Luôn tìm tòi con đường riêng để sáng tạo

Chủ Nhật, 21/06/2015, 09:14
Trong số 5 nhà văn đã mất được Bộ Công an vinh danh trong chương trình “Những trang sách vàng 70 năm CAND” vào tối 19/6 tại Hà Nội có nhà văn Triệu Huấn - một cây bút đã đóng góp không nhỏ cho mảng văn học đề tài viết về lực lượng Công an.

Ông có cuộc sống khiêm nhường, thầm lặng, nhưng những cuốn sách của ông lại vang xa, có sức sống bền lâu trong lòng bạn đọc và từng được nhận nhiều giải thưởng danh giá về văn chương. 

Nhà văn Triệu Huấn là một người theo đuổi đề tài Vì an ninh trật tự rất sớm. Trong khi hầu hết các tác giả viết về lĩnh vực này đều khai thác tư liệu và dựa trên những nguyên mẫu ngoài đời thì các tác phẩm của ông đều viết chủ yếu bằng sự tưởng tượng, khái quát từ nhiều nguyên mẫu. Có lẽ vì thế, các tác phẩm của ông không quá câu nệ vào thực tế nên được quyền “phóng bút” theo trí tưởng tượng bay bổng của một nhà văn. 

Con đường đi riêng ấy đã mang lại thành công cho ông: Các tác phẩm đều có số lượng in rất lớn, điển hình là bộ tiểu thuyết “Sao đen” xuất hiện lần đầu vào năm 1986 đã trở thành một hiện tượng của văn hóa đọc, khi in tới hơn 200.000 bản mà nhiều người vẫn phải mua sách “chợ đen”, đủ thấy được sức hấp dẫn từ câu chuyện tình báo được chuyển tải bằng ngôn ngữ trong sáng, mạch lạc với nhiều tình tiết hấp dẫn. Cái tên Triệu Huấn đã nhanh chóng có được vị trí trên văn đàn. 

Đến nay, cả 5 tập của “Sao đen” đều đã được NXB CAND tái bản nhiều lần. Những con số lặng lẽ mà có tiếng nói khi phản ánh được sức hấp dẫn từ tác phẩm của Triệu Huấn. “Sao đen” còn được trích đọc trong chương trình Đọc truyện đêm khuya của Đài TNVN, được trao giải nhất và giải ba của Báo Văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ quân đội. 

Nhà văn Triệu Huấn.

Có lẽ, cái kết nhân bản với quan điểm rõ ràng đã là một phần hấp dẫn của “Sao đen”: “Cần phải kết thúc đau thương và bớt tranh chấp, vì cuộc chiến 30 năm nhưng lại nhỏ bé so với chiều dài lịch sử dân tộc, nên cần lấy cuộc sống con người với con người làm trọng. Quá khứ nên khép lại, nhưng không có nghĩa là bỏ và quên nó đi, bởi lịch sử là bất biến!”.

Khi còn trong quân ngũ, nhà văn Triệu Huấn được tham gia xây dựng bộ Ký sự lịch sử Quân đội. Ông đã có gần 10 năm thâm nhập thực tế tại các đơn vị cơ sở, được tiếp xúc với nhiều tướng lĩnh của ta và địch, tiếp cận nhiều tài liệu tuyệt mật của Cục Tình báo, cũng như kho lưu trữ của Bộ Quốc phòng. 

Trong quá trình này, ông còn được gặp đồng chí Vũ Oanh, người từng trực tiếp phụ trách công tác chuyển cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, đồng thời đưa cán bộ từ Bắc vào Nam lập cơ sở nên ông đã có tư liệu về một số cán bộ vào Nam hoạt động năm 1954. Ông còn được trực tiếp gặp gỡ nhiều chiến sĩ tình báo hoạt động ở Sài Gòn những năm kháng chiến. Ngay khi ấy, ông đã hiểu, đó là những tư liệu vô cùng quý hiếm nên lặng lẽ tích lũy làm “của để dành”.

Năm 1986, Triệu Huấn nghỉ hưu ở tuổi 52 với quân hàm Đại tá. Ông kể, khi đó, ông thấy lúng túng trong một cuộc sống mới, khi không biết phải làm gì cho đỡ buồn và để giúp đỡ vợ con trong hoàn cảnh gia đình không dư dả gì. Thế là ông… viết văn, như một cách để làm việc! Đó cũng đang là thời điểm hoàng kim của loại sách viết về đề tài hoạt động tình báo. Một số nhà văn tên tuổi cũng tham gia vào đề tài này với những cuốn sách rất ăn khách nên Triệu Huấn nghĩ rằng, mình cũng phải viết tiểu thuyết thể loại này! 

Nghỉ hưu lại chưa từng viết lách, nên ông không có điều kiện thâm nhập thực tế để được tiếp xúc với tư liệu cũng như nguyên mẫu. Vả lại, dù là người mới bắt đầu đi vào con đường văn chương, nhưng ông, với kinh nghiệm của một người lính từng trải, đã biết mình phải tìm ra một con đường khác với những người đi trước mới mong thành công.

Vậy là lúc này, khối tư liệu “của để dành” của ông đã trở thành một tài sản vô cùng quý giá, để ông bắt đầu với nghiệp cầm bút một cách tự tin và đầy sáng tạo. Những tư liệu ông có được, những câu chuyện được nghe, giờ thành “nguyên mẫu” cho trí tưởng tượng của ông sáng tác. Ông ví công việc viết lách tỉ mỉ và sáng tạo như người thợ thêu, đòi hỏi cả sự cẩn trọng lẫn tài hoa.

Từ khối tư liệu bộn bề, nhà văn Triệu Huấn đã tỉ mỉ lựa từng câu chuyện, từng chi tiết để xây dựng lên tác phẩm của mình. Những tài liệu mật của Lầu Năm Góc, các hồi ký của các tướng tá quân đội Sài Gòn mà ông từng tiếp cận chính là “nguyên mẫu” để ông có những trang viết về đối phương vừa chân thực, vừa khách quan. Sự cộng hưởng của tư duy khoa học với sức tưởng tượng mạnh mẽ cùng tài năng nghệ thuật, lấy đại cục thay cục bộ, đã tạo nên từng trang viết sống động, chân thực và thuyết phục, để người đọc say mê và khâm phục.

Trong khi đa số tác giả viết về đề tài này đều coi trọng tính nguyên mẫu vì được tiếp cận thực tế, tư liệu thật thì Triệu Huấn đã biến “sở đoản” của mình thành “sở trường.” Các nhân vật của ông chủ yếu là do sự sáng tạo nghệ thuật của nhà văn và điều này được ông coi là quan điểm sáng tác: “Nhiều người cho rằng văn chương là phản ánh hiện thực, tôi lại coi trọng sự liên tưởng. Tôi cứ tự nhủ mình là “người thích hư cấu”, bởi đi tìm thực tế cho đủ viết thì ngay một truyện ngắn tôi cũng không làm được, nhưng nếu xâu chuỗi, kết nối sự kiện của nhiều người để sáng tạo thì tôi sẽ có được nhân vật - sự kiện theo cấu trúc mình tạo ra”.

Bên cạnh bộ tiểu thuyết về đề tài tình báo, nhà văn Triệu Huấn còn có hàng chục cuốn tiểu thuyết văn học ở nhiều đề tài. Sau 20 năm cầm bút khi đã ở tuổi “tri thiên mệnh” mà ông đã có gần 50 đầu sách và trở thành một tác giả tên tuổi ở đề tài về người chiến sĩ Công an, quả rất đáng tự hào. Nhưng ông còn tạo được dấu ấn trong lĩnh vực truyền hình, sân khấu với các kịch bản “Cha tôi là ai?”, “Sóng gió đời người”, “Giai nhân Kẻ Gốm”, “Giấc mộng cuối cùng”, “Kho ngầm bí hiểm” và “Cát bụi”… 

Sự sáng tạo, tìm tòi cho mình con đường đi riêng, đặc biệt là quan điểm văn chương độc đáo, đã làm nên đời sống lâu bền và lan tỏa cho các tác phẩm của nhà văn Triệu Huấn.

Thanh Hằng
.
.
.