Lòng tốt nuôi dưỡng niềm tin

Thứ Bảy, 28/02/2009, 10:37

Dường như tất cả chúng ta, từ những người bình thường đến nhân vật VIP, từ những người chỉ sốt nhẹ, sổ mũi đến người bị trọng bệnh đều có cơ duyên được tiếp xúc với ít nhất là một y tá, một bác sĩ. Ai cũng hiểu chỉ một sơ suất của người thầy thuốc, của bác sĩ có thể gây nên những hậu quả vô cùng nghiêm trọng; có khi thiệt mạng, chết người.

Nghề y nghiệt ngã là như vậỵ, nó không cho người ta cơ hội để khắc phục hậu quả, sửa sai, để "đính chính" như nghề báo. Vì thế mà nghề này cần sự tài giỏi mà cẩn trọng đến chi tiết, cần lòng tốt, cần cái tâm "thương người như thể thương thân" hơn ai hết. Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, xin có vài điều tản mạn tâm sự cùng bạn đọc xung quanh lòng tốt trong nghề y.

Cạnh nhà tôi có một đôi vợ chồng làm nghề y. Anh là Hiệu trưởng một trường đại học, kiêm Viện trưởng về tim mạch, chị cũng là trưởng khoa của một bệnh viện Trung ương. Điều tôi vô cùng có cảm tình và kính trọng anh chị ấy là tuy rất bận bịu vì công việc, nhưng chưa bao giờ họ từ chối giúp đỡ những người láng giềng như chúng tôi bất kể giờ nào.

Chỉ cần một tiếng chuông cửa, biết là hàng xóm, anh thường ăn mặc rất lịch sự xuống tiếp khách, nếu có yêu cầu gì về bệnh tật thì khám luôn, hoặc điện thoại nhờ các bác sĩ khác giúp đỡ tiếp ở bệnh viện. Kiến thức uyên bác và thời gian vàng ngọc ấy của anh đã giúp tất cả đều miễn phí dù anh có quyền được nhận tiền. Tôi hiểu đó là nguyên tắc sống của gia đình trí thức nghề y chuẩn mực.

Lại có một bác sĩ khác mà tôi từng được biết hiện là Trưởng khoa X-quang, Bệnh viện Việt Nam - Cuba Hà Nội. Nhà anh có thời gian vô cùng túng quẫn vì chị vợ phải chạy thận, nhưng kể cả lúc ấy chưa bao giờ anh cầm tiền, cầm "phong bì" của bệnh nhân; thậm chí nhiều lần khám cho người bệnh ở vùng quê nghèo miền Trung ra, anh còn bỏ tiền ra biếu họ để thanh toán tiền chụp phim hay siêu âm.

Có lần anh tâm sự với tôi một hình ảnh lý thú: người bác sĩ giỏi phải "chiến đấu" với người khỏe để sống, chứ không "chiến đấu" với người yếu, người ốm. Bạn bè anh, kể cả bệnh nhân nữa nhiều lúc ốm đau bất ngờ đều có thể điện thoại đến nhà lúc đêm khuya để nhờ anh tư vấn. 

Thực ra, nếu ở những nước phát triển, những tư vấn như thế đều phải trả tiền, nhưng bao nhiêu năm nay anh vẫn làm như một lẽ tự nhiên. Giống như một bác sĩ Chủ nhiệm Khoa Ngoại, Bệnh viện Xanh Pôn đã biếu hẳn một bệnh nhân món quà nối xương khớp của ngoại trị giá gần chục triệu đồng, vì họ quá nghèo. Rồi tập thể y bác sĩ Viện Lao Trung ương hằng tháng góp một phần nhỏ tiền lương vào quỹ giúp bệnh nhân nghèo gặp hoạn nạn… Không thể kể xiết những tấm lòng cao cả như thế…

Bạn đã từng bao giờ biếu quà cho bác sĩ chưa? Riêng tôi thì đã nhiều lần như thế. Có người tôi biếu thì nhận, có bác sĩ dù có đưa tiền hay quà kiểu gì cũng cương quyết từ chối. Ví như một GS.TS cựu Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Bạch Mai chẳng hạn, một Giáo sư được nhiều học trò tôn vinh là bàn tay vàng đã từng mổ giúp nhiều bệnh nhân quê tôi. Quà tôi biếu ông sau ca mổ là một đôi gà toòng teng từ quê do người nhà vừa xuống tàu mang tới. Ông nhận vui vẻ rồi tự tay làm thịt gà, chế biến và nấu nướng rất ngon mời bạn hữu, trong đó có tôi đến nhà uống rượu. Ông coi đó là niềm hạnh phúc vì được thân nhân người bệnh tin cậy.

Một bác sĩ khác hiện là Trưởng khoa Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng thế. Ông chẳng những đỡ đẻ mát tay mà luôn ứng xử tử tế nhân văn với bệnh nhân. Lần ông mổ  đẻ cho người nhà tôi "mẹ tròn con vuông", tôi có dò địa chỉ mang tới nhà ông một chai rượu và một phong bì gọi là cảm ơn. Ông nhận rượu, còn phong bì thì kiên quyết trả lại, tôi vật nài đây là tiền nhuận bút, là tiền tặng thưởng của Ban biên tập cho một bài viết khá, rằng xin ông nhận để lấy may cho cháu hay ăn chóng lớn. Ông thương chúng tôi tìm được nhà mà miễn cưỡng nhận, nhưng vài hôm sau qua một người bạn, ông lại mời chúng tôi đi uống bia hơi.

Lại một chuyện về người bác sĩ ở Bệnh viện Việt - Đức từng mổ tim cho một cậu học sinh 13 tuổi. Trước ngày mổ, bạn tôi đã " huy động lực lượng" nháo nhào hỏi địa chỉ, tìm đến nhà bác sĩ. Ông đón tiếp tử tế, nhưng trả lại phong bì làm người nhà buồn thiu ra về, nghĩ khôn nghĩ dại có thể cháu mình có "vấn đề gì về sức khỏe" nên bác sĩ không nhận quà. Hay là bác sĩ không nhận trước vì còn để "độ lùi" chăng?

Sau khi ca mổ an toàn, bạn tôi lại tìm cách đưa phong bì cho bác sĩ nọ tại phòng riêng chỉ một mình ông biết với hi vọng trả ơn hợp lý. Lần này không những bị chối từ, bạn tôi còn bị người bác sĩ mắng cho một trận: "Tôi biết bố mẹ cháu bỏ nhau, rất nghèo, anh đưa tiền về thêm thắt mà nuôi cháu". Bạn tôi kể lại câu chuyện này rơm rớm nước mắt: "Vậy mà ở quê, người ta dặn, nếu không có phong bì lót tay, có khi còn bị tiêm cho đau hơn... ".

Tôi vẫn nghĩ rằng, chuyện phong bì, phong bao trong quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ trong hoàn cảnh hiện nay là khó tránh khỏi. Và sự biến dạng, biến thiên của nó thật "muôn hình vạn trạng". Có lẽ vì biết được hiện tượng tiêu cực ấy mà Bộ trưởng Bộ Y tế vừa chỉ thị sẽ tiến hành thanh tra một số bệnh viện Trung ương và địa phương.

Không ai chấp nhận hành vi tiêu cực, không ai chấp nhận nhân danh lòng biết ơn để lợi dụng hối lộ. Nhưng tôi luôn hiểu trong ngành Y tế có biết bao nhiêu người tốt, những hành vi tốt thực hiện lời Bác Hồ dạy "Lương y như từ mẫu". Lòng tốt ấy thúc đẩy cuộc sống phát triển, nuôi dưỡng niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước, với con người

.
.
.