Liêm Tiết

Thứ Bảy, 27/05/2006, 09:09

Trong đời mỗi một con người được sinh ra từ lòng mẹ rồi lớn lên phấn đấu và trưởng thành không ai là không mang theo lời dạy của người đã sinh ra mình: Đói cho sạch, rách cho thơm. Lời dạy này càng có ý nghĩa với những người ở giữa công danh và bổng lộc.

Chuyện xưa kể rằng: Vào thời Lê Thịnh trị...

Đêm ấy trời mưa to, gió lớn. Lúc khuya lắm, khoảng canh hai canh ba gì đó, cổng nhà quan Tả thị lang Bộ hình bỗng dưng vang lên tiếng gõ.

- Ai! Đang đêm khuya khoắt thế này có việc gì mà ầm ĩ cửa quan lên làm vậy?
- Bẩm, tôi có việc muốn thưa trình với quan!
- Mai ra công đường.
- Dạ bẩm phải lúc này mới hợp ạ!

Người nhà quan vội ra mở cổng và hỏi nguyên nhân. Người khách lạ đang đội chiếc mâm trên đầu một mực nói xin được gặp gia chủ để thưa chuyện. Thấy việc lạ, quan Tả thị lang Bộ hình nói vọng ra với người nhà cho mời khách vào.

Vừa thấy quan, người khách vội đặt chiếc mâm có để một tấm lụa quý lên bàn. Ông ta sang sửa lại quần áo rồi chắp tay vái tạ quan và cung kính thưa trình về sự việc mình đang đêm khuya khoắt dám đường đột đến nhà quan:

- Bẩm quan, thảo dân là người vừa được bề trên xử cho thắng kiện. Cổ nhân có câu "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" nên có chút quà mọn được kính dâng lên quan để tỏ lòng biết ơn người đã đèn trời soi xét...

Quan cười và nói:
- Ta với nhà ngươi vốn xa lạ nào có quen biết gì nhau mà biếu với xin. Việc xét xử là theo phép nước. Người nào đúng thì được, kẻ nào sai phải chịu. Nhà ngươi nghĩ ta là ai mà đêm hôm mang lễ vật đến đây lại vào lúc trời mưa to gió lớn như thế này?

Người khách từ tốn thưa:
- Bẩm quan, lâu nay việc này đã thành lẽ thường trong dân chúng rồi! Vả lại một tấm lụa nhỏ có đáng là bao đâu ạ! Thảo dân nghĩ đây chỉ là nghĩa cử tỏ lòng biết ơn người đã cứu giúp. Còn việc phải đi vào lúc khuya vắng mưa gió như thế này là để tránh con mắt người đời nhìn thấy rồi sinh câu ra câu vào...

Quan cười to hơn:
- Ngươi cũng sợ người đời câu ra câu vào? Đã sợ còn đi vào lúc tối trời. Sao lại bảo cái chuyện không hay ấy là lẽ thường được? Một tí ti cũng là của đút lót. Nghe ngươi để ta mang danh là một tham quan sao? Ta không có loại khách như ngươi.

Người khách lạ đã bị quan thẳng cánh mời ra khỏi nhà. Ông chính là người của vua Lê Thánh Tông hóa trang đi thử nhân cách các quan. Vị quan bị thử ấy có tên là Vũ Tụ, quê gốc ở làng Hoạch Trạch, tỉnh Hải Dương. Ông đỗ Hoàng Giáp năm 1493.

Tương truyền sau vụ việc trên mỗi lần bệ kiến ông được mặc chiếc áo đặc biệt bởi trên cổ áo được đính hai chữ  Liêm Tiết vua ban. Đây là phần thưởng của triều đình đối với một vị quan có tiết khí thanh liêm! Cũng sau việc này, nhiều vị quan khác đã lấy đó mà tự răn mình để biết sợ luật nước, trọng điều phải, ghét điều trái, làm nhiều việc nghĩa có ích cho dân chúng hơn! Đời người ai muốn ô danh...

Chuyện thời nay cũng nhiều tấm gương liêm tiết hết sức cảm động và rất đáng khâm phục.

Ngày còn bao cấp tôi có quen một ông cửa hàng trưởng một cửa hàng lương thực. Ông vốn là bộ đội chống Pháp được chuyển ngành sang nghề phân phối cái ăn chủ lực hàng ngày cho mọi người. Là chủ cả một cái kho gạo to lớn và quan trọng nhất của một địa phương mà bữa ăn của ông tiêu chuẩn cơm và độn vẫn như mọi người. Vợ con ông ở quê gặp năm mất mùa vẫn thuộc diện phải cứu đói. Tôi từng ăn cùng ông và gia đình ông bát cháo cám vào cái thời nhiều khó khăn ấy. Ông bảo hạt gạo của Nhà nước là hạt vàng hạt bạc, mình ăn không hạt nào là có tội hạt ấy.

Tôi cũng đã có dịp đi tìm hiểu và viết bài về các bác, các chú, các anh, các chị đã từng bị đế quốc thực dân tù đầy ở Hỏa Lò, Côn Đảo, Phú Quốc... Họ là những cán bộ dân sự, những người lính quân đội, những chiến sĩ Công an từng hoạt động từ thời tiền khởi nghĩa, thời chín năm kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp trên các mặt trận trực diện và hoạt động thầm lặng, bí mật trong lòng địch, sinh tử chỉ là gang tấc. Rồi những năm bị giặc tù đầy, tra tấn. Hôm nay có người vết thương của kẻ thù vẫn còn hằn trong cơ thể.

Mọi người tuổi đã già. Mỗi năm mỗi vơi dần. Tất cả đã về hưu. Không có ai là triệu phú, tỷ phú. Nhiều lần bạn bè gặp nhau, đồng đội gặp nhau lại gom góp mỗi người dăm mười nghìn để có tiền mua bia, lạc giúp cho việc đưa vui trong cuộc gặp gỡ, hàn huyên. Tóc ai cũng ngả bạc nhưng tấm lòng sạch trong và ngay thẳng như những năm tháng mình chiến đấu, mình công tác.

Trong các lão đồng chí của tôi hôm nay ấy, ngày còn đương chức đương quyền không ít người từng giữ những cương vị có liên quan tới tiền tài, danh vọng cùng nhiều cám dỗ khác. Nếu cuộc đời mỗi người là một chuyến bay đường dài qua nhiều vùng thời tiết khác nhau thì phải nói các bác, các chú, các anh, các chị của tôi đã có một chuyến bay tuyệt vời trong cuộc đời của mình. Những con người kính yêu, những nguyên mẫu về tấm lòng tốt với dân với nước của tôi ấy đã có một chuyến bay an toàn của cuộc đời mình từ khi cất cánh cho tới lúc hạ cánh. Dẫu hôm nay chưa ai nhà cao cửa rộng nhưng nhân cách sống của họ có một tầm cao rộng về phẩm hạnh trước cuộc đời này.

Còn nhiều nhiều nữa những cuộc đời thanh liêm trong sạch giữa chốn lợi danh thời kinh tế thị trường đầy những biến báo phức tạp này. Họ đang là nền móng tạo nên sự tốt đẹp của xã hội. Họ cũng là tấm gương sáng của xã hội cho những ai soi vào, ngẫm lại nếu có lúc nào đó họ không thật bản lĩnh, không biết nhìn trước nhìn sau để rất dễ bị sa vào cạm bẫy phù thủy của đặc quyền, đặc lợi mà nơi hạ cánh của nó thường là vành móng ngựa, cánh cửa nhà tù. Thậm chí còn là phải đưa ra dựa cột nơi pháp trường nữa!

Người liêm, người hiền gương soi kim cổ! Và ngược lại kẻ ác, kẻ xấu bia miệng, bia chữ sẽ lưu lại muôn đời

Nhật Văn
.
.
.