Mạnh tay với các báo điện tử và trang tin điện tử vi phạm
Tuy nhiên, ngay từ tháng 9/2014, các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT đã mạnh tay xử lý các cơ quan báo chí vi phạm, đặc biệt là các báo điện tử và các trang tin điện tử với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Điều này cho thấy quyết tâm lớn của Bộ TT&TT nhằm lập lại kỷ cương trong việc quản lý trang tin điện tử và mạng xã hội, vốn được xem là những điểm nóng gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng Bộ TT&TT, chỉ trong tháng 9/2014, đã có 33 cơ quan bị phạt vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, trong đó có 26 cơ quan báo chí. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong 9/2014 đối với các sai phạm hơn 1 tỷ đồng. Đây được xem là mức phạt hành chính “khủng” nhất trong lĩnh vực báo chí từ trước đến nay. Đáng chú ý, trong số 26 cơ quan báo chí bị xử lý có 10 cơ quan báo chí bị xử phạt vì đưa thông tin sai sự thật với tổng số tiền xử phạt lên tới 450 triệu đồng.
Từ ngày 3/10, mạng xã hội phải có cơ chế loại bỏ nội dung vi phạm. |
Trong số 10 cơ quan báo chí vi phạm trên, có 7 báo điện tử và 3 báo giấy. Sai phạm của các cơ quan này chủ yếu được phát hiện qua khiếu nại của tổ chức, cá nhân đối với thông tin mà các báo đã đăng. Sau khi xác minh, các báo thừa nhận có sai phạm và phải thực hiện cải chính theo quy định. Ngoài hình thức phạt tiền, Bộ TT&TT cũng đã tiến hành đình bản tạm thời với Báo điện tử Trí thức trẻ trong vòng 3 tháng. Đồng thời Bộ TT&TT cũng yêu cầu kỷ luật cán bộ, phóng viên, biên tập viên, do các sai phạm về nội dung thông tin và một số cơ quan báo chí đã có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với cán bộ, phóng viên, biên tập viên.
Bên cạnh việc đưa thông tin sai sự thật, các cơ quan báo chí còn bị xử phạt vì những sai phạm khác, như: Đăng bài viết có hình ảnh phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam (6 trường hợp); Sửa chữa, thay đổi nội dung bài viết khi dẫn lại; Phát sóng bài hát chưa được cấp phép lưu hành; Đăng tin, bài mô tả tỉ mỉ các hành vi chém giết, man rợ; Không ghi rõ họ, tên thật hoặc bút danh của tác giả; Đăng ảnh của cá nhân mà chưa được sự đồng ý; Sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; quảng cáo thực phẩm chức năng sai phép với tổng số tiền xử phạt xấp xỉ 600 triệu đồng.
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Thông tư 09, quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3-10, là quy định trang tin điện tử và mạng xã hội phải có cơ chế loại bỏ nội dung vi phạm. Cụ thể, đối với mạng xã hội, phải có thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội phù hợp, theo các quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và được đăng tải trên trang chủ của mạng xã hội; bảo đảm người sử dụng phải đồng ý thỏa thuận sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng phương thức trực tuyến, thì mới có thể sử dụng được các dịch vụ, tiện ích của mạng xã hội; có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP chậm nhất sau 3 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng; bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng trong việc cho phép thu thập thông tin cá nhân của mình hoặc cung cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác. Bên cạnh đó, Thông tư này cũng quy định, cá nhân không được phép cung cấp thông tin tổng hợp. Các trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành, mạng xã hội khi muốn cung cấp thông tin tổng hợp thì phải đề nghị cấp phép như đối với các trang tin điện tử tổng hợp. Tương tự, những trang này nếu muốn thiết lập mạng xã hội sẽ phải đề nghị cấp phép như đối với mạng xã hội. Các cá nhân, tổ chức, DN lập mạng xã hội sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung thông tin do mình cung cấp. Sau 90 ngày kể từ khi giấy phép có hiệu lực, nếu tổ chức, DN được cấp phép không thiết lập được trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội thì giấy phép sẽ không còn hiệu lực.
Như vậy, có thể thấy, nếu so với các quy định trước đó, Thông tư 09 yêu cầu các cá nhân, tổ chức khi vận hành trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe hơn. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân cũng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về nội dung mà mình đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, sau ngày 3/10, sẽ có thêm nhiều cá nhân đăng tin theo kiểu ngụy tạo, sai sự thật trên mạng xã hội như trường hợp tung tin về dịch Ebola (Hà Nội) và ngụy tạo bức thư gửi bố ở Trường Sa (Bình Định) sẽ bị cơ quan chức năng “sờ gáy”