Lý luận - phê bình sân khấu vẫn chưa có chuẩn

Thứ Năm, 23/08/2007, 18:01
Kỷ niệm 50 năm Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, các nhà lý luận - phê bình sân khấu có dịp ngồi lại với nhau để bàn thảo về vấn đề "chuẩn cho lý luận - phê bình sân khấu". Trong cuộc gặp mặt, tất cả các nhà lý luận - phê bình đều thừa nhận sự khủng hoảng của sân khấu hiện tại.

Tuy nhiên, bắt đầu từ đâu để tìm lối ra cũng như cách thức để làm sân khấu hiệu quả đang là câu hỏi chưa có lời giải và khá phổ biến "hiện tượng người ta làm sân khấu một đàng, anh lại phê bình một nẻo" như lời của nhà văn Lê Duy Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

GS.TS.NSND Đình Quang đã mở đầu bằng nhận xét: Lý luận - phê bình sân khấu đã chết từ lâu. Muốn phê bình phải có hệ qui chiếu, nhưng hiện đang không có chuẩn, mà phần lớn dựa theo cảm tính cá nhân nên đôi khi, cùng một vở diễn, nhiều ý kiến khen - chê trái chiều, thậm chí là mâu thuẫn kịch liệt. Liên hoan Sân khấu quốc tế cuối năm 2006 cũng không có tiêu chí nên mỗi người nhận định một cách vì thiếu hệ qui chiếu thống nhất.

Có thể nói rằng, những người làm lý luận - phê bình sân khấu còn rất lúng túng. Lực lượng phê bình sân khấu hiện nay đông nhưng không mạnh.

Theo bậc trưởng lão của sân khấu Việt Nam thì, điều cần thiết nhất lúc này là phải tích cực rèn quân để đạt được trình độ xứng tầm, đón bắt thời cơ, bởi rồi sẽ đến lúc, khát khao hưởng thụ giá trị tinh thần đích thực sẽ trở lại.

Ý kiến của bậc trưởng lão Đình Quang về việc "lý luận - phê bình sân khấu đã chết" làm một số người "nảy" người nên nhưng cũng không đưa ra được ý kiến xác đáng về sự sống của nó. Bởi thực tế, các công trình, bài viết về lý luận - phê bình sân khấu rất ít, thậm chí, nếu có cũng rất èo uột, hoặc ít người biết tới.

Nhà phê bình Đăng Khoa cho rằng, vẫn có những thành tựu về lý luận - phê bình sân khấu nhưng không được nhiều người biết đến. Do đó, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cần phải biết và có trách nhiệm phổ biến đến mọi người để tiếp cận. Phê bình tuy không chết nhưng tản mạn và không có chuẩn.

Một số ý kiến cho rằng, không ai muốn viết lý luận - phê bình sân khấu vì ngại động chạm, thù lao lại thấp hơn nhiều so với sáng tác. Tâm lý ngại đụng chạm dễ làm cho bài phê bình không phản ánh đúng chất lượng tác phẩm. Song, chính những người này lại lên tiếng phê phán khi hiện nay, phê bình sân khấu trên báo chí sôi động nhưng chất lượng cần bàn khi nhiều nhà báo trẻ không hiểu gì về sân khấu nhưng lại làm phê bình sân khấu. Vì vậy, cần chấm dứt những bài viết không có trọng lượng, không có nghề nghiệp.

Nhà phê bình Tuấn Giang cho rằng, các bài viết phê bình của các nhà báo là quan điểm của số đông khán giả và không thể thiếu được trong đời sống văn nghệ - nhất là khi các cây bút chuyên nghiệp không ai chịu viết. Không có chuẩn cụ thể mà chuẩn nằm ở sự đa phong cách mà chúng ta phải đổi mới cách nhìn và chấp nhận. Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phải quan tâm cho người làm lý luận như với người làm sáng tác qua việc tổ chức các hình thức sinh hoạt lý luận phê bình để gợi ra những cái hay.

Nhà phê bình Nguyễn Văn Thành đồng tình với quan điểm này: Nhiều nhà lý luận - phê bình sân khấu còn rất cũ trong cách nhìn nhận, khi xét tác phẩm lại nhìn về chính trị. Chúng ta đang đi tìm chuẩn và trong bối cảnh chưa có phê bình học thuật thì phải bằng lòng với phê bình báo chí, vì đó là một hình thức tồn tại của phê bình sân khấu, gần gũi với cuộc sống và là bước chuẩn bị cho nền phê bình hàn lâm trong tương lai.

Nhà biên kịch - phê bình Lê Quý Hiền cũng cho rằng, báo chí còn có nhiệm vụ định hướng dư luận và không phải là chất lượng kém, mà do yêu cầu của mỗi báo trước những vấn đề quan tâm. Những người làm công tác phê bình mới chính là người có lỗi, vì khi đánh giá cả một nền sân khấu thì ai cũng kịch liệt phê phán, nhưng bảo chỉ ra yếu kém của một vở diễn cụ thể thì không ai dám lên tiếng.

Ban Lý luận phê bình sân khấu của Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam cần là đầu mối cho các nhà phê bình đi xem các vở diễn (không mất tiền) để việc phê bình được khách quan. Ông Hiền cho rằng, nếu hàng ngày trên truyền hình, sân khấu cũng được giới thiệu nhiều như thể thao thì sẽ vực được sân khấu lên ngay!

Có nhiều ý kiến, nhưng sự khủng hoảng của lý luận - phê bình sân khấu là điều ai cũng thừa nhận. Nguyên nhân chính là bởi các nhà phê bình ít chịu cầm bút. Thế nhưng, trong khi nhiều người suốt mấy chục năm qua không hề có một bài viết nào, chứ đừng nói đến công trình nghiên cứu, thì lại hô hào không được để các bài báo viết phê bình sân khấu tồn tại. Có những bài viết nhỏ, nhưng góp phần để công chúng biết rằng sân khấu vẫn hoạt động, chả hơn cứ ngồi phán xét vu vơ, mà không chịu lao động nghệ thuật ư?

Hơn nữa, làm phê bình không chỉ đòi hỏi tầm mà còn phải có cả cái tâm và bản lĩnh, nhưng người cầm bút lại ngại đụng chạm thì đến bao giờ mới tìm ra lý do để cầm bút? Khi những người làm công tác lý luận phê bình còn chưa vượt được lên khỏi những níu kéo đời thường để cống hiến, thì sự khủng hoảng của sân khấu, của lý luận phê bình sân khấu là lẽ đương nhiên.

Có lẽ, ý kiến của NSƯT Lê Chức - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chính là vấn đề quan trọng của công tác lý luận - phê bình sân khấu hiện nay: "Không thể lấy những quan điểm đã học từ nhiều chục năm trước để áp dụng vào thực tiễn sân khấu hiện nay. Phải nhìn nhận sân khấu bằng cái nhìn khác, với thước đo khác và linh hoạt hơn khi đánh giá chất lượng sân khấu của mỗi vùng miền, vì suy cho cùng, sân khấu phải hướng tới cái đích là công chúng."

Thanh Hằng
.
.
.