Lưu danh phải chính danh

Thứ Bảy, 25/10/2008, 09:49
Hiện đang có "dự án" làm bia Văn Miếu thời hiện đại. Chuyện này thật quá quan trọng, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

 

Nhân sự kiện này, tôi bỗng nhớ tại thôn Hương Lan, xã Trung Vương, TP Việt Trì, thủ phủ của tỉnh Phú Thọ có ngôi đền thờ gọi là Thiên Cổ Tự.  Đền thờ ông thầy giáo thời đại vua Hùng có tên là Vũ Thê Lang. Thiên Cổ Tự được dân gian gọi là đền Thờ Thầy Giáo. Dân tộc ta  từ xưa đã hiếu học và luôn biết ơn người có công và có danh với dân với nước trong sự học và sau sự học, công phải gắn liền với danh:

Vì dân dân lập đền thờ

Ca dao nói vậy và lòng người nói vậy từ thượng cổ đến nay với những ai mang lợi ích về cho dân cho nước!

Công trạng là một đóng góp và danh tiếng cũng là một đóng góp. Cả hai làm nên sự hoàn chỉnh của nhân cách kẻ sĩ đấy là công danh. Thời dân mình chưa có chữ thì dựng đền thờ phụng và truyền miệng cho đời sau ghi nhớ những công danh. Đến khi có chữ rồi mới ghi vào sách và dựng bia để tạc công danh. Văn Miếu Quốc Tử Giám được vua nhà Lý cho xây vào năm 1070 thời của đức ngài Lý Thánh Tông.

Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có chép: "Mùa Thu, tháng Tám làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền…". Đây có thể gọi là nơi thờ tự những tài danh của sự học.

Được biết, phải hơn bảy mươi năm sau, qua việc củng cố và tạo nền móng cho sự học của triều Lý sang đến triều Lê, đời Lê Thái Tông năm 1442, khoa thi Tiến sĩ mới chính thức được tổ chức. Và cũng từ đấy triều đình mới ban lệ khắc tên những người đỗ đại khoa vào bia đá và được phép dựng trong Văn Miếu. Nhưng cũng phải hàng vài chục năm sau đến đời Hồng Đức tức vua Lê Thánh Tông năm 1484 việc xây dựng bảng vàng bia đá mới được triều đình thực hiện.

Việc công nhận một tài danh một công trạng để rồi nó được ghi vào bia đá bảng vàng là một việc làm hết sức thận trọng và chu đáo. Có thể gọi là hà khắc và nghiêm cẩn một cách đáng trân trọng của các bậc tiền nhân. Ông bà mình quan niệm bảng vàng bia đá là để đời nhìn vào mà ghi ân người, tu tỉnh cho mình chứ không phải làm mẽ cho ai đó để đến nỗi thành bia miệng cho muôn sau dè bỉu.

Văn Miếu hiện lưu giữ được 82 bia trên 124 khoa thi. Chỉ có 1.306 người đỗ đại khoa từ khoa thi 1442 dưới thời Lê Thái Tông đến khoa năm 1779 thời vua Lê Hiển Tông. Thời gian là 337 năm mà số người được vinh hạnh có trong bia chỉ là vậy liệu các cụ có quá khiêm nhường so với con cháu bây giờ?!

Tấm bia đầu tiên được lệnh khắc ở Văn Miếu năm 1442 do Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn có dòng này: Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì nước mạnh mà vươn cao, nguyên khí suy thì nước yếu mà xuống thấp… Đọc các chữ này ngẫm ra đủ thấy xưa các bậc thánh chúa, minh quân, các bậc thức giả và nhân dân ta coi trọng người có học và có công đến chừng nào. Tấm bia đá ghi danh Tiến sĩ năm Quý Mùi 1463 có giáo huấn này: Kẻ sĩ mong được khắc tên trên bia đá tất phải làm sao cho danh xứng với thực… Bia Tiến sĩ khoa Đinh Sửu 1577 thì ghi: Nếu chỉ mượn tiếng đỗ đạt cầu no ấm, lấy con đường ấy làm lối tắt để ra làm quan thì đời sau sẽ gọi là kẻ tiểu nhân gian tà, thành ra nhơ nhuốc cho khoa mục…

Đọc những dòng trên của người xưa ta không khỏi nghĩ suy về những điều cha ông để lại. Càng không khỏi giật mình, tất nhiên là sau những tự hào chính đáng rằng chỉ có mấy chục niên gây dựng và học hành của những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI này mà nền khoa cử bây giờ hơn đứt thuở các cụ là đã có tới khoảng 16.000 Tiến sĩ.

Càng giật mình hơn, do quy định, chỉ sau một đêm nằm ngủ hôm sau hàng ngàn Phó Tiến sĩ đã thành Tiến sĩ không cần thêm công trình, luận án. Cơ chế đã trao bằng học vị cho người chứ không phải sự dùi mài ban thưởng cho họ. Đây là chuyện lạ lùng không biết trên thế giới có đâu có không hay chỉ ở nước mình mới có. Cũng không hiếm cả những chuyện này nữa: Tiến sĩ mà không có phát minh khoa học. Tiến sĩ mà không có những bài viết uy tín in trên các tạp chí sách báo khoa học có tiếng của thế giới. Tiến sĩ mà có người không đọc thông viết thạo một ngoại ngữ. Tiến sĩ mà có người A,B,C về tin học…

Có chuyện một học vị Tiến sĩ phải đổi bằng xe máy Đơ-rim, phải rửa bằng phong bì, rồi có người là giáo sư, phó giáo sư những chức danh chuyên môn to đùng mà không bằng trình độ một vài nhà nghiên cứu ít văn bằng nhưng nhiều hiếu học và hiếu sách. Cũng có những người trình độ chỉ đíp-lôm Tây và Hán học do thầy đồ dạy nhưng khối vị có bằng nọ cấp kia nếu đo kiến thức chưa hẳn đã ngang ngửa.

Ta đã có những thực tài, thực danh làm rạng rỡ giống nòi dân tộc. Ta đã có những Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Huyên… có thể chứng chỉ của các cụ không nhiều bằng sĩ tử bây giờ nhưng công trạng của các cụ vẫn được thời gian tuyên dương ghi nhận. Tên các cụ nếu khắc lên bia đá ở Văn Miếu chắc chắn ta sẽ thấy hợp lý và tự hào. Còn lúc này, cái dự án khơi hàng chục hécta đất để mở Trung tâm bảo tồn di sản Tiến sĩ Việt Nam mà thành hình với khoảng 16.000 Tiến sĩ hoặc ít hơn thế qua Hội đồng xét duyệt chắc gì trong đó có người được nhân dân tạc dạ.

Dự án làm bia Văn Miếu thời hiện đại không phải không có tính tích cực của nó. Con cháu hơn cha mẹ ông bà là nhà có phúc. Theo tôi nên có nhưng phải chọn lọc kỹ, không thể đại trà. Vẫn nên lấy là nơi ghi tạc nhưng phải là những ai thực danh, thực công trong tầm vóc một Vườn danh nhân.

Văn Miếu thời hiện đại phải là nơi tạc dựng những danh nhân đất nước của thời mình sao cho xứng đáng với Văn Miếu thời tiên tổ. Vườn danh nhân phải là nơi ghi công những người con ưu tú của dân tộc đã hết lòng vì dân vì nước trong mọi lĩnh vực, được thời gian thử thách, lịch sử minh chứng và đồng nghiệp thừa nhận. Nếu được như vậy chắc chắn Vườn danh nhân ấy sẽ là nơi hành hương trọng đại và ý nghĩa của nhiều người

Văn Nhật
.
.
.