Lưu Quang Vũ và những giá trị của quá khứ

Thứ Ba, 17/09/2013, 06:23
Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ” đã khép lại vào ngày 16/9. Sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả cũng giúp giới chuyên môn nhìn lại giá trị của quá khứ, mà Lưu Quang Vũ là một giá trị, cũng như thực trạng sân khấu, để rút ra những bài học bổ ích. Đây cũng là cơ hội cho thế hệ trẻ tiếp cận thành tựu của người đi trước, tìm hiểu tại sao kịch Lưu Quang Vũ lại có tiếng vọng với khán giả sau 25 năm. Nhân dịp này, PV Báo CAND đã trò chuyện với nhà phê bình Nguyễn Văn Thành, Phó Ban lý luận phê bình - Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam xung quanh sự kiện trên:

Một số người cho rằng, kịch của Lưu Quang Vũ mang tính dự báo, nên được công chúng hôm nay đón nhận. Nhưng lại có ý kiến: Lưu Quang Vũ nói vẫn đúng với hôm nay, chứng tỏ xã hội không phát triển. Còn ý kiến của ông?

Trong gần 10 năm, Lưu Quang Vũ đã viết hơn 50 vở kịch. Có vở đã chạm tới đỉnh cao, nhưng có vở chưa đáp ứng được khao khát của chính Vũ, cũng như của khán giả. Cho nên việc trở lại khai thác, tôn vinh Lưu Quang Vũ cũng cần tìm hiểu và phân định đúng giá trị các tác phẩm. Nhiều vở của Lưu Quang Vũ có chất văn học và sân khấu cao, bởi Vũ là con nhà nòi sân khấu, lại là nhà thơ, nên tinh tế trong ngôn ngữ và cách khai thác cốt truyện rất hợp với sân khấu.

Lưu Quang Vũ cũng rất chú ý đến người xem, đến tính thời sự của sân khấu, nên hấp dẫn. Nhưng Liên hoan cũng cho thấy các vở kịch của Lưu Quang Vũ có đẳng cấp khác nhau: có vở có độ bền thời gian, có vở chưa vươn lên tầm thời đại, do chú trọng chiều nụ cười hay nỗi tấm tức của khán giả.

Tôi không chia sẻ ý kiến cho rằng xã hội không đi lên. Một số vở kịch Lưu Quang Vũ đã từ tính thời sự lên tầm thời đại, đến nay vẫn có sự đồng điệu của khán giả. Lưu Quang Vũ là người sớm nói đến các tiêu cực của xã hội, vì thế, những âm vang đến nay còn mạnh hơn thời của Vũ. Xã hội thay đổi, nhưng có những cái trì trệ vẫn trì trệ. Cũng cần tỉnh táo để thấy rằng, khán giả đến với kịch Lưu Quang Vũ đông còn là sự tri ân. Và sự tri ân, lòng trắc ẩn có khi còn bổ sung cho giá trị của tác phẩm.

Một cảnh trong vở "Mùa Hạ cuối cùng".

Sự thu hút khán giả hôm nay có đủ khiến các biên kịch phải suy ngẫm về tính thời đại trong tác phẩm của Lưu Quang Vũ?

Điều chị đặt ra rất thú vị. Chúng ta đang thiếu nhiều tác giả giỏi. Hội Nghệ sĩ sân khấu hằng năm tổ chức trại sáng tác, nhưng không phải cứ dự trại là viết được. Đội ngũ tác giả cũng cần học Lưu Quang Vũ ở chỗ quan tâm đến cái đói về mặt tinh thần của khán giả để đáp ứng. Nghệ thuật giáo dục việc thưởng thức cho công chúng, nhưng chính công chúng cũng tạo nên sân khấu cho chúng ta, vì họ đưa ra những yêu cầu và chỉ ủng hộ những gì họ thỏa mãn, làm nên định hướng cho sân khấu. Nhưng chỉ quan tâm đến công chúng, mà không quan tâm đến định hướng nghệ thuật, thì lại làm nhỏ nghệ thuật đi.

Ông nghĩ sao trước 2 quan điểm tại Liên hoan: dựng kịch của Lưu Quang Vũ theo nguyên gốc. Hoặc dàn dựng phải mang hơi thở hôm nay?

Cả 2 cách đều được nghệ thuật sân khấu cho phép. Vấn đề là tài năng và bản lĩnh nghệ sĩ: giữ nguyên thì có truyền cảm, có nói hết được giá trị của tác phẩm không? Còn thổi hơi thở của thời đại vào có làm mất “chất” Lưu Quang Vũ và có đúng là hơi thở của thời đại không? Có làm Lưu Quang Vũ lớn hơn, hay hơn, truyền cảm hơn không? Có thể dựng Lưu Quang Vũ bằng cái nhìn hôm nay, như thế giới đã dựng Romeo-Juliet của Shakespeare mặc quần bò, có ôtô, nhưng người nghệ sĩ giỏi là phải tìm ra cái hành lang mà kịch Lưu Quang Vũ nói và còn cộng hưởng đến hôm nay. Điều này đòi hỏi sự mẫn cảm về mức độ: thay đến đâu thì gây được sức mạnh, còn quá liều thì lại hỏng.

Ông đánh giá thế nào về chất lượng các vở diễn ở Liên hoan này?

Đây chỉ là Liên hoan, nên tập hợp nhiều đoàn thuộc nhiều kịch chủng và đẳng cấp. Các đoàn mang đến những vở đã có sẵn và có một số vở dựng mới, sửa chữa, nên chất lượng không đồng đều là khó tránh. Điểm đáng chú ý ở Liên hoan này là có 3 kịch bản được 2 đoàn cùng dựng, với phong cách, thể loại và hình thức thể hiện khác nhau, để kịch Lưu Quang Vũ đến với khán giả dưới những lăng kính khác, ngôn ngữ và phong cách khác nhau. Tôi có ấn tượng về ngôn ngữ đối thoại của kịch ở Liên hoan này. Nhưng diễn xuất chưa sáng tạo lại là điều đáng lo, vì tiếng nói sân khấu của diễn viên kịch đang có vấn đề.

Trước đây, các Liên hoan dường như chỉ có tên tuổi Lê Hùng, Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền, nhưng lần này đã xuất hiện các đạo diễn mới?

Thay đổi này là đáng mừng. Vấn đề thay đổi thế hệ, thời gian và tuổi tác lớn lắm. Liên hoan còn thú vị khi là “mùa” của nữ đạo diễn. Nhưng vẫn còn lo khi các đạo diễn mới còn ít, lại không còn trẻ. Cũng chưa thấy bứt phá về cách dàn dựng

Cảm ơn ông!

Đạo diễn “Mùa hạ cuối cùng” giành giải Vàng

Ngày 16/9, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã tổ chức tổng kết “Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ”. BTC đã trao giải Vàng cho NSƯT Chí Trung với vai trò đạo diễn vở “Mùa hạ cuối cùng” của Nhà hát Tuổi trẻ.

16 giải Vàng (mỗi giải trị giá 5 triệu đồng) được trao cho các nghệ sĩ xuất sắc nhất, trong đó, Nhà hát Tuổi trẻ giành 4 giải, Nhà hát Chèo Hà Nội giành 3 giải; Nhà hát Kịch Quân đội 2 giải; Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Đoàn cải lương Hải Phòng, Đoàn kịch Nam Định và Nhà hát ca kịch Huế đều được 1 giải. BTC cũng trao 34 giải Bạc (trị giá 3 triệu đồng) cho các diễn viên.

Dạ Miên

Thanh Hằng
.
.
.