Liên hoan sân khấu xã hội hóa: Hy vọng hay thất vọng?
Diễn ra tại TP HCM từ ngày 8/10 đến 5/11, sự kiện đang được quan tâm nhất trong những ngày này của giới sân khấu chính là Liên hoan sân khấu xã hội hóa toàn quốc, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (NT-BD) phối hợp với Sở VH-TT TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Đọc qua bản danh sách "xôm tụ" gồm 15 đơn vị tham gia với 24 vở dự thi, có người gọi đùa đây là cuộc "tổng duyệt" những gương mặt đích thực đang trong "cuộc chơi" xã hội hóa sân khấu. Một cuộc chơi mà khả năng "tự thân vận động" vẫn là yếu tố chính để quyết định sự sống còn của những cụm sân khấu xã hội hóa riêng lẻ.
Với cách tổ chức đổi mới và có vẻ "hợp thời": Ban giám khảo sẽ… di động theo từng đêm diễn (có bán vé doanh thu cho khán giả như bình thường) để chấm từng vở diễn dự thi của các đơn vị tham gia luôn tại mặt bằng của sân khấu đó. Rồi trong buổi sáng hôm sau, sẽ diễn ra ngay một buổi tọa đàm chuyên môn để Ban Giám khảo có thể nhận xét, góp ý, khen chê cụ thể với nhóm anh chị em nghệ sĩ thực hiện tác phẩm, và ngược lại, các anh chị em nghệ sĩ có quyền tự do phản hồi.
Ngoài ra, còn có một khoản hỗ trợ "nho nhỏ" trích từ kinh phí của Cục NT-BD để các đơn vị có thể bù đắp một phần chi phí. Giải thưởng sẽ không "đặt nặng" mà chỉ như những món quà vui vẻ, khuyến khích.
Chỉ nội điều này đã cho thấy thiện chí của Ban tổ chức Liên hoan, cho nên mới có chuyện ngay từ đầu đã có những sân khấu tư nhân hăng hái đăng ký tham gia tới… 6 vở một lúc. Rốt cuộc, do hạn chế về… thời gian, Ban tổ chức đành phải bó hẹp lại trong quy định "mỗi đơn vị dự thi tối đa 2 vở".
Thấy… đông vui thì tới, thấy "người ta" cần biết đến mình, cần có sự tham gia của mình thì "vỗ tay vào", đó chính là tâm trạng chung của các sân khấu xã hội hóa trong lần Liên hoan này. Bởi vì, cho dù không có Liên hoan thì các sàn diễn vẫn phải cố để mà sáng đèn - càng thường xuyên càng tốt, vẫn phải bán được vé - dù có hay không các nguồn tài trợ, vẫn phải "nuôi quân" - dù làm ăn thắng hay thua.
Liên hoan không phải là chiếc đũa thần để mong sẽ góp tay chăm chút, thay đổi diện mạo của những "tên tuổi" xã hội hóa sân khấu đã được biết đến từ lâu như Sân khấu kịch 5B, Kịch Phước Sang, Kịch IDECAF… mới hơn một chút như Kịch Phú Nhuận, Kịch Trần Cao Vân… hoặc mới tinh như Kịch Tao Đàn… Những vấn đề cần tranh luận và bàn thảo tới nơi sẽ chỉ được "gói gọn" trong Hội thảo "Hoạt động xã hội hóa sân khấu trong giai đoạn hiện nay" diễn ra trong 2 ngày 2 và 3/11.
Cho nên, dù có chỗ có nơi để các đơn vị sân khấu tư nhân… than thở những khó khăn, bày tỏ những khúc mắc hay chia sẻ những kinh nghiệm "ăn nên làm ra" thì vẫn còn phải… chờ đợi thêm để biết có ai hỗ trợ, giúp đỡ gì cho mình hay không. Hay vẫn chỉ là "ném đá ao bèo", rồi cuối cùng "mèo lại hoàn mèo"?!
Có thể nói mà không sợ bị cho là "kiêu" rằng bản chất chung và nổi bật nhất của người Sài Gòn là năng động và do vậy nên mặt bằng sân khấu xã hội hóa tại TP Hồ Chí Minh cũng là nơi sôi động nhất trong cả nước, sôi động hơn nhiều lần so với những "anh cả đỏ" của phía Bắc. Xét trên tổng thể chung, giống như hai đầu cán cân nghiêng qua lệch lại của "sân khấu chiều theo thị trường" và "sân khấu phải như định hướng".
Điều được mong đợi nhất là sau những ồn ào, sôi nổi của Liên hoan, người ta sẽ rút ra những kinh nghiệm và bài học gì về những chiêu thức cạnh tranh lành mạnh lẫn không lành mạnh giữa các sân khấu, những ưu, khuyết điểm nổi cộm về chất lượng diễn viên, chất lượng viết và dàn dựng vở cũng như chất lượng biểu diễn. Làm thế nào để "sân khấu định hướng" có thể thu hút được khán giả và ngược lại, "sân khấu chiều theo thị trường" sẽ không còn bị chê là… "bình dân" hay "rẻ tiền"?
Mượn lời của một nghệ sĩ sân khấu đang trong "cuộc chơi" xã hội hóa: "Nghệ thuật dù sang trọng, cao cấp tới đâu mà không bán được vé thì cũng không thể tiếp cận được người xem, rồi sẽ lấy ai ra để mà… định hướng?!". Mong rằng lời giải đáp cho những câu hỏi đó, dân sân khấu sẽ không phải chờ dài cổ trông "bao giờ cho đến tháng mười"…