Lý Liên Kiệt thần tượng Pavel Korchagin

Chủ Nhật, 03/08/2008, 21:30
Ngày 31/7 vừa qua trên quy mô toàn cầu đã công chiếu bộ phim mới "Xác ướp III: Lăng mộ của Hoàng đế Rồng" (The Mummy: Tomb of the Dragon Emperor). Đây là bộ phim hợp tác giữa Đức, Mỹ và Canada, được thực hiện theo phương châm "Mạo hiểm vượt thời gian", do Rob Cohen đạo diễn với ngân sách 175 triệu USD.

Vai chính trong phim do ngôi sao võ thuật nổi tiếng người Hoa Lý Liên Kiệt đảm nhận. Trong phim còn có những ngôi sao quen thuộc như Brendan Fraser, Maria Bello, Michelle Yeoh, Luke Ford…

Nhân vật của Lý Liên Kiệt là Hoàng đế Rồng, chết và được ướp xác từ hàng nghìn năm trước trong lăng mộ bởi lời nguyền của một nữ pháp thuật gia. Khi nhà khảo cổ Richard 'Rick' O'Connell (do Fraser đóng) cùng cậu con trai 20 tuổi tới nghiên cứu ở Trung Quốc thì họ đã vô tình đánh động vong linh của Hoàng đế Rồng. Và thế là mọi sự rùng rợn đầy hấp dẫn đã bắt đầu bùng nổ.

Nhân vật của Lý Liên Kiệt đã tung hoành "dọc ngang nào biết trên đầu có ai" trong xuất phẩm mới hứa hẹn sẽ có doanh thu vào hàng kỷ lục của Hollywood.

Theo lời Lý Liên Kiệt nói với phóng viên báo Nga Komsomolskaya Pravda trước ngày phim "Xác ướp III: Lăng mộ của Hoàng đế Rồng" được công chiếu, nhân vật Hoàng đế Rồng tuy dữ tợn như thế nhưng cũng có không ít nét tích cực. Anh triết lý:

"Hoàng đế Rồng muốn dùng gươm để thống nhất giang sơn: chẳng lẽ ông ấy lại không đúng? Nhìn từ quan điểm Phật giáo, mọi sự vô thường! Tất cả đều chuyển động. Cái tốt cũng biến đổi, cái xấu cũng biến đổi. Tại Trung Đông chẳng hạn, đã gần hai nghìn năm nay người ta vẫn đối địch với nhau. Ai đúng, ai sai? Đánh giá điều này phụ thuộc vào quan điểm từng bên. Tôi thích nước lọc, còn anh lại thích rượu vang. Cái gì hay hơn, nước lọc hay rượu vang?

Cũng không nên quên những khác biệt về văn hoá và phong tục tập quán. Sự khác nhau ấy là rất đáng kể dẫu rằng thế giới hôm nay đang liên kết lại với nhau, trở nên gần gụi với nhau hơn, nhưng những khác biệt vẫn tồn tại. Trong phong cách văn hóa Mỹ, bạn có thể vì quyền lợi của vợ hay con gái mà cưỡng lại pháp luật và vẫn được coi là người tốt.

Nhưng ở Trung Hoa chúng tôi thì lại ngược lại. Ngay cả nếu như động cơ của bạn là cực tốt, nhưng nếu bạn chống lại chính phủ, quốc gia, chống lại những cảnh sát thì bạn sẽ là kẻ ác, kẻ thù. Bởi vậy nhìn từ quan điểm của chúng tôi, bảo ai là kẻ ác trong trường hợp này là một việc phức tạp lớn lắm!".

Trong gần nửa thời gian của phim "Xác ướp III: Lăng mộ của Hoàng đế Rồng", nhân vật của Lý Liên Kiệt ở trong gương mặt đất sét dữ tợn nhưng vẫn "tác chiến" cực kỳ ngoạn mục. Với những diễn viên ở đẳng cấp khác, chắc đã rất khó khăn nhưng theo Lý Liên Kiệt, anh đã dễ dàng thực hiện mọi nhiệm vụ mà đạo diễn Cohen đã giao cho: "Đối với tôi, đây là một bộ phim tương đối đơn giản: Những cảnh võ thuật chỉ phải quay trong 5 ngày, còn nếu làm các bộ phim hành động Trung Hoa thì phần trình diễn võ thuật  đôi khi phải cần được quay trong cả trăm ngày. Tham gia phim "Xác ướp III: Lăng mộ của Hoàng đế Rồng" với tôi cũng không phức tạp hơn việc các phóng viên viết một bài báo về nó".

Trước câu hỏi của nhà báo Nga "Hai diễn viên võ thuật người Hoa nổi tiếng nhất ở Hollywood là anh và Thành Long. Nếu tổ chức thi đấu thì ai "oách" hơn?", Lý Liên Kiệt đã trả lời khá thông minh bằng một câu phản đề: "Thế trong cuộc tỉ thí giữa Sa Hoàng và Hoàng đế Trung Hoa thì ai sẽ thắng? Ông không biết, đúng không nào? Đấy, thì tôi cũng không biết trong hai chúng tôi, ai "oách" hơn!".

Khi được hỏi liệu anh có muốn thay đổi hình ảnh của mình trên màn ảnh hay không? Liệu anh có muốn tham gia vào các bộ phim hài thay vì tiếp tục đóng các nhân vật võ nghệ cao cường? Lý Liên Kiệt cũng có cách trả lời tinh khéo:

Lý Liên Kiệt (Jet Li) sinh năm 1963 ở Bắc Kinh. Bắt đầu tập Wushu từ năm lên 8 tuổi và sớm bộc lộ căn cốt của một cao thủ trong tương lai. Ngay từ năm 11 tuổi, Lý Liên Kiệt lần đầu trở thành nhà vô địch trẻ toàn quốc về Wushu: phần thưởng của cuộc thi này là một chuyến đi sang Mỹ gặp Tổng thống lúc đó là Richard Nixon và biểu diễn cho ông ta xem các miếng võ Wushu…

Năm 18 tuổi, Lý Liên Kiệt bắt đầu bước vào nghề đóng phim bằng một vai diễn trong bộ phim nhiều tập "Thiếu Lâm tự" gây ấn tượng rất mạnh đối với công chúng không chỉ riêng ở Trung Quốc. Những năm gần đây, chủ yếu đóng phim ở Hollywood. Lý Liên Kiệt có vợ và hai con.

"Chúng ta đang sống trong một thế giới thực tế. Lấy thí dụ như anh đang mở một tiệm ăn Nga. Khách tới chỗ anh đông và đều. Vậy thì việc gì anh phải thay đổi tiệm ăn đông khách của mình thành một cái thứ gì khác như kiểu quán ăn nhanh của người Mỹ? Tuy nhiên, nếu như nói về vai diễn thì hàng triệu triệu người hâm mộ đang chờ tôi những việc hoàn toàn khác. Tôi diễn những vai bi kịch tốt hơn. Có lẽ tôi không bao giờ nên thử sức trong hài kịch. Công chúng sẽ không hiểu tôi…".

Theo lời tâm sự của Lý Liên Kiệt, thời niên thiếu, anh đã học Wushu tới 10 năm và sau đó, anh đã mất một phần tư thế kỷ cho các bộ phim võ thuật. Và bây giờ có lẽ đang bắt đầu giai đoạn thứ ba của cuộc đời anh: "Tôi đã lập ra một quỹ để làm từ thiện. Cần phải trả lại những gì mà xã hội đã cho tôi. Vì quỹ từ thiện đó tôi sẵn sàng để mất cả một năm hoạt động điện ảnh. Tôi nghĩ, điều này chỉ nói lên một điều: trong giai đoạn này của cuộc đời tôi, điện ảnh không chiếm giữ vị trí hàng đầu nữa. Bây giờ tôi đang có kế hoạch giúp đỡ những nạn nhân của trận động đất ở Tứ Xuyên. Tôi sẽ phải làm rất nhiều việc để giúp đỡ họ…".

Lý Liên Kiệt kể rằng, mặc dầu chỉ tới mùa hè năm nay anh mới tới Moskva để tham dự lễ công chiếu phim "Xác ướp III: Lăng mộ của Hoàng đế Rồng" ở Nga (cùng ngày 31/7 với nhiều nơi trên thế giới), nhưng ngay từ nhỏ ở Bắc Kinh, anh đã biết khá nhiều điều về văn hóa Xôviết. Những tác phẩm điện ảnh đầu tiên mà cậu bé Lý Liên Kiệt được xem ngoài rạp là những phim như "Lênin trong Tháng Mười", "Lênin năm 1918" và nhiều bộ phim Xôviết kinh điển khác. Cho tới bây giờ, Lý Liên Kiệt vẫn nhớ như in những xúc cảm mạnh mẽ mà anh nhận được khi đọc bộ tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Nikolai Ostrovsky.

Anh nói: "Nhân vật chính Pavel Korchagin trong tiểu thuyết đó đã là thần tượng của tôi. Chính "Thép đã tôi thế đấy" đã giáo dục tôi nên người. Tới giờ tôi vẫn hay đọc đi đọc lại cuốn sách này. Và dù đang ở đâu, ở Mỹ, ở Trung Hoa hay ở một nơi nào khác tại châu Á, tôi vẫn luôn trích dẫn câu nói bất hủ của Paven: "Đừng sợ bất cứ một cản trở hay khúc khuỷu nào trên con đường ta đi, vì thép thì chỉ có thể tôi luyện như thế thôi"

Như Thủy
.
.
.