Lịch sử dân tộc chỉ biết thế thôi sao?

Chủ Nhật, 06/08/2006, 08:29

Thật buồn khi có em trong bài thi Đại học môn Sử lại nhầm lẫn giữa Đồng minh và Việt Minh, có em không thể viết nổi ít dòng về ý nghĩa của ngày 2/9/1945... Rõ ràng, chính các em đã mất hết nền tảng kiến thức mà bắt buộc người học sử phải có.

Kết quả điểm thi môn Lịch sử của kỳ thi đại học năm 2005 đã làm cho triệu người phẫn nộ khi phải chứng kiến hàng ngàn bài thi điểm 0. Sau kỳ thi đó, những giải pháp của ngành Giáo dục, những lời bàn tâm huyết của những nhà sử học, của nhiều thầy, cô giáo được đưa ra nhằm một mục đích chung là học trò hãy yêu thêm môn Lịch sử.Tưởng rồi kỳ thi đại học năm nay, điểm thi môn Lịch sử của thí sinh sẽ làm vui lòng những người yêu môn Lịch sử dân tộc. Song vẫn vậy, hàng ngàn điểm thi vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh, thật buồn.

Thực ra chương trình học môn Lịch sử để dự thi đại học ở nước ta không hề khó. Lịch sử một dân tộc với 4.000 năm nhưng các em chỉ phải học Lịch sử trong vòng 100 năm của thế kỷ XX để thi đại học. Vậy nguyên nhân nào mà thí sinh lại cắn bút, nộp bài trắng nhiều đến vậy? Môn Lịch sử không còn quan trọng với các em nữa sao? Một người có văn hóa nhất định người đó phải có kiến thức về lịch sử dân tộc.

Trong đời sống công nghệ ngày nay, chúng ta có thể tiếp thu những kiến thức về khoa học công nghệ của nhân loại để lấp vào lỗ hổng kiến thức của mình. Song, không ai có thể lấy lịch sử văn hóa của dân tộc khác để trang bị lấp liếm cho sự thiếu hụt kiến thức Lịch sử của dân tộc mình. Thật buồn khi có em nhầm lẫn giữa Đồng minh và Việt Minh, có em không thể viết nổi ít dòng về ý nghĩa của ngày 2/9/1945... Rõ ràng, chính các em đã mất hết nền tảng kiến thức mà bắt buộc người học sử phải có.

Khi tôi đang viết những dòng này, đứa chị học lớp 8, đứa em học lớp 3 của nhà bên cạnh vẫn dán mắt vào tivi dõi theo bước đi của vua Càn Long ở tận đâu đâu. Khi hỏi về vua Càn Long, các em đã có thể viết ra được vài trang giấy, còn hỏi về lịch sử dân tộc thì em không thể biết được Quang Trung và Nguyễn Huệ chỉ là một. Có thể lắm, ít năm sau, các cháu nhỏ cạnh nhà tôi lại đi thi đại học môn Lịch sử?

Một học sinh học đến lớp 12 rồi còn hỏi mẹ: Tảo mộ là gì? Em không thể biết tảo mộ là gì bởi đến từng ấy tuổi đầu nhưng chưa một lần ba mẹ cho em về quê để đi thắp một nén nhang cho phần mộ ông bà ở quê với lý do phải học thêm, không có thời gian.

Người học sử nhất thiết phải có kiến thức về văn hóa, lịch sử bản thân nhất định. Các em không thể học tốt lịch sử dân tộc khi chính bản thân các em quay lưng lại chính lịch sử bản thân, gia đình, họ hàng, quê quán. Những năm gần đây, khi nói đến một vấn đề gì đó bất cập liên quan đến văn hóa, lịch sử, văn học, đạo đức, nhiều người đổ lỗi là do nền kinh tế thị trường.

Theo tôi, điều này không hợp lý, nhiều nước đã có nền kinh tế thị trường cách đây hai, ba mươi năm song họ vẫn giữ lấy những cốt cách lịch sử truyền thống sinh hoạt của mình. Bởi họ hiểu lịch sử chính là quốc hồn, quốc túy của dân tộc. Ra đến chợ huyện, cái người ta tự hào là làng tôi, làng chị. Ra đến tỉnh, thành, người ta lại nói tới quê tôi, quê anh. Ra trường quốc tế, cái mà anh có thể tự hào là lịch sử dân tộc anh đã anh dũng thế nào, hoặc anh có thể cúi đầu khi không thể nói về lịch sử dân tộc mình

Dương Sông Lam
.
.
.