MPK: Chàng lãng tử cao nguyên

Thứ Hai, 26/09/2005, 08:14

MPK hay Phước “khùng” cái tên ấy gắn với nhiều giai thoại ở phố núi Đà Lạt. Người ta bảo anh là “người tiên” bởi cả hình thức và tính khí kỳ lạ. Quanh năm ngày tháng chỉ độc bộ quần áo với chiếc thổ cẩm miền Thượng và mái tóc dài quá lưng, anh lang thang qua những núi đồi Đà Lạt, ghi lại hàng ngàn bức ảnh. Chẳng phải để nổi tiếng, cũng chẳng vì tiền, nhiếp ảnh với anh là niềm đam mê, là máu thịt.

Cách đây hơn 10 năm, lần đầu tiên đặt chân lên Đà Lạt tôi gặp một người thanh niên tóc dài quá lưng, râu lưa thưa không sửa trông rất khó ưa. Mặc cho trời nắng chan chát như đổ lửa hay mưa dầm dãi mịt mờ, người thanh niên ấy vẫn trùi trũi một tấm thân trần cùng chiếc balô úa màu thời gian và cái máy ảnh cũ kỹ trên lưng, cuốc bộ, lăn lộn khắp các ngõ cùng xóm cụt để theo chim bướm, hoa lá, trời mây, sương gió… Khi ấy, tôi nghe mọi người nói anh ta là Phước “khùng”. Trông bộ dạng của anh ấy rất… “khùng”. Chỉ biết thế rồi bỏ lướt qua nhau…

Sau 10 năm rời mái trường đại học, tôi trở lại thăm Đà Lạt vẫn bắt gặp Phước “khùng”, cũng chiếc balô, máy ảnh ngày nào lang thang khắp phố phường để lăn lộn với cảnh vật, thiên nhiên Đà Lạt. Hình như trời đất ở đây đã ban tặng cho anh một cách sống và làm nghệ thuật không giống ai. Và cũng có lẽ người đời gắn cho anh cái tên Phước “khùng” bởi sự đam mê nghệ thuật quá đỗi lãng tử của anh như thế.

Có lần tình cờ được ngồi chung mâm với anh cùng vài người bạn trong một quán cóc bên dốc đá Đà Lạt, nhâm nhi xị rượu nóng và trò chuyện tình người, tôi mới hiểu về anh. Thực ra, tên cha mẹ anh đặt là Nguyễn Văn Phước nhưng anh lại gắn duyên với cái tên tắt MPK và Phước "khùng". MPK là những từ viết tắt tên thánh của anh (Michel) và tên người đời đặt cho anh Phước “khùng”. Rồi cái tên và con người MPK ấy lại trở thành một nhân vật đi vào phim “Dốc tình” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Dẫu rằng sự tái hiện ấy của những nhà làm phim chưa đạt như mong muốn…

Những bức ảnh kỷ niệm ban đầu

Xung quanh Phước “khùng” cũng có nhiều chuyện thần thánh hóa thật buồn cười. Người ta đồn Phước “khùng” là “người tiên”, anh dầm mưa dãi nắng quanh năm mà không đau ốm. Cũng vì “người tiên” nên cái yêu không phải cái yêu bình thường như của con người trần tục. Phước yêu nhiều người, nhiều cô gái say đắm Phước nhưng Phước thì vẫn không thuộc về ai.

Tôi nghe làm lạ thắc mắc với Phước chuyện này thì được anh kể rằng khi lên 16 tuổi Phước có đem lòng yêu một cô bé tên Thư, con một bác sĩ ngụy nhỏ hơn Phước hai tuổi. Hồi ấy tình cờ gặp nhau trên đường Duy Tân - Đà Lạt, Phước thích nên theo về tận nhà rồi ngày ngày đem lòng nhớ thương. Mỗi lần đi qua thập thò cửa sổ nhìn nhau, hẹn hò vài phút rồi về. Bây giờ hình như cô bạn ấy đang ở Thụy Sĩ. Tuổi thơ của Phước yêu “chết” một người con gái ấy nên sau này có gặp ai Phước cũng thấy chẳng hơn người xưa và… cô đơn. Mãi đến năm 2004, ở tuổi 49 cứng cáp, Phước mới gặp một cô gái tên Minh, đạo diễn sân khấu mới ra trường, trong một lần đi triển lãm ảnh ở Tp.HCM. Phước bảo: “Mình với cô ấy cũng có nhiều hứa hẹn và dự tính tương lai nhưng bây giờ chưa dám công khai…”.

Có lần anh đang dở dang với tôi câu chuyện đời về những kẻ vong ơn bội nghĩa, “đánh thắng giặc rồi lại bẻ cung”, đùng một cái anh đứng phắt dậy bỏ về. Tôi giật mình không hiểu lý do nhưng sau đó mới biết anh bạn rượu mới gặp ngồi cạnh tôi đã dùng móng tay bấm anh quá trớn nhiều cái. “Sao lại làm trò đùa khùng thế?”- Tôi nổi nóng. Anh bạn rượu tôi lý giải vì nghe người ta đồn Phước “khùng” không biết đau, da thịt anh được “thần tiên” bồi đắp… Sau lần lỡ dại ngờ nghệch ấy, anh bạn tôi chạy vạy xin lỗi mãi nhưng cũng không cản được sự tức giận nên Phước đã bỏ về.

Hôm sau tôi tìm đến gặp Phước ở nơi tá túc trong căn gác nhỏ thừa phía sau khách sạn. Nhờ cái hộp vuông, trụ sắt cắm chết đứng với cái chữ MPK đã chỉ tôi lối vào phía sau căn phòng trọ tạm bợ của Phước. Phước đang say mê bấm lia lịa những bức ảnh về củ quả. Tôi đến tình cờ, Phước cười khà và nói: “Hôm qua thằng nhỏ kia nó bấm tôi đau quá!”. Rồi anh lại loay hoay với những bức ảnh mà quên cả khách đến nhà. Phước bấm liên tục, tôi cũng mở máy ảnh của mình ra bấm. Phước cười khà khà và bảo: “Đừng bôi bác tôi như những người làm phim nghen ông…”.

Căn phòng nhỏ quá chật chội, tạm bợ, chứa đầy phim ảnh, tranh vẽ với mùi âm ẩm khó chịu, không thấy chỗ nào để Phước nằm ngả lưng. Phước chỉ vào đống tranh ảnh: “Khi mỏi mệt thì nghỉ luôn ở đó”. Ảnh của Phước xoay quanh các chủ đề về thiên nhiên như sương, gió, mây, hoa, quả, trăng, mưa, nắng… và anh đang chuẩn bị cho ra đời thêm bộ “Mầm và côn trùng”… Phước bảo bộ ảnh này đã “ăn” của anh hết 40 cuốn phim rồi.

Đơn giản, gần gũi và gắn chặt với cuộc sống thiên nhiên nhưng đầy ắp tính nghệ thuật trữ tình, những bức ảnh của Phước đã làm xao động biết bao lòng người yêu mến nghệ thuật. Có người ví MPK là một “cảnh quan” của Đà Lạt. Bằng lòng say đắm với nghệ thuật, thiên nhiên, Phước đã cho ra đời hàng chục ngàn bức ảnh đẹp rồi cho, tặng và triển lãm một cách ngẫu hứng.

Ảnh của Phước treo trang trọng ở khắp các cuộc triển lãm nhưng không cần thu lại một đồng tiền nào. Phước cũng chưa bao giờ đem ảnh của mình đi thi thố hoặc bán cho ai nhưng mọi người trong nước và quốc tế đều biết đến MPK qua những bức ảnh đạt ở trình độ nghệ thuật khá. Chỉ có bạn bè thường xin ảnh Phước đăng báo hay triển lãm rồi trả nhuận bút cho anh. Nếu Phước không nhận là họ “vi phạm”… Phước trả lời đơn giản là “không thích và kiếm tiền không phải là mục đích của tôi”.

Tôi chưa gặp ai làm nhiếp ảnh tài hoa mà nghèo như Phước, kể cả bộ quần áo anh mặc cũng cố hữu một chiếc áo thổ cẩm miền Thượng suốt năm tháng. Có người bảo đó là “môđen” của MPK. Nhưng ngược lại Phước chưa bao giờ than mình nghèo, anh lại có một niềm đam mê và lẽ sống riêng: “Tôi chỉ muốn làm đẹp cho cuộc sống và tránh cái danh, sắc, lợi. Bởi lòng tự kỷ sẽ giết chết tình yêu đời sống và trái tim mình…”.

Cuộc đời nhiều biến cố

Nhâm nhi vài ly rượu đế thân tình với Phước mới hiểu được cuộc đời của người đàn ông ở tuổi 49 này đã kinh qua quá nhiều sóng gió phong ba. Phước học khá giỏi nhưng năm lên 13 tuổi thì bỏ nhà đi lang thang. Phước không thèm đến trường nhưng lại thường vào thư viện để đọc sách. “Sao lúc đó anh kỳ vậy?”- Tôi hỏi. Phước cười vô tư như một đứa trẻ: “Lúc ấy tôi mới lớn nên chưa hiểu cuộc sống. Khi gặp phải nhiều điều giả dối quá, tôi không chịu được nên muốn đi tìm sự thật và đã bỏ học mà đi”.

Rồi Phước đã lang thang và càng đi tìm sự thật thì càng thấy giả dối. Phước dúi đầu vào tìm cái thật trong những cơn say và trở thành lạc lối vào những chốn ăn chơi, hư hỏng của thời Mỹ - ngụy ở miền Nam trước giải phóng. Có thời gian Phước phải vào tù “gặm nhấm”, trả giá cho những cuộc chơi phù phiếm của mình… Có thời gian Phước bị gia đình “quên” luôn anh là một đứa con của gia đình. Nỗi cô đơn đã đè nặng Phước đến kinh sợ. Những lúc ấy, quán cà phê “Tùng” ở phố núi Đà Lạt đã thành nơi ấm cúng nhất cho cuộc đời. Rồi cũng từ đó Phước nhận ra lẽ sống đích thực cho mình.

Phước đến với nhiếp ảnh như một định mệnh đã cứu cánh cuộc đời anh. Lúc đầu tự mày mò học nghề rồi Phước mua được máy ảnh từ những đồng tiền lẻ nhặt ở chợ rau. Mỗi ngày Phước kiếm được vài ba ngàn đủ ăn qua bữa. Một hôm nọ trên “Thung lũng tình yêu”, ngồi chờ khách, Phước nghĩ ra một bức ảnh với tựa đề “Khát vọng”. Một bàn tay Phước với lên bầu trời xanh đẹp rồi tay kia bấm máy. Từ bức ảnh này Phước nhận ra rằng tham vọng của con người trên cuộc đời là vô bờ bến, nếu sống chỉ cần tiền, ăn sống, làm tiền thì không biết bao nhiêu cho đủ. Cuộc sống đã giúp cho Phước nhận ra sự giả dối chỉ bớt đi khi nào lòng tham của con người lắng xuống. Phước bỏ chuyện đi làm ảnh kiếm tiền mà lao vào con đường ảnh nghệ thuật làm đẹp cho cuộc sống từ dạo ấy.

Vượt qua cuộc đời đen tối, lòng tham  lam ích kỷ tầm thường của con người, Phước đưa mình về với cuộc sống nghệ thuật một cách nghiêm túc. Ngày đêm Phước ăn, ngủ, khóc cười bên những bức ảnh để cho người đời thưởng thức cái đẹp hồn nhiên của thiên nhiên Đà Lạt, của trời đất muôn trùng nở hoa... Và rồi anh được nhận cái tên quen thuộc của người đời gắn cho mình: Phước “khùng”. Chỉ đơn giản thế cũng đủ làm cho tôi thán phục anh - một con người lãng tử

Đặng Ngọc Như
.
.
.