Liên hoan sân khấu thử nghiệm: Có vở sẽ gây sốc

Chủ Nhật, 23/11/2008, 16:42
Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan sân khấu thử nghiệm, cho biết: Liên hoan sẽ đem đến nhiều cách thể hiện mới lạ và vì mang tính thử nghiệm, nên có thể thành công, cũng có thể không; có vở diễn sẽ khiến khán giả chú ý, nhưng cũng sẽ có vở gây "sốc" và gây tranh luận.

Sau thành công của 2 Liên hoan sân khấu thử nghiệm (LHSKTN) quốc tế, sau những đợi chờ của giới chuyên môn, sẽ có một LHSKTN toàn quốc diễn ra vào những ngày đầu tiên của tháng 12/2008.

Dẫu lần đầu được tổ chức, nhưng đã có 14 vở diễn của các đơn vị nghệ thuật tham dự, trong đó, "anh cả" của các nhà hát là Nhà hát Tuổi trẻ sẽ tham gia 2 vở "Biến vĩ của tình yêu" (tác giả: NSƯT Lê Chức) và "Cô gái bán diêm" (tác giả: Andersen) Đoàn kịch nói CAND cũng sẽ góp mặt với vở "Những quân bài định mệnh" (tác giả Phan Gia Liên), Đoàn kịch Quân đội với vở "Đồng quê âm vang" (của Tất Đạt)...

Liên hoan cũng hứa hẹn những điều thú vị, khi đây sẽ là dịp hội tụ lực lượng đạo diễn hùng hậu thuộc các thế hệ cùng so tài: NSND Lê Hùng, NSND Trọng Khôi, NSƯT Trần Ngọc Giàu, NSƯT Trần Nhượng, NSND Lan Hương, NSƯT Anh Tú v.v… Tuy nhiên, chưa thấy có đơn vị sân khấu tư nhân nào đăng ký tham dự liên hoan.

Đây sẽ là một liên hoan được chờ đợi với nhiều hy vọng: với các thế hệ đạo diễn cùng chung vai, sân khấu Việt Nam có tìm được ra bước đi mới hay không, khi mà nói như NSND Trọng Khôi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại cuộc họp báo ngày 21/11: Lâu nay, các kịch bản dù hoàn toàn khác nhau, nhưng khi dựng thành vở diễn, người xem lại có cảm giác na ná, do cả hình thức và nội dung của sân khấu Việt Nam đang ở vị trí đứng yên. Thiếu sức sáng tạo, các vở diễn nhàm chán, thậm chí chưa xem đã biết trước kết cục kịch bản, nên sân khấu đang mất đi sức hấp dẫn vốn có.

"Trấn cổ Loa thành", một vở diễn sẽ tham dự Liên hoan.

Việc tổ chức Liên hoan chỉ nhằm khám phá sự mới lạ, cách tìm tòi và cắt nghĩa độc đáo của các nghệ sĩ, tìm lại sự tinh tế, sức thanh xuân và đôi cánh bay bổng, lãng mạn của các vở diễn. Không phải tất cả các vở tham dự đều là vở diễn hoàn chỉnh và còn có khoảng một nửa kịch bản chưa qua kiểm duyệt, nên chưa được phép công diễn, mà chỉ để dự liên hoan.

Với tiêu chí khuyến khích sự bứt phá, tạo tiền lệ để sân khấu Việt Nam bước vào hội nhập, NSND Doãn Hoàng Giang, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, cho biết: Liên hoan sẽ đem đến nhiều cách thể hiện mới lạ và vì mang tính thử nghiệm, nên có thể thành công, cũng có thể không; có thể đúng, cũng có thể là chưa; có vở diễn sẽ khiến khán giả chú ý, nhưng cũng sẽ có vở gây "sốc" và gây tranh luận. Vì thế, BTC hy vọng về sự ủng hộ của công chúng trước sự tìm tòi của các nghệ sĩ.

Để khuyến khích các nghệ sĩ, BTC dự định sẽ trao giải cho cá nhân ở các lĩnh vực: diễn viên, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ. Còn với vở diễn, có thể sẽ trao giải cho một vở nhiều yếu tố thử nghiệm.

Được hỏi về vở diễn "Sang sông" (tác giả Nguyễn Huy Thiệp, đạo diễn: NSƯT Anh Tú) của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tham dự Liên hoan, NSND Doãn Hoàng Giang khẳng định: Vở diễn chắc chắn sẽ có nhiều yếu tố thử nghiệm.

Tuy nhiên, mức độ thành công của liên hoan cũng là điều nhiều "cây đại thụ" của làng đạo diễn sân khấu Việt Nam còn băn khoăn, khi nhiều đạo diễn tâm huyết gặp không ít khó khăn. Liên hoan là một "cuộc chơi" tốn kém, khi đầu tư xoàng nhất cho một vở diễn cũng phải vài trăm triệu đồng, nên hầu hết lãnh đạo các đoàn, hay địa phương không bật đèn xanh cho đạo diễn mặc sức tung hoành, mà yêu cầu "thử" nhưng vẫn đảm bảo doanh thu. Đây là điều quá khó với bất kỳ đạo diễn nào.

Bên cạnh đó, lão làng sân khấu Doãn Hoàng Giang cũng cho thấy những khó khăn không dễ vượt qua: Hiện ở Việt Nam chưa có một sân khấu nào để có thể cho đạo diễn mặc sức sáng tạo, nên mỗi khi nghĩ ra một vấn đề gì mới, đạo diễn đều phải nghĩ đến việc: Sân khấu có đáp ứng được không? Lãnh đạo đơn vị nghệ thuật có chấp nhận hay không? Đó là chưa kể, những áp lực dư luận trước những cải tiến của nghệ thuật.

Sự tìm tòi của sân khấu có đồng vọng với khán giả hay không còn là vấn đề thời gian. Nhưng trước hết, công chúng vẫn chờ đợi sự thay đổi tư duy một cách mạnh mẽ của chính các nghệ sĩ - sự thay đổi mang tính nhảy vọt, ở Liên hoan này. Chỉ có thế, sân khấu Việt Nam mới mong bước khỏi sự hoài niệm, để các nghệ sĩ không còn "tủi thân" như khi xem "Tú tài và đao phủ" của Trung tâm Kịch nói nghệ thuật Thượng Hải (Trung Quốc) ở LHSKTN quốc tế 2006.

Bởi, người viết bài này còn nhớ, trả lời câu hỏi của PV Báo CAND về khoảng cách giữa sân khấu Việt Nam với sân khấu thế giới, ông Jacques Montaignac - Giám đốc Văn hóa Avignon, phụ trách Liên hoan sân khấu Avignon đã bày tỏ: "Đạo diễn Việt Nam cần năng động hơn vì họ vẫn còn theo truyền thống cổ điển". Vấn đề quan trọng là liệu có được sự mới mẻ đích thực ở liên hoan này hay không?

Dạ Miên
.
.
.