Ly kỳ chuyện phục dựng bức ảnh cô gái được tìm thấy cùng hài cốt liệt sĩ

Thứ Bảy, 05/06/2021, 08:46
Những ngày đầu tháng 6, vùng cao Ba Lòng (Đakrông, Quảng Trị) nắng nóng như xối lửa. Sau nhiều lần dò hỏi, chúng tôi đến được địa điểm tìm kiếm mộ liệt sĩ ở thôn Tân Xá.

Trong khu vườn của một hộ dân, tốp cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 968, ai nấy lưng áo mồ hôi ướt đẫm như tắm, đang hối hả đào những cái hố hình chữ nhật cao quá đầu người. 

Đây là địa điểm khai quật tìm kiếm mở rộng, sau khi phát hiện, cất bốc được 40 hài cốt liệt sĩ cùng nhiều di vật của bộ đội kèm theo ở một điểm khác vào cuối tháng 3 đến cuối tháng 5/2021, ở thôn Tân Xá.

Trung tá Lê Ngọc Thông, Phó Chủ nhiệm chính trị, Sư đoàn 968 kể lại, tại địa điểm tìm thấy 40 hài cốt liệt sĩ, lực lượng tìm kiếm phát hiện một bao nilon nhỏ chôn cùng hài cốt liệt sĩ. Bằng kinh nghiệm, lực lượng tìm kiếm đã bảo quản di vật nguyên vẹn và đưa về Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Trị để tiến hành phục dựng. 

“Các anh chị ở Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Trị phục dựng di vật đến đâu thì thông tin cho chúng tôi đến đó. Khi được anh chị gửi đến là bức chân dung một cô gái, anh em vỡ òa niềm cảm xúc, mừng lắm. Rất cảm ơn các anh chị của đơn vị này đã bằng trình độ, kỹ thuật cao và hơn hết là bằng trách nhiệm, tình cảm của mình với liệt sĩ đã phục dựng được di vật của bộ đội một cách hoàn hảo. 

Chúng tôi sau đó đã ngay lập tức phát thông tin tìm kiếm kèm theo bức ảnh trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng và các trạng mạng xã hội với hy vọng sớm tìm ra manh mối liên quan...”, Trung tá Lê Ngọc Thông chia sẻ.

Trung tá Lê Ngọc Thông cho biết thêm rằng, căn cứ nhiều nguồn tài liệu và các nhân chứng, vào đêm 19 rạng ngày 20/10/1965, Trung đoàn 6 (Đoàn Phú Xuân), Quân khu Trị Thiên đã thực hiện đợt đánh thứ 3 với quyết tâm đẩy bằng hết quân địch ra khỏi đồn Ba Lòng. 

Tuy nhiên, do gặp phải một số yếu tố bất lợi, 71 chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh đến phút cuối cùng. Do điều kiện chiến tranh, có 53 chiến sĩ sau đó được chôn cất chung trong các hố chôn tập thể. 

Kể từ sau giải phóng, Sư đoàn 968 đã rất nhiều lần phối hợp Ban liên lạc cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 6 và cấp ủy, chính quyền địa phương cùng nhiều cá nhân, tổ chức, tiến hành nhiều đợt khảo sát, tìm kiếm, quy tập. Tuy nhiên, do bom đạn chiến tranh hồi đó đánh phá nhiều lần làm địa hình, địa vật thay đổi.

Rồi sau ngày đất nước thống nhất, việc tái thiết xây dựng nhà cửa, vỡ hoang, cải tạo đất đai để phát triển sản xuất của người dân địa phương; cộng thêm yếu tố thời gian, tuổi tác làm cho các CCB của đơn vị trên không còn nhớ được một cách chính xác nơi hy sinh, chôn cất của đồng đội. 

Mãi đến cuối tháng 3/2021, sau qua rất nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu, đối chứng các thông tin và tiếp tục tổ chức hàng chục cuộc khai quật, tìm kiếm nữa mới tìm thấy 40 hài cốt liệt sĩ ở thôn Tân Xá, Ba Lòng.

Cũng theo Trung tá Lê Ngọc Thông, xã Ba Lòng có diện tích trên 73km2, cách TP Đông Hà tầm 45km về phía Tây Bắc. Trong kháng chiến, Ba Lòng là căn cứ địa vững chắc của cách mạng, là đầu não kháng chiến của khu vực Trị Thiên thuộc hệ thống chiến khu miền Tây. Vì vậy, đã có nhiều đơn vị, chiến đấu hy sinh ở Ba Lòng. 

Những năm qua, các đơn vị đã tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; riêng Sư đoàn 968, việc tìm kiếm đặc biệt tập trung 53 liệt sĩ của Trung đoàn 6, do nhiều năm qua, đơn vị đã tìm hiểu, nghiên cứu kỹ được các thông tin liên quan, cũng như đã nhiều lần tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực địa. Tuy nhiên, việc tìm thấy 40 hài cốt liệt sĩ kể trên, hiện tại chưa thể khẳng định được là chiến sĩ của Trung đoàn 6.

“Chúng tôi đang cần thêm thời gian, việc tìm kiếm thêm thông tin, manh mối, đồng thời sẽ tổ chức hội thảo khoa học mới mong có thể xác định được đơn vị, danh tính của các liệt sĩ”, Trung tá Lê Ngọc Thông bày tỏ.

Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Trị đang phục dựng bức ảnh là di vật được tìm thấy cùng hài cốt liệt sĩ.

Trở lại bức ảnh chân dung của cô gái được tìm thấy cùng hài cốt liệt sĩ, chúng tôi đến Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Trị tìm hiểu và được nghe câu chuyện phục dựng thật ly kỳ. 

Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Huyền kể rằng, hôm đó vào khoảng 7h30 sáng 28/4/2021, Phòng Kỹ thuật hình sự tiếp nhận một di vật đặc biệt của liệt sĩ để tiến hành phục dựng. 

Di vật được đựng trong một bao nilon, bên trên buộc cẩn thận. Do chôn lâu ngày dưới lòng đất nên di vật rất dễ bị mục mũn, nhất là khi tiếp xúc với oxy nên bằng kinh nghiệm dày dặn, các cán bộ, chiến sĩ đơn vị đưa di vật này vào chỗ kín gió, cùng sự hỗ trợ của máy móc sấy khô một cách tự nhiên.

“Vừa sấy em vừa mở từng lớp bọc ra một cách rất cẩn thận và tỉ mẩn. Cứ thế, di vật dần lộ ra sau 2 lớp bọc bên ngoài với lớp ngoài cùng bằng chất liệu nilon cứng dạng như áo mưa ngày xưa, lớp kế tiếp cũng bằng nilon nhưng mỏng, mềm hơn. Di vật được phát hiện là một tấm giấy cỡ nhỏ với hiện trạng đã ố vàng, mục nát vì ẩm ướt lâu ngày, hoàn toàn không nhận ra bất kỳ thông tin nào trên đó”, Thượng úy Huyền bồi hồi nhớ lại.

Các cán bộ chiến sĩ Phòng Kỹ thuật hình sự đưa di vật vào máy chuyên dụng, sử dụng các bước sóng và nguồn sáng thích hợp trên cơ chế vật lý để xử lý phục dựng. 

Kết quả, sau khi kiểm tra qua rất nhiều bước sóng với thời gian hơn nửa ngày, đã ghi lại được thông tin trên tấm giấy là hình ảnh chân dung một cô gái khoảng 18-20 tuổi có đôi mắt rất đẹp. 

Lúc này, Trưởng phòng - Đại tá Ngô Văn Quả; Thượng tá Nguyễn Xuân Phong, Phó phòng cùng Trung tá Lê Phước Quang, Đội trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự, cũng có mặt. Mọi người đều lặng người xúc động không nói nên lời.

“Thật sự mỗi khi phục dựng di vật của liệt sĩ, em và các anh, các chú trong đơn vị đều hồi hộp lắm! Bởi di vật mà mình đang làm đó là rất thiêng liêng, gắn liền với những con người, những trận đánh cụ thể mà mình hôm nay được sống hạnh phúc trong hòa bình này. Đối với di vật này, khi đến bước sóng rõ nhất, thấy ra được trên đó là khuôn mặt một cô gái, tự nhiên em thấy vô cùng xúc động, hình dung ra bao nhiêu thứ của chiến tranh, con người và kỷ niệm gắn chặt với nó, với người ra trận và với người ở lại hậu phương chờ đợi, hy vọng ngày hòa bình để sum họp…”, Thượng úy Huyền bày tỏ trong niềm xúc cảm dâng trào.

Được biết, sau một tuần lễ kể từ khi thông tin liên quan kèm theo bức ảnh được phát đi, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội, hiện tại đã có một gia đình ở Đức Thọ, Hà Tĩnh khi nhìn bức ảnh, nghi cô gái chính là người yêu của thân nhân họ là bộ đội đã chiến đấu, hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. 

Người trong ảnh hiện đang sinh sống ở miền Nam và gia đình này đang tìm cách liên lạc để tìm hiểu thêm về thông tin.

Thanh Bình
.
.
.