyền thông sẽ dễ dàng đi vào lối mòn, dập khuôn và không thể phát triển lên được.

Anh Lê Quốc Vinh cho rằng, những người có thể sáng tạo là những người có thể vượt qua những khuôn mẫu, những ràng buộc, là người có thể nghĩ ra và thực hiện ý tưởng hay ho. Đó cũng là những người phải học rất nhiều, đọc rất nhiều và đặc biệt là muốn làm khác đi những gì mình đã từng đọc, từng biết. Và đôi khi, những người sáng tạo nhất lại thường bắt đầu từ những công việc máy móc và dập khuôn nhất. cũng chính nhờ rèn luyện trong môi trường làm việc đó, mà người ta, bằng kinh nghiệm và sự  đột phá, cải tiến, lại có thể sáng tạo nên nhiều điều mới mẻ, thú vị mà nhiều người làm các công việc thường xuyên thay đổi không làm được.

Bàn về sáng tạo – chủ đề được các diễn giả đặc biệt quan tâm, anh Tuấn Hà cũng cho rằng, để sáng tạo trong truyền thông, người ta phải nghiên cứu rất kỹ đối thủ để từ đó có thể làm khác đi và làm hay hơn đối thủ đã làm trong khi vẫn đáp ứng và phù hợp với khách hàng mục tiêu. Sự sáng tạo và vô cùng quan trọng trong truyền thông, marketing, vì thế, nó cũng đòi hỏi mỗi người theo đuổi nó, phải dành hết đam mê, tâm sức và sự nhẫn nại, học hỏi không ngừng.

TS Nguyễn Huyền minh chia sẻ: “Công việc nào cũng cần thích ứng để có thể vượt qua thử thách. Làm truyền thông là phải sống với sản phẩm truyền thông của mình, như sống với đứa con của mình. Ý thức được chính mình và ý thức được những tình huống có thể xảy ra mới rèn luyện cho bản thân sự linh hoạt và sáng tạo không ngừng”.


Dí dỏm và sâu sắc

Hội thảo Lộ trình nghề nghiệp của Media Camp không diễn ra quá nghiêm túc, và cứng nhắc, mà thay vào đó là bầu không khí thân mật, sôi nổi của các diễn giả tinh tế, hài hước và khách mời nhiệt tình, trẻ trung.  Các khách mời đã được chứng kiến “màn tranh luận” khá thú vị của các diễn giả về khái niệm và sự phân biệt của khái niệm vốn rất khó phân định rạch ròi: marketing- truyền thông – PR.

Đây cũng là nhưng khái niệm và thuật ngữ khá quen thuộc trong xã hội nhưng còn ít được phân biệt một cách chi tiết và cụ thể, rõ ràng. Mỗi diễn giả đều đưa ra những nhận định, quan điểm khá khác nhau về 3 thuật ngữ này, nhưng chốt lại đều thống nhất ở 1 điểm: chúng ta không cần quá quan tâm và phân định rõ nét 3 thuật ngữ này, mà thay vào đó, ta nên chú trọng những mục tiêu, những đối tượng và phương thức thực hiện kế hoạch truyền thông cho thật hiệu quả, sáng tạo.

Bên cạnh đó, trong chương trình, các diễn giả cũng  thẳng thắn chia sẻ những “cơ duyên”, con đường đến với nghề truyền thông gian lao mà mỗi người từng trải qua, những cuốn sách mà họ tâm đắc nhất, cũng như những bài học và kinh nghiệm quý giá tích lũy từ những thất bại, khó khăn. Bạn cần cố gắng rất nhiều để hoàn thiện kỹ năng và tố chất mới có thể theo ngành truyền thông. Không đòi hỏi năng khiếu bẩm sinh vượt trội nhưng nghề truyền thông đặc biệt cần đến sự nhẫn mại, tỉ mỉ, sự luyện tập và học hỏi thường  xuyên.

Các diễn giả cũng nhấn mạnh đến sự quan trọng của thời gian khởi nghiệp và quá trình xây dựng thương hiệu trong thời gian đó tới các khách mời, đặc biệt là những người khởi nghiệp trẻ đang ôm ấp giấc mơ “start-up” thành công.  Theo đó, sự thất bại khi khởi nghiệp, nhất là trong ngành truyền thông là điều hết sức bình thường, quan trọng là phải vượt qua được nó. Muốn khởi nghiệp thành công thì không thể thiếu những cộng sự sẵn sang hy sinh công sức, tiền bạc, trí lực bên mình và cốt lõi nhất, xây dựng thương hiệu trong giai đoạn này cũng cực kỳ quan trọng. Phải xây dựng thương hiệu từ những sản phẩm đầu tiên bởi đó là những bậc thang đầu tiên để bạn xây dựng “ngôi nhà” của mình, như lời TS Huyền Minh chia sẻ.

Hội trại Truyền thông lần này chính là một mô hình tích hợp tổng quan giữa các yếu tố kiến thức – thực hành và cạnh tranh dành cho những bạn trẻ mong muốn phát triển sự nghiệp theo con đường  truyền thông, marketing và pr trong tương lai. Kết thúc chương trình, TS Huyền Minh cũng đó đôi lời phát biểu và hy vọng Media camp sẽ được tiếp tục tổ chức hàng năm, hướng đến sự gắn kết và thấu hiểu giữa các doanh nghiệp, các tổ chức truyền thông và các sinh viên trẻ nhiều đam mê và khát vọng

Anh Tuấn
.
.
.