Loạn… danh hiệu

Thứ Ba, 22/11/2005, 08:30

Những cuộc bình chọn danh hiệu cho các nghệ sỹ đã và đang được quảng cáo rầm rộ, trao giải rùm beng. Các nghệ sỹ mới nổi thì hào hứng đến nhận bởi có cái danh hiệu thì cũng dễ làm ăn. Đi hát có danh hiệu thì MC cũng dễ giới thiệu hơn, đi diễn thời trang mà có "miss này, miss nọ", dù có là "miss xà phòng" thì vẫn cứ vinh dự như thường, dễ tăng cát xê.

Bây giờ, dù bạn ở đâu và làm gì bạn vẫn cứ bị các cuộc bình chọn, các thông tin giải thưởng hấp dẫn tấn công. Dù muốn dù không, bạn vẫn cứ phải chấp nhận. Chẳng người bình chọn nào có thể tính toán được bao nhiêu người cùng dự đoán và bao nhiêu người dự đoán đúng. Và ai cũng biết, giải thưởng rất hiếm khi rơi vào tay mình. Các tờ báo cũng vậy, luôn luôn có các chương trình quà tặng mà hầu hết có khung giống nhau.

Nhưng, xét một mặt nào đó, đây cũng là những cuộc thi mang tính chất giải trí. Còn có rất nhiều cuộc thi, cuộc bình chọn mà các nhân vật tìm kiếm để "vớt" giải thưởng, nhằm làm hành trang tiến thân.

Giờ đã là cuối tháng 11 và các cuộc bình chọn đang bước vào cuộc đua nước rút để kịp thời công bố kết quả và tổ chức trao giải trước Tết Nguyên đán. Điểm chung cho cuộc bình chọn này chính là dành cho giới nghệ sỹ biểu diễn. Và điểm chung nữa là, dù muốn dù không, khán giả và độc giả luôn phải nghe, xem và đọc đi đọc lại những cái tên đã quen đến cũ mèm, cho dù trong năm họ không có gì nổi bật cho lắm.

Vài tháng trước, hai nữ ca sỹ Mỹ Tâm và Hồ Quỳnh Hương dội một gáo nước lạnh vào người hâm mộ cũng như Ban tổ chức giải Mai Vàng khi tranh cãi nhau về một điều mà cả hai đều không biết chính xác. Mỹ Tâm thì cho rằng đây là một giải thưởng của bạn đọc thì chắc chắn là cô có nhiều fan hâm mộ hơn và nhất là có người gọi điện dặn cô đến để nhận giải nhưng cuối cùng người được nhận lại là Hồ Quỳnh Hương. Và Mỹ Tâm không còn tin vào tính khách quan của nó.

Còn Hồ Quỳnh Hương thì cho rằng, cô có nhiều giải thưởng chuyên môn và kết quả cuối cùng phải do Hội đồng nghệ thuật bình chọn. Những phát biểu không thống nhất của hai cô gái trẻ ầm ĩ nhất làng nhạc thời trang khiến Ban tổ chức phải lên báo giải trình tương đối kỹ lưỡng. Điều không ai muốn ấy bắt buộc phải xảy ra vì giải Mai Vàng 2005 bắt đầu khởi động. Và đến hiện tại, Hồ Quỳnh Hương vẫn đứng đầu danh sách bình chọn. Nhiều người dự đoán cô sẽ giành cú đúp trong mùa giải bình chọn năm nay khi giải Diva thế hệ mới 2005 của báo Điện ảnh - Kịch trường cuối tháng cô vẫn liên tiếp dẫn đầu và số báo nào cô cũng được viết bài, đăng ảnh trang bìa hoặc poster…

Nói gì đi nữa, giải Mai Vàng vẫn được đánh giá là một giải thưởng tương đối uy tín với giới nghệ sỹ. Còn rất nhiều giải thưởng mà dường như cả người được chọn và người bình chọn đều tỏ ra nghi ngờ. Hậu trường các cuộc bình chọn và giải thưởng luôn là vấn đề nóng bỏng.

Người viết bài này từng "lén lút" chui được vào một cuộc họp fans club của một ngôi sao đúng mùa bình chọn và quả là không khí cũng sục sôi không ngờ. Ca sỹ tặng quà cho các trưởng nhóm fans và nói rất tha thiết, các bạn hãy bình chọn cho mình. Trưởng fans club hồ hởi đứng dậy, phát các phiếu bình chọn cho các "gà chọi" rồi hướng dẫn tỉ mỉ ghi thế nào, điền tên ra sao… Năm đó, ca sỹ này cũng được giải nhưng không mấy cao và người ta biết rằng đối thủ của cô còn mạnh hơn nhiều lần trong cuộc đua ấy. Đó là chưa kể có những giải thưởng mà do tờ báo quá… "hẻo lánh" mà ít độc giả, nhưng vẫn tung lên những con số độc giả… chết người. Và kết quả bình chọn được công bố vẫn chẳng mấy ai tin.

Cá biệt vài năm trước có giải thưởng mà ca sỹ được giải còn không chịu đến nhận với lý do, đi hát cả chục năm, thành sao từ lâu mà vẫn bị nhét cái giải "ca sỹ triển vọng". Giải thưởng đó gây nhiều tai tiếng đến mức nó không dám "tái xuất" lần thứ hai.

Có một thực tế, các cuộc bình chọn, trao giải xuất hiện ngày càng nhiều nhưng chất lượng của nó ngày càng đi xuống. Nhiều khi người ta thấy ngay trong một bảng danh sách đề cử đã có độ vênh về chuyên môn và mức độ cống hiến. Điều đó chứng tỏ những người thiết lập giải thưởng ấy hoặc quá coi thường nghệ sỹ và bạn đọc hoặc không có trình độ chuyên môn.

Khi dựa vào mức độ bình chọn của khán giả để trao giải thì người ta hoàn toàn có thể đặt ra những "khán giả ảo" để hợp pháp hoá cả giải thưởng và những người được vinh danh lại là những người phải bỏ tiền ra "mua khán giả" cho mình. Giới nghệ sỹ thường đùa nhau rằng, nếu cứ để khán giả bình chọn, rất có thể những sao A, miss X vĩnh viễn không bao giờ được đứng vào hàng đề cử. Nhưng để một Ban tổ chức đứng ra làm thì có khi A và X đó lại đứng đầu với bao nhiêu lợi lộc và mưa móc tán dương.

Có lẽ khán giả và độc giả luôn là những người chịu thiệt nhất. Họ luôn bị động bởi công nghệ lăng xê, lobby của các ông bầu, rồi họ lại bị động ngay cả chuyện bình chọn ra những gương mặt xứng đáng nhất. Và điều nguy hại là, có rất nhiều giải thưởng mà những người làm ra nó bắt công chúng phải công nhận những giá trị mà họ không muốn thừa nhận. Lẽ ra họ phải là người được quyền quyết định nhưng họ lại là người bị đưa ra làm bức bình phong cho những chuyện không mấy hay ho. Báo động hơn, khi người ta lợi dụng nó để trục lợi, người được tiếng kẻ có tiền và mọi giá trị đã bị đảo lộn. Không những gây ngộ độc cho khán giả mà còn tạo ra sự bất ổn, gây nản chí cho những nghệ sỹ chân chính đang cống hiến một cách lặng thầm.

Giá trị trong nghệ thuật phải để nó tự lên tiếng với thế giới. Còn những giải thưởng cũng không xấu, nó chỉ bị lem bùn khi người ta lợi dụng nó cho những tham vọng không trong sáng mà thôi

Phiên Phương
.
.
.