Loạn danh nhạc sĩ

Thứ Sáu, 08/10/2004, 08:30
Ở ta cứ ai sáng tác được bài hát đều được gọi là nhạc sĩ. Nhạc công L.Q. sau một thời gian đặt lời Việt cho vài bài hát nước ngoài và sáng tác một số bài nhạc thị trường đã trở thành nhạc sỹ đắt "sô".

Sự xuất hiện ồ ạt của những ca sĩ trẻ chuyên hát nhạc thị trường trên các sân khấu ca nhạc, phòng trà, quán bar… đã làm cho những tác giả viết ca khúc thị trường trở nên có giá. Rất nhiều người viết ca khúc chưa qua trường lớp, không rành nhạc lý, thậm chí có người còn không biết một nốt nhạc, hoặc biết nửa vời… bỗng trở thành nhạc sĩ.

Với những nhạc sĩ đích thực, đã có tên tuổi, chúng tôi không đề cập đến, chỉ bàn về những người tự xưng là nhạc sĩ. Có khi, họ chỉ nhận mình là người sáng tác, nhưng một số cơ quan đại chúng, hãng băng đĩa… lại "phong" cho họ danh nghĩa này. Thực trạng này đã là một trong những nguyên nhân làm loạn danh xưng và bát nháo trong lĩnh vực biểu diễn ca nhạc. 

Trao đổi về việc loạn danh xưng,  nhạc sĩ Ca Lê Thuần - Tổng Thư ký Hội Âm nhạc TP.HCM - đã thẳng thắn nói: "Theo tôi, tối thiểu phải là người tốt nghiệp đại học âm nhạc mới gọi là nhạc sĩ. Và cần phân định rõ như người học sáng tác thì  gọi là nhạc sĩ sáng tác, người làm công tác giảng dạy, lý luận gọi là nhạc sĩ lý luận. Ở nước ngoài, người sáng tác được gọi chung là nhà soạn nhạc, họ có thể làm được mọi chức năng, mọi thể loại liên quan đến  sáng tác.".  

Sau một loạt sự cố về việc một số nhạc sĩ sao chép nhạc nước ngoài, lấy nhạc ngoại dịch ra lời Việt rồi để tên mình và nhất là khi vấn đề bản quyền âm nhạc có yếu tố nước ngoài đã được áp dụng ở Việt Nam, thì tình trạng viết lời Việt từ ca khúc nước ngoài đã giảm hẳn. Kèm theo đó là tình trạng các "nhạc sĩ" tự xưng cũng không xuất hiện ồ ạt như trước.  

Thời cao trào của nhạc thị trường, nhạc ngoại lời Việt và các tác giả của thể loại này đã qua. Môi trường âm nhạc ở TP.HCM đang bình lặng trở lại… Giới văn nghệ sĩ đùa với nhau rằng, sắp đến thời của các nhạc sĩ chân chính. Khán giả đã và đang chán ngán những ca khúc thị trường, cả những "nhạc sĩ" viết theo lối thị trường, đặt hàng ca khúc "ăn liền"

Hạnh Chi
.
.
.