Lên cổng trời xem “Đánh yến”

Thứ Bảy, 08/02/2014, 23:57
Quốc lộ 4C, trên lộ trình Hà Giang- Đồng Văn, đoạn đường dẫn vào thôn Séo Lủng, xã Thái An, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, ngay trước Tết đã được treo băng rôn thông báo về Hội Xuân 2014. Từ mùng 3 Tết, trên khắp các nẻo đường của cao nguyên đá rực rỡ hơn cả sắc màu hoa đào, hoa mận đó là váy áo của các thiếu nữ, còn những chàng trai dân tộc Mông khỏe khoắn trong sắc áo chàm, cổ quàng chiếc khăn “kéo vợ” đầy bí ẩn, .... Họ háo hức kéo về dự hội, một trong những trò chơi họ chờ đợi là “Đánh yến”. Để rồi, Xuân này, sẽ có thêm nhiều đôi lứa kết nên duyên vợ chồng

"Đánh yến" vùng cao hình thức không khác với môn thể thao đánh cầu lông ở vùng xuôi là mấy. Cũng là thao tác tung con yến (hay còn gọi là quả yến) lên không trung(giống như quả cầu lông), dùng bàn yến đánh qua lại giữa 2 người chơi với sự vận động của con người, mục đích đỡ được con yến vào đúng bàn đánh, không để yến rơi xuống đất. Song trò chơi mang hình thức thể thao này lại không chỉ đơn thuần là thể thao vì cũng rèn luyện sức khỏe, nhưng không tổ chức giải thi đấu, không có luật chơi, không phân thắng-thua.

Người chơi chỉ tung con yến và dùng bàn yến đánh qua lại giữa bạn và mình. Cũng không biết từ bao giờ, đánh yến đã trở thành một trò chơi được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng người Mông ở Quản Bạ. Quanh năm bận việc nương, rẫy, dịp Tết bà con khắp các thôn bản lại chuẩn bị cho mình bàn đánh và con yến.

Vẻ đẹp đắm say lòng người trong ngày Hội Xuân “Đánh yến”.

Một bãi đất trống được chọn trước cho ngày hội "Đánh yến".  Bàn đánh yến được làm bằng gỗ nhóm V, nhóm VI, tức là những loại gỗ tạp như xoan, sa mộc, thông… phải đảm bảo vừa nhẹ, vừa chắc và khó vỡ. Bàn đánh được làm có hai phần, phần tay cầm tròn và dài khoảng từ 15 đến 30 centimet, phần bàn đánh có độ dày sấp sỉ bằng độ dày của ngón tay, mặt hình tròn hoặc hình vuông rộng bằng một gang tay người lớn. Nhìn tổng thể gần giống với cái la-két bóng bàn. Có nơi làm mặt bàn đánh có hình vuông mỗi cạnh dài 15 centimét, phần tay cầm dài từ chừng 25 centimét.

Con yến được làm từ một đốt của cây trúc và lông gà. Đốt trúc được cắt dài khoảng từ 2 đến 3 centimet, một đầu là mấu trúc và đầu kia có lỗ để luồn 4- 6 lông cánh gà vào. Tùy theo bán kính của đốt trúc người dân sử dụng, nhưng thông thường người dân nơi đây dùng 4 lông gà cho một con yến. Và để cho con yến đẹp, lông gà phải được chọn từ con gà trống hoặc gà lôi rừng có hoa , làm sao tạo cho con yến khi đánh lên không trung có thể bay xa hay bay gần, phù hợp với người chơi là người già hay thanh niên.

Trao nhau những cánh yến yêu thương- hai đôi nam nữ dân tộc người Mông ở Quản Bạ trong trò chơi "Đánh yến".

Để tìm hiểu kỹ hơn về trò chơi này, ông Ma Khái Sò, là một nghệ nhân dân gian của xã Thái An đã chia sẻ với chúng tôi: Ở xã Thái An nói riêng và huyện Quản Bạ nói chung, trò chơi "Đánh yến" không chỉ là một trò chơi dân gian mà nó còn có là một hình thức giao duyên tìm hiểu của trai gái. Bởi khi đánh yến phải đánh theo hình vòng cung, yến được bay cao nhìn giống những con yến đang bay. Quan niệm rất lâu từ trò chơi này là  nếu đánh yến 10 phút yến không rơi, chứng tỏ đôi trai gái ấy đã có duyên với nhau. Từ đó, họ tìm hiểu nhau, nếu thấy hợp họ sẽ xây dựng cuộc sống vợ chồng. Nhưng tuyệt đối trong ngày Xuân, khi chơi yến các đôi trai gái phải gìn giữ bản thân, nếu không sẽ bị  phạt bằng luật lệ riêng của bản làng.

“Hôm nay đến hội Xuân, mình vừa được chơi đánh yến lại vừa tìm được người bạn tri kỷ, mình và anh Giàng đã đánh yến cả buổi không biết chán, cả hai đều đánh rất ăn ý với nhau, không để rơi yến lần nào…và mình mong từ cái duyên này để vào mùa đánh yến năm sau chúng mình sẽ nên đôi lứa”. Với ánh mắt hạnh phúc sáng ngời, chị Mai Thị Lan ở thôn Séo Lủng 2, xã Thái An, Quản Bạ chia sẻ thêm: “Ở bản mình không chỉ có mình mới tìm được bạn trai khi đến hội chơi yến đâu, mà còn rất nhiều cặp vợ chồng khác trong bản cũng nên duyên với nhau từ chơi yến này đấy! Hội Xuân năm nay kéo dài tới hết Rằm Tháng Giêng. Trò chơi đánh yến kéo dài từ mùng 4 tới mùng 8 Tết. Còn các trò chơi khác nữa như hát cọi, chọi dê, chọi bò”.

Đánh yến chỉ cần có hai người và một bãi đất bằng không rộng lắm, nếu có nhiều người chơi thì cần rộng hơn. Người chơi tự tìm lấy bạn của mình, con yến được tung lên là cánh bay phấp phới. Trên những khoảng đất trống, từng đôi một chuyền những cánh yến yêu thương cho cho nhau, ánh mắt nhìn nhau vấn vương, nụ cười e lệ, má cũng ửng hồng duyên dáng. Theo bà con còn cho biết, ngày xưa đánh yến duy trì một “luật” ở bà con cộng đồng người Mông, nữ mà thua là có cớ để người nam ngỏ lời xin :“đằng ấy” về làm dâu, làm con ma nhà mình thôi!...

Cổng trời Quản Bạ- Hà Giang, nơi mà được biết như vùng đất khó khăn bậc nhất đất nước, nơi người dân vất vả với mưu sinh trên đá ấy tưởng chừng làm họ khô cằn, song lại chính là nơi đã và đang vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống sâu đậm. Giữ gìn bản sắc văn hóa đâu đó còn là những khẩu hiệu mang tính phong trào, còn với người dân nơi đây, đó là chuyện hàng ngày, bởi với họ, đó cũng chính là nhu cầu. Từng tập tục, truyền thống được lưu giữ, phát huy cùng với định hướng phát triển Du lịch của tỉnh Hà Giang, chắc chắn sẽ còn góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đầy màu sắc của các dân tộc nơi đây, làm đắm say, níu chân du khách đến với vùng Cao Nguyên Đá

Huyền Nga –Vân Hà
.
.
.