Luận bàn về địa danh Thăng Long - Hà Nội

Thứ Bảy, 13/02/2010, 08:48
Khác với những cái tên như Hà Nội, Đông Đô, Đông Kinh, v.v... chỉ có hàm nghĩa về vị trí địa lý, Thăng Long là một mỹ danh gắn liền với vương quyền và lòng tin ở tiền đồ của đất kinh kỳ. Nhưng rất đáng tiếc là, trong khi đại đa số tác giả dịch đúng thăng long là "rồng bay lên" thì có không ít người lại dịch một cách đơn giản rằng thăng long là "rồng bay", cứ y như rằng "bay" và "bay lên" hoàn toàn giống nhau.

Năm nay, Hà Nội và cả nước sẽ long trọng làm lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây thật sự là cơ hội ngàn năm có một để nêu lên đề nghị về việc khôi phục danh xưng Thăng Long cho vùng đất từng là kinh kỳ của Đại Việt trong nhiều thế kỷ để tiếp tục là thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay...

1- Thăng Long là tên đầu tiên của Hà Nội, với tính cách là kinh đô chính thức, từ ngày thành lập đến nay đã tròn 1000 năm. Trước năm 1010, kinh đô của nước Đại Cồ Việt là Hoa Lư, nằm trong phạm vi tỉnh Ninh Bình, tồn tại 42 năm (968 - 1010), gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý, và là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam. Đánh giá vị trí và vai trò đương thời của nó, người đời sau đã có đôi câu đối:

"Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo.
Hoa Lư đô thị Hán Trường An".

nghĩa là: "Nước (Đại) Cồ Việt ngang hàng với nước Tống đời Khai Bảo - Kinh đô Hoa Lư nào kém (kinh đô) Trường An  của nhà Hán". Tuy nhiên, khi Lý Thái Tổ lên ngôi thì, với con mắt nhìn xa trông rộng, ông đã thấy rằng nơi đây không thực sự thích hợp cho việc đóng đô. Ông đã nói trong cuộc họp với quần thần, mà sau này lời nói đó được người đời sau gọi là “Chiếu dời đô”.

"Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.

Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu, hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời".

Vì thế nên năm 1010, vua Lý đã dời đô ra thành Đại La, đặt tên là Thăng Long, đến nay đã tròn 1000 năm.

2- Tên Thăng Long gắn liền với truyền thuyết về việc dời đô của Lý Thái Tổ. Theo truyền thuyết, khi thuyền của nhà vua vừa cập bến dưới thành Đại La thì thấy  một con rồng vàng xuất hiện. Rồng uốn lượn như chào mừng nhà vua đến đóng đô trên vùng đất này rồi bay lên khuất trong  mây. Vì thế vua mới xuống chiếu đổi tên thành Đại La ra Thăng Long. Đây là một cái tên đẹp, hàm chứa đầy niềm tin tưởng và lòng tự hào về đất vua chọn để đóng đô. Thăng Long có nghĩa là "rồng bay lên", mà rồng cũng là biểu trưng của đế vương. Điều này cũng được phản ánh cả trong ngôn ngữ: long bào hoặc long cổn (áo rồng) là áo của nhà vua, long nhan (mặt rồng) là diện mạo nhà vua, long sàng (giường có chạm khắc hình rồng) là giường vua nằm, long xa (xe rồng) là xe vua đi, v.v...

Ở đây, ta không nên kéo Lý Thái Tổ đi với mình quá xa để liên hệ hình tượng con rồng với tín ngưỡng dân gian cổ xưa vì vấn đề này lại thuộc một phạm vi khác. Với vua Lý thì long chỉ đơn giản - mà sâu sắc - là vua, theo đúng sách vở của thánh hiền. "Long giả, quân dã", cái gọi là rồng, ấy là vua vậy. Ngữ đoạn "Phi long tại thiên" (Rồng bay trên trời) trong quẻ "Càn" của Kinh Dịch được giảng là "do thánh nhân chi tại vương vị" (như thánh nhân tại ngôi vua).

Chúng tôi cho rằng người có hiểu biết ít nhiều về Kinh Dịch và có nhận thức nhạy bén, khi nghe đến hai tiếng Thăng Long thì đều có thể nghĩ ngay đến lời giảng "Phi long tại thiên, do thánh nhân chi tại vương vị". Vậy, truyền thuyết này chẳng qua chỉ là do "tuyên giáo" của hoàng gia đưa ra để đề cao thêm uy danh của nhà vua mà thôi. Mà ở thời đại phong kiến thì Vua là Thiên tử, là Số Một nên việc vua nhìn thấy rồng quả là một sự trùng phùng Trời định.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, biểu tượng của đất nước nghìn năm văn hiến được xây dựng đầu tiên thời vua Lý Thánh Tông (1070) và Lý Nhân Tông (1076).

3- Khác với những cái tên như Hà Nội, Đông Đô, Đông Kinh, v.v... chỉ có hàm nghĩa về vị trí địa lý, Thăng Long là một mỹ danh gắn liền với vương quyền và lòng tin ở tiền đồ của đất kinh kỳ. Nhưng rất đáng tiếc là, trong khi đại đa số tác giả dịch đúng thăng long là "rồng bay lên" thì  có không ít người lại dịch sai hẳn nghĩa của hai tiếng này. Họ nói một cách đơn giản rằng thăng long là "rồng bay", cứ y như rằng "bay" và "bay lên" hoàn toàn giống nhau. Thật là quá đỗi hời hợt khi chỉ vì muốn lái từ ngữ đi theo cách hiểu chủ quan của mình mà dịch sai hẳn thăng long thành "rồng bay". Xin nhấn mạnh rằng nội hàm của khái niệm thăng liên quan đến hướng chuyển động theo chiều thẳng đứng từ thấp lên cao.

4- Tên Thăng Long đã trải nhiều thăng trầm qua các triều đại mà đáng nói nhất là với cách hành xử của Vua Gia Long. Cuối thế kỷ XIV, khi nhà Trần suy vi, thì một quý tộc ngoại thích là Hồ Quý Ly thâu tóm quyền lực, ép vua Trần chuyển kinh đô về Thanh Hóa. Năm 1400, Hồ Quý Ly chính thức lên ngôi, đặt tên nước là Đại Ngu, đặt tên  kinh đô mới là Tây Đô. Thăng Long được đổi thành Đông Đô. Khi giặc Minh xâm chiếm nước ta thì chúng lại đổi tên Đông Đô thành Đông Quan nhằm hạ thấp vị thế của kinh đô nước ta. Ấy thế mà tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy của thủ đô Hà Nội, người ta lại đặt tên cho một con đường là đường Đông Quan; không còn biết lịch sử là gì, không còn biết đến thế nào là chủ quyền quốc gia.

Sau khi cuộc kháng chiến của Lê Lợi thành công thì Đông Đô đường hoàng trở lại vị thế kinh đô rồi đến năm 1430 thì được đổi thành Đông Kinh. Tuy nhiên những lần thay đổi này đều không đụng đến mỹ danh Thăng Long do Lý Thái Tổ đặt ra. Người ta vẫn mặc nhiên hiểu rằng Đông Đô hay Đông Kinh thì cũng chính là Thăng Long.

Chỉ đến đời Gia Long thì ông vua này mới đổi chữ long (chữ Hậu) là rồng trong Thăng Long (chữ Hậu) thành chữ long - là hưng thịnh. Bấy giờ nhà Nguyễn đã thiết lập kinh đô mới ở Phú Xuân nên muốn tên của thành Thăng Long không còn gợi cho người ta liên tưởng gì đến vương quyền nữa. Vương quyền là ở Phú Xuân kia! Gia Long quên rằng, tính từ năm 1802, vương triều của mình chỉ mới là một đứa trẻ còn thành Thăng Long thì đã thọ gần 800 năm. Đây là một cách hành xử bất kính đối với sự nghiệp của tiền nhân. Rất tiếc là trong Hán Việt từ điển của mình, Đào Duy Anh lại ghi chữ long trong Thăng Long thành - theo cách của Gia Long!

5- Trong khi Thăng Long là một cái tên không "đụng hàng" với tên địa danh nào của Trung Quốc thì Hà Nội lại trùng tên với ít nhất là ba địa phương của nước này. Một là địa phương nay thuộc tỉnh Hà Nam, tính từ sông Hoàng Hà trở lên phía bắc, thời xưa gọi là Hà Nội; còn từ sông Hoàng Hà đổ về Nam thì gọi là Hà Ngoại. Thời Hán đặt làm quận, lấy Hà Nội làm tên. Đây là một địa danh xuất phát từ tên một quận ngày xưa nhưng không còn mang ranh giới hành chính của quận đó nữa. Hai là tên chính thức của quận đó ngày xưa với ranh giới hành chính cụ thể. Ba là tên của một huyện, đời Hán gọi là Dã Vương, đời Tùy đổi làm Hà Nội.

Nhiều địa danh khác chỉ tên tỉnh ở nước ta bắt đầu bằng hình vị Hà, như Hà Bắc, Hà Nam, Hà Đông, Hà Tây cũng  đều có những địa danh trùng tên bên Trung Quốc. Và còn rất nhiều địa danh trùng tên khác nữa. Nhưng Thăng Long thì không. Đây rõ ràng cũng là một điểm độc đáo của nó.

6- Hà Nội vốn cũng không phải là tên kinh đô của nước ta; đó chỉ là tên của một tỉnh do Vua Minh Mạng đặt ra. Năm 1831, trong cuộc cải cách hành chính của ông vua này, toàn quốc được chia thành 29 tỉnh, Thăng Long thuộc tỉnh Hà Nội. 

Hà Nội khi đó gồm 4 phủ, 15 huyện, nằm giữa sông Hồng và sông Đáy: phủ Hoài Đức với 3 huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Từ Liêm; phủ Thường Tín với 3 huyện Thượng Phúc, Thanh Trì, Phú Xuyên; phủ Ứng Hòa với 4 huyện Sơn Minh, Hoài An, Chương Đức, Thanh Oai; phủ Lý Nhân với 5 huyện Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm, Nam Xang, Bình Lục.

Thăng Long được lấy làm Hà Nội tỉnh thành, nghĩa là thành của tỉnh Hà Nội. Tóm lại, trước khi nước Đại Nam bị thực dân Pháp xâm lược và cai trị thì Hà Nội chưa bao giờ là tên của một kinh thành cả.

7- Hà Nội với tính cách là tên một thành phố chỉ là hệ quả của việc thực dân Pháp thiết lập một đô thị kiểu thuộc địa, rồi sau đó là thủ đô chung cho toàn Liên bang Đông Dương. Ngày 19/7/1888, Tổng thống Pháp Sadi Carnot ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội, mà địa giới tất nhiên không trùng với địa giới tỉnh Hà Nội do Vua Minh Mạng thành lập. Nó hẹp hơn nhiều và đại để thì trùng với bốn khu Hoàn Kiếm, Hai Bà, Ba Đình và Đống Đa khi Hà Nội mới giải phóng hồi năm 1954.

Cần phải nêu rõ như thế để khẳng định rằng Hà Nội với tính cách là tên của một thành phố không phải là do người Việt Nam đặt ra. Do người Việt Nam đặt ra lại là Hà Nội với tính cách là tên của một tỉnh mới thành lập hồi năm 1831. Nói cho rạch ròi ra thì, với địa danh Hà Nội, ta có hai thực thể địa lý hành chính hoàn toàn khác nhau: một là tên của một tỉnh do người Việt Nam đặt ra bằng chủ quyền của mình; một là tên do thực dân Pháp đặt ra để chỉ một thành phố mà chúng thiết lập trên địa bàn của kinh thành Thăng Long.

8- Gần đây có không ít ý kiến rằng: Thủ đô ta sẽ mang lại tên Thăng Long như vốn có, trong khi vẫn giữ lại tên Hà Nội như là một thành phố cổ kính trung tâm của thủ đô (…) Thủ đô mở rộng không lấy tên là Hà Nội, mà tên là Thăng Long. Chúng tôi thì mạn phép kiến nghị ngược lại. Kinh thành Thăng Long, mà thực dân Pháp đã lấy tên của tỉnh Hà Nội (do Vua Minh Mạng thành lập) để gọi, bây giờ sẽ mang lại tên Thăng Long. Với cách làm này, ta sẽ vĩnh viễn xóa bỏ quyết định của Sadi Carnot, lập Thăng Long làm thành phố Hà Nội. Từ sau năm 1954, cố đô Thăng Long, bị gán cho cái tên Hà Nội, đã trở thành thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; rồi sau khi đất nước thống nhất, đã trở thành Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thủ đô đã dần dần được mở rộng và với lần mở rộng sau cùng, theo Nghị quyết ngày 29/5/2008 của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII, gồm có 29 đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm 10 quận, 18 huyện, 1 thị xã  và 577 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 401 xã, 154 phường và 22 thị trấn. Thủ đô mở rộng này, ta sẽ gọi bằng cái tên Hà Nội, mà Vua Minh Mạng đã đặt ra trong cuộc cải cách hành chính năm 1831, khi thành lập một tỉnh mới mà diện tích bao gồm cả kinh thành Thăng Long. Thế là thủ đô của nước ta vẫn sẽ là Hà Nội - nhưng xuất phát từ một quan điểm đặt tên khác.

Giữa lòng thủ đô Hà Nội, ta có cố đô Thăng Long, sẽ trở thành Trung tâm (hoặc thủ đô) Hành chính của cả nước. Giữa cố đô Thăng Long, ta có Di tích Lịch sử nghìn lần quý báu là Hoàng thành Thăng Long, mà ta tin là rồi đây sẽ được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới

An Chi - ANTG Tết Canh Dần 2010
.
.
.