"Mầm ươm" của làng quần vợt Việt Nam

Thứ Hai, 21/08/2006, 14:04

12 tuổi, Đoàn Minh Khuê đã có trong tay một bộ sưu tập huy chương đáng nể tại các giải thi đấu quần vượt thanh thiếu niên thành phố và quốc gia. Những kết quả mà em có được chính là nhờ năng khiếu, sự đam mê của bản thân và sự hy sinh của cả gia đình.

Tôi đến chơi nhà Khuê vào một ngày cuối tuần, đúng lúc hai bố con đang hì hụi sửa lại mái nhà. Nhìn ngôi nhà mái ngói lụp xụp, rộng gần 40m2, ít ai có thể ngờ rằng, trong ngôi nhà đó có cậu bé với nhiều thành tích nổi trội trong môn quần vợt, một môn thể thao lâu nay được nhiều người coi là "môn thể thao của nhà quý tộc".

Cậu bé đó chính là Đoàn Minh Khuê, vận động viên quần vợt "nhí" 12 tuổi, nhà ở tập thể  Trung tâm Y tế phường Định Công - Hoàng Mai - Hà Nội.

Giải thưởng có từ... niềm đam mê

Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố dạy học tại Trường Y học dân tộc cổ truyền, mẹ làm y tá tại Trạm Y tế phường Hoàng Mai, nhưng ngay từ lúc lên 5, Đoàn Minh Khuê đã không chơi những trò trẻ con như bạn bè cùng lứa, mà chỉ thích mon men ra sân quần vợt gần nhà đứng xem người lớn đánh bóng, với ánh mắt ẩn chứa đầy sự say mê, khao khát được cầm vợt và ước mơ một ngày nào đó mình sẽ trở thành vận động viên.

Người thầy đầu tiên dẫn dắt Khuê làm quen với những kỹ thuật cơ bản của môn quần vợt không ai khác chính là người bố của em. Anh Huy, bố Khuê tâm sự: "Lúc đó, cứ  vào cuối tuần, hai bố con lại đưa nhau đến sân tennis ở 166 Trường Chinh để tập. Ở gần nhà cũng đã có sân, song vì giá thuê ở đây đắt (80-90 nghìn/tiếng) nên hai bố con phải chịu khó đi xa.

Tuy còn nhỏ, song Khuê nắm bắt kỹ thuật chơi quần vợt khá nhanh, chỉ sau vài buổi tập, cậu đã có thể thi đấu cùng bố. Năm 2000, bố được cơ quan cử đi công tác xa, mẹ sinh em bé, cũng là lúc Khuê hiểu rằng mình cần phải tạm ngừng việc đến sân tập luyện, để mẹ bớt gánh nặng.

Mang tiếng là cất vợt lên nóc tủ, nhưng có hôm nhớ cảm giác vụt bóng, Khuê lại tự bắc ghế lấy vợt và bóng mang ra sân khu tập thể (tưởng tượng đó là sân tennis) rủ bạn cùng xóm chơi cùng. Biết là con có năng khiếu, nhưng với vài trăm nghìn tiền lương mỗi tháng, mà phải lo cho cả gia đình 3 miệng ăn, chị chỉ biết ngậm ngùi cho qua.

Vào một ngày cuối năm 2001, vận may đã mỉm cười với Khuê khi em may mắn lọt vào mắt xanh của thầy Nguyễn Hồng Vinh - huấn luyện viên quần vợt ở CLB Khúc Hạo. Thấy Khuê nhanh nhẹn, có phản xạ cũng như tư duy tốt, thầy đã đề nghị gia đình cho em tham gia CLB. Từ đó, cứ sáng đi học văn hóa, chiều em lại được mẹ hoặc ông nội đưa đến CLB.

Lại có cơ hội đứng trong sân tennis, Khuê như cá về với nước, em miệt mài tập luyện để nâng cao kỹ thuật vụt bóng. Dù mới 7 tuổi, song đứng trước những buổi tập căng thẳng, vất vả, em không bao giờ tỏ ra mệt mỏi; đứng trước những tai nạn như dãn dây chằng khớp gối, dãn dây chằng khớp khuỷu tay, Khuê không bao giờ tỏ ra đau đớn hay sợ hãi.

Nhờ sự đam mê, hăng say luyện tập, Khuê sớm  được các thầy trong CLB đánh giá cao. Với tấm Huy chương đồng trong Giải vô địch quần vợt Thanh thiếu niên Hà Nội (năm 2002) đơn nam (lứa tuổi 10-12), khi Khuê vừa bước sang tuổi thứ 8, đã thêm phần khẳng định năng khiếu của em. Không thỏa mãn với thành tích mình đạt được, Khuê hầu như không bỏ lỡ một buổi luyện tập nào ở CLB với hy vọng thành tích sẽ được nâng lên.

Với những cố gắng của Khuê, tại những cuộc thi quần vợt Thanh thiếu niên tiếp theo, em luôn đạt thành tích cao. Giải ba (lứa tuổi 8-10) khu vực miền Bắc năm 2003; giải nhì đơn nam (lứa tuổi 8-10) khu vực miền Bắc năm 2004; giải tư đơn nam (lứa tuổi 11-12) năm 2005; giải nhất nam U-12 khu vực miền Bắc năm 2006... Nhờ sở trường phạt bóng phải hiểm hóc cộng với khả năng nắm bắt hướng bóng nhanh,  Khuê đã hạ gục nhiều đối thủ tầm cỡ, vươn lên giành giải ba trong cuộc thi quần vợt Thanh thiếu niên toàn quốc.

Phía sau vinh quang

Khuê kể: Mấy năm về trước, mỗi lần được mời đi thi đấu tranh giải, em đều được CLB tài trợ. Nhưng thời gian gần đây, mỗi lần đi tham gia thi đấu gia đình em đều phải tự lo chi phí đi lại, ăn ở. Có năm vượt qua nhiều đối thủ ở miền Bắc, em lọt vào vòng chung kết cuộc thi quần vợt thanh thiếu niên toàn quốc, cả nhà ai cũng mừng.

Khi biết tin cuộc thi sẽ diễn ra tại Đà Nẵng, Ban tổ chức lại không lo chi phí đi lại, thương bố mẹ, em đã định rút lui. Nhưng vì muốn em được thử sức, bố mẹ em đã hết lời động viên và mang cả số tiền dành dụm để sửa nhà ra mua vé tàu và làm lộ phí cho em và ông nội vào Đà Nẵng thi đấu. Lần đó, em đã giành giải ba, một thành tích mà ở Hà Nội, nhiều năm nay chưa có ai giành được.

Nhiều thành tích là thế, nhưng khi hỏi về giải thưởng thì cả bố, mẹ Khuê đều lắc đầu: "Chẳng có gì đâu. Chẳng qua thấy cháu say mê thì cố gắng cổ vũ cho cháu thôi. Không ít lần đi thi đấu xa, gia đình phải lo chí phí từ A-Z, và rồi được an ủi bằng chính những thành tích mà cháu mang về".

Đam mê thể thao là vậy, nhưng không bao giờ Khuê quên nhiệm vụ học hành. Ở lớp em luôn đứng trong hàng ngũ "top ten". Hàng ngày, sáng đi học văn hóa, chiều đi tập quần vợt, tối về em lại giở sách vở ra ôn bài đến khuya. Có những lần nghỉ học đi đấu giải, để theo kịp kiến thức các bạn trên lớp, em thường mượn vở của bạn về nhà chép lại, rồi giở sách giáo khoa ra tự học, gặp chỗ nào khó hiểu quá em mới nhờ đến bố giảng giúp. Vì vậy, song song với những thành tích của thể thao, Khuê còn có cả những tấm giấy khen học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập

Thanh Huyền
.
.
.