Lời khẩn thiết cứu voi Tây Nguyên

Thứ Ba, 04/10/2011, 14:24
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt người xem khi đến triển lãm “Những voi nhà cuối cùng của Tây Nguyên” đang diễn ra tại Hà Nội không phải là những chú voi hùng dũng mà là những vết thương ở chân, mông, ngà, đuôi... đang còn rớm máu, sứt gẫy. Thương tích trên mình những chú voi Pắc Cú, Bắc Tết, Bắc On, Bắc Khăm... nêu lên một thực trạng đáng báo động về nạn truy sát, tận diệt voi.

Nhắc đến Tây Nguyên là người ta liên tưởng ngay đến cà phê và voi. Những chú voi Tây Nguyên gắn bó với đồng bào các dân tộc ở đây từ rất xa xưa. Nó khiến vùng đất này sinh ra những tên tuổi trong nghề săn voi, thuần dưỡng voi. Những con người một thời lừng danh trong nghề săn voi, thuần dưỡng voi đang hiện hữu ở Tây Nguyên phải kể đến “vua voi” Amakong, Amabich.

Hiện nay, Nhà nước nghiêm cấm săn bắt voi nhưng những cái tên lẫy lừng ấy vẫn được nhắc đến một cách kính trọng bởi nó là biểu trưng cho sức mạnh của con người chinh phục thiên nhiên. Cuộc sống đổi thay nên voi nhà Tây Nguyên giờ đây không còn làm những công việc như giúp người kéo gỗ, đi rừng mà chuyển hẳn sang làm... du lịch. Khai thác quá sức là một trong những nguyên nhân làm cho số lượng voi Tây Nguyên ngày càng ít đi. Bên cạnh đó, nạn truy sát, giết voi để lấy ngà, lông đuôi voi nổi lên gần đây khiến người ta bàng hoàng về sự táo tợn của bọn tội phạm cũng như nguy cơ biến mất voi nhà ở Tây Nguyên.

Nhóm tác giả Enter Việt Nam đã bỏ ra 2 tháng để tiếp cận 51/52 chú voi nhà đang được nuôi ở Tây Nguyên. Không chỉ ghi lại những hình ảnh voi Tây Nguyên khi đi làm du lịch, ở trên rừng, trong khu du lịch hay uống nước bên suối mà với mỗi chú voi còn kèm theo một câu chuyện kể. Cần chung tay cứu voi Tây Nguyên trước khi quá muộn là thông điệp mà nhóm nhiếp ảnh có tên Enter Việt Nam gửi đến qua triển lãm này.

Voi HKhu ngoài cái tên định danh còn có dòng mở ngoặc “con nuôi của Amabich”. Ai quan tâm đến voi Tây Nguyên đều biết cái tên này bởi hiện nay, ông là một trong hai người săn voi lừng lững vùng đất này đang còn sống.

Hình ảnh voi bị kẻ gian gây thương tích.

Theo nhóm tác giả ảnh, chủ voi HKhu là Công ty Cà phê Trung Nguyên; quản tượng là Amabich. Voi HKhu được gọi là “voi đại gia” vì “nó không phải làm việc như nhiều con voi khác mà phần lớn thời gian được thả trong rừng”. Công ty Cà phê Trung Nguyên mua HKhu từ Krông bay rồi gửi gia đình Amabich ở buôn Đôn nuôi cùng “chàng voi” Chrôl.

Voi nhà Tây Nguyên không chỉ gắn bó với chủ của chúng mà còn với các thành viên trong gia đình. Đây là đặc tính chung thủy của loài voi. Chẳng thế mà voi Khăm Sen được gọi là cậu út trong gia đình của ông Y Ga HMok. Ông Y Ga HMok là cán bộ y tế cơ sở, sống tại buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Ông mua Khăm Sen khi nó còn nhỏ. Quá trình nuôi dưỡng con voi này gắn với việc nuôi dạy 6 đứa con của ông. Các con ông yêu quý chú voi này đến mức coi nó như người em út trong nhà. Voi Khăm Sen gắn bó với gia đình người chủ nên hiện nay 3 người con trai của ông Y Ga HMok là Nguyên, Y Ten, Vinh thay nhau làm quản tượng cho nó.

Nhiều người quan tâm tới voi Tây Nguyên đến xem triển lãm.

Nói đến “tình nghĩa” của voi với chủ, trong câu chuyện về 51 chú voi nhà ở Tây Nguyên phải nhắc đến voi cái H Plub, 37 tuổi. Dù đã qua nhiều chủ nhưng nó vẫn luôn nhớ đến người chủ đầu tiên, có lần nhớ quá nó còn bứt xích để về nhà cũ. Cũng bởi đặc tính “ân nghĩa” với chủ cũ nên có không ít các chủ mới khi thấy voi có dấu hiệu buồn bã, bỏ ăn lại phải mời chủ cũ đến động viên, khích lệ chúng. 

Mỗi con voi nhà ở Tây Nguyên đều có những đặc tính, số phận khác nhau. Có con từng một thời bôn ba ra tận Thủ đô làm “nghệ sỹ” xiếc, có con lại được sinh ra từ bố mẹ là voi nhà, có con lại là bà mẹ không may mắn bởi sau 22 tháng mang bầu, con sinh ra lại không còn sống... Voi nghệ sỹ Y Ghen do có thời gian sống ở thành phố bị “nhiễm thói thành thị” nên bây giờ vẫn thích tắm nước máy, uống nước sạch. Còn voi cái Yạ Bích – voi nhà cuối cùng (tính đến thời điểm hiện nay) mang thai nhưng không có may mắn được “mẹ tròn con vuông”.

Để voi nhà mang thai cần rất nhiều điều kiện như: Có một cặp đực, cái đang trong thời động dục; có không gian rộng để “vợ chồng” voi có thời gian riêng tư; voi mang thai 22 tháng, trong thời gian này phải chăm sóc và ít làm việc; voi cái nuôi con 5 năm, thời gian này cũng không được bắt voi làm việc nhiều. Không chỉ phải có những điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc đặc biệt, khi voi sinh con phải làm đám cưới voi rất tốn kém. Vì những lý do trên nên voi nhà mang thai, sinh con rất hiếm. Tiếc rằng voi Yạ Bích mang thai nhưng khi sinh ra, voi con lại chết, nếu không nó sẽ là bà mẹ có kỳ tích đặc biệt trong “làng” voi nhà Tây Nguyên.

Theo dự báo của các nhà khoa học, nếu chúng ta không có biện pháp bảo vệ, chăm sóc thì chỉ trong vòng 20 năm nữa sẽ không còn voi nhà ở Tây Nguyên. Tây Nguyên sẽ như thế nào nếu hết voi? Sẽ chẳng còn là vùng đất của nắng, của gió, của những tâm hồn phóng khoáng của đại ngàn nữa nếu Tây Nguyên hết voi. Hãy yêu những con voi nhà Tây Nguyên và hãy cứu lấy chúng trước khi quá muộn

Cao Hồng
.
.
.