Loay hoay bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống

Thứ Ba, 08/04/2014, 10:58
Được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, sau một thời gian thực hiện cam kết gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa, đờn ca tài tử được phổ biến ngày càng rộng khắp. So với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, đặc biệt là những loại hình đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì sự phát triển này của đờn ca tài tử là một thế mạnh nhưng trong thực tế,bài toán về việc bảo tồn, phát huy đờn ca tài tử cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác vẫn chưa hẳn có đáp án thỏa đáng.

Khi thú chơi quê kiểng được thương mại hóa

Thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM cho thấy, chỉ riêng địa bàn thành phố hiện nay đã có hàng trăm câu lạc bộ đờn ca tài tử với số thành viên cả ngàn người. Cùng với con số ấn tượng về thú chơi chốn quê kiểng giữa nơi thị thành sôi động và hào nhoáng bậc nhất cả nước kèm theo không ít liên hoan hội diễn cho loại hình nghệ thuật này khiến nhiều người không thể không bất ngờ. Nhưng, với không ít người trong cuộc thì đây mới chỉ là phong trào bảo tồn được cái ngọn của đờn ca tài tử, nhưng cái gốc thì chưa hẳn. Nghệ nhân Tấn Nhì từng chia sẻ rằng, liên hoan hội diễn tổ chức nhiều thì nhiều thật nhưng tổ chức chưa tới. Đờn ca tài tử có 20 bản tổ, mỗi bản khá dài với nhiều lớp khác nhau. Hầu hết các liên hoan mới chỉ lấy lớp đầu thi thố và năm nào cũng thế. Soạn giả Ngô Hồng Khanh thì cho rằng nói đến nghệ thuật đờn ca tài tử không thể không bàn về không gian đờn ca tài tử. Xưa, tài tử là cuộc chơi của những tri kỷ tri âm chốn thôn dã nhưng nay đờn ca tài tử phát triển ở thị thành, người đi biểu diễn phải có cát – xê, hồn đâu không thấy chỉ thấy chữ T (chữ tiền – PV). Nói cách khác là đờn ca tài tử giống như chỉ có cái xác mà không có hồn. Vì vậy, khi bàn về bảo tồn, phát huy đờn ca tài tử cần xác định đờn ca tài tử trong không gian nào của hôm nay.

Than phiền rằng đờn ca tài tử có phát triển nhưng chưa “ra ngô ra khoai” như  mong muốn không chỉ là ý kiến của riêng nghệ nhân Tấn Nhì hay soạn giả Ngô Hồng Khanh. Trong rất nhiều chương trình biểu diễn, khi đại đa số người xem ít am hiểu về đờn ca tài tử gật gù, vỗ tay tán thưởng thì nghệ nhân nhíu mày nhăn mặt bởi đó không phải đờn ca tài tử đã như chuyện thường ngày. Và thực tế, đây không chỉ là tình trạng của riêng nghệ thuật đờn ca tài tử.

Biểu diễn phục vụ khách du lịch, một trong những cách phát huy nghệ thuật truyền thống phổ biến hiện nay.

Một trong những câu chuyện từng bị phản ứng khiến báo giới tốn khá nhiều giấy mực là hình ảnh những liền anh liền chị hát quan họ lúng liếng nón thúng quai thao nhưng ngửa nón xin tiền khách tham gia lễ hội. Nhưng, cũng không ít ý kiến và đa số là của những người không phải nghiên cứu văn hóa lại cho rằng liền anh liền chị bỏ mồ hôi công sức, tài năng biểu diễn cho công chúng thì việc trả thù lao cho họ là đương nhiên. Vấn đề là hình thức trả như thế nào để không tạo ra những hình ảnh phản cảm, quá đối lập với cái được coi là nét đẹp văn hóa xứ Kinh Bắc lâu nay. Với nghệ thuật hát bội, một nghệ sĩ có tiếng tăm tại TP Hồ Chí Minh từng kể rất thật rằng, đã nhiều năm rồi, nguồn thu từ bán vé cho khán giả xem biểu diễn đã là mơ ước xa xôi. Ngoài những thời điểm tập trung phục vụ các suất diễn theo yêu cầu của Nhà nước, nhiều anh chị em tỏa đi làm  nghề khác kiếm sống, kể cả chạy xe ôm, bán quán nước, quán ăn. Được làm nghề kiếm tiền, có chăng là các chương trình biểu diễn gắn với các lễ hội do các ban chủ tế mời về các đình chùa khi làm lễ. Với các chủ tế am hiểu thực sự thì người biểu diễn không dám “ăn gian” nhưng với số đông, nếu muốn biểu diễn cắt xén cũng không khó.

Những “báu vật nhân văn sống” trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn

Sở hữu một vốn liếng đáng nể về từng bộ môn nghệ thuật truyền thống mà bản thân theo đuổi nhưng trong đó, hầu hết các nghệ nhân đều ở ngưỡng gần đất xa trời. Có lẽ là từ nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu lúc sinh thời, họ bắt đầu được gọi với cái tên rất mỹ miều là “báu vật nhân văn sống”. Gọi là mỹ miều bởi thực tế phần lớn những người được coi là báu vật ấy rất ít được đãi ngộ theo đúng cái cách họ được gọi và sống khá chật vật. Cách đây gần một tháng, trong buổi họp mặt lấy ý kiến về thực trạng, bảo tồn phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử, trong đó có bàn về chế độ dành cho nghệ nhân dân gian, bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM cùng khá nhiều nghệ nhân gắn bó đờn ca tài tử đã không thể xót xa trước thông tin một trong những nghệ nhân đã dành gần trọn cuộc đời cho đờn ca tài tử nhưng sức khỏe yếu, phải nhập viện, cần 20 triệu đồng nhưng gia đình phải chạy vạy ngược xuôi. Trước đó là nghệ nhân dân gian Út Bạch Huệ, cuối đời nương náu nhờ viện dưỡng lão nghệ sĩ.

Thạc sĩ, nghệ sĩ kiêm giảng viên Hải Phượng từng chia sẻ rằng, số lượng nghệ nhân giỏi nghề còn lại không nhiều. Việc đào tạo cho được người ca hay, ca giỏi đã khó, việc dạy, việc học và rèn luyện trở thành tay đàn giỏi còn khó hơn. Bởi lẽ, để học đàn, người học phải theo từ lúc nhỏ, tay còn mềm, dễ luyện và phải luyện suốt đời. Hiện nay, trong Nhạc viện có bắt buộc học sinh phải học theo quy định nhưng phần lớn chỉ học để đối phó, ra trường là bỏ vì thực tế chỉ có “đất diễn” cho nhạc mới. Nhạc truyền thống, trong đó có đàn trong đờn ca tài tử, nếu có diễn, phần lớn chỉ là các điểm nhỏ lẻ, các nhà hàng, quán ăn...

Chia sẻ về những vấn đề bất cập trong bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật đờn ca tài tử, ngay Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh, bà Vũ Kim Anh thừa nhận rằng, hiện nay, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nghệ nhân rất ít. Khắc phục tình trạng này, sở đã nhiều lần đề xuất chính quyền thành phố có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ thường xuyên, khen thưởng cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử tương tự như các nghệ nhân quan họ mà Bắc Ninh đã làm nhưng đề xuất này vẫn chưa có hồi đáp.

Đội ngũ nghệ nhân, hầu hết như lá vàng trước gió trong khi đội ngũ kế thừa, đặc biệt là lớp trẻ lại không mặn mà, thậm chí là không hiểu gì về nghệ thuật truyền thống. Giải pháp phổ biến để lấp lỗ hổng này là phát triển các câu lạc bộ, mở thêm các lớp đào tạo ngắn hạn hoặc mạnh dạn hơn là đưa vào trường học. Nhưng đưa vào môi trường đào tạo như thế nào trong khi các chương trình học của trẻ đang quá tải, đưa vào chương trình ngoại khóa như thế nào để đủ sức hấp dẫn học sinh tự nguyện tìm hiểu, học hỏi thì chỉ bằng sức của các nghệ nhân hay một nhóm, một vài câu lạc bộ chưa theo một lộ trình bài bản nào rõ ràng là không đủ

N.Nguyễn
.
.
.