TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo:

Lệch chuẩn trong lễ hội là do "mù quáng tâm linh"

Thứ Hai, 17/02/2014, 10:11
Mùa lễ hội 2014 bắt đầu, cũng là lúc các nhà quản lý tiếp tục "đau đầu" trước những "điệp khúc" nhiều năm, mà chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để: chen chúc, tranh giành, rải tiền lẻ khắp mọi chỗ, chặt chém du khách vv… Để tìm hiểu thêm về nguyên nhân, nhằm đưa ra những giải pháp, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam).
>> Lễ hội, hai sắc màu sáng - tối

- Thưa ông, đã có nhiều biện pháp quản lý lễ hội được đặt ra, nhưng các vấn nạn vẫn chưa chấm dứt. Là nhà nghiên cứu tôn giáo nhiều năm, ông có ý kiến gì về việc này?

TS Nguyễn Quốc Tuấn: Những biểu hiện lệch chuẩn trong hoạt động lễ hội cho thấy, các nhà quản lý đã làm không trúng, nhà nghiên cứu cũng nghiên cứu không trúng. Do thói quen xấu là sao chép mô hình quản lý từ người khác, mà không có phê phán và điều tra, nên không có lời giải phù hợp, lại đưa ra biện pháp cả gói, cả niềm tin lẫn hoạt động. Năm nào nhà quản lý cũng ra các quy định, chỉ thị, nhưng toàn bị bật ra khỏi cuộc sống. Vì thế, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu phải làm việc với nhau, để xây dựng cơ sở dữ liệu, tổ chức điều chỉnh hành vi, hoạt động của lễ hội. Chỉ khi hiểu rõ niềm tin và việc thực hành, mới biết và hướng người ta đi vào sự đúng đắn. Trách nhiệm của nhà quản lý lẫn các nhà nghiên cứu và truyền thông phải phối hợp, để làm cho người dân hiểu. Đang có một thực tế là nhiều phóng viên viết về lễ hội, nhưng hiểu biết còn ít, chỉ quan sát trên bề mặt, dẫn đến lệch chuẩn.

TS Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

- Thưa ông, để hướng dẫn xã hội, ý kiến của các nhà nghiên cứu, trong đó có ông, rất quan trọng. Vậy tại sao các ông lại không lên tiếng?

TS Nguyễn Quốc Tuấn: Không phải nhà nghiên cứu nào cũng đủ trình độ để nói điều này. Hơn nữa, chúng ta chưa tập hợp được những nhà nghiên cứu chuyên sâu, dày công thu thập tư liệu và nghiên cứu, tiếng nói có trọng lượng. Trong khi đó, nhà quản lý không rõ ràng trong đường hướng, nay cấm đặt nhiều hòm công đức, mai cấm sử dụng tiền lẻ ở các di tích vv… mà đều không có tác dụng, vì không dựa trên những đánh giá tin cậy, khách quan, không dựa vào các nhà nghiên cứu. Về phía người dân, nhiều người đi lễ chỉ là một đám đông phi tâm linh, vì đi theo sự rủ rê, mà không có hiểu biết, nên có hành động rải tiền lẻ, hay chụp giật, tranh giành cho riêng mình một "miếng lộc", một "miếng linh thiêng". Những người này không tạo ra được sự cố kết, cộng đồng luân lý, đạo đức - cốt lõi như hội làng xưa, mà chỉ tạo nên sự ích kỷ, khi mang tất cả những mặt trái của cuộc sống hôm nay vào tâm linh.

- Như ông phân tích, lễ hội truyền thống mang nhiều tính ưu việt. Chúng ta liệu có khôi phục được những giá trị cũ để xây dựng niềm tin cho người dân?

TS Nguyễn Quốc Tuấn: Lâu nay, chúng ta tưởng là có, nhưng thực ra là xây dựng giá trị gì? Việc xây dựng trở lại là hiếm hoi khi niềm tin đã đổ vỡ. Hiện lễ hội đang là một bức tranh hỗn loạn, dù vẫn có những yếu tố tốt đẹp, khi không ai còn chia sẻ với nhau được nữa. Trong khi đó, chúng ta chưa có sự đối thoại cần thiết để xây dựng những tiêu chuẩn chung. Xã hội đang biến chuyển, thay đổi và không phụ thuộc vào ý chí của nhà quản lý, vì là sự vận động chung.

Hội gò Đống Đa - một lễ hội truyền thống luôn được người dân quan tâm.

- Theo ông, vì sao chỉ những năm gần đây mới xảy ra hiện tượng chen lấn, xô đẩy khi đi lễ hội, tranh nhau lấy ấn hay nhét tiền lẻ vào tay tượng, gốc cây, rồi đình, đền thờ cả tượng Phật bà màu trắng?

TS Nguyễn Quốc Tuấn: Sự "mồ côi tâm linh" dẫn đến mù quáng tâm linh. Vì không ai dạy cũng như tạo cho họ môi trường tìm hiểu về thế giới tâm linh, nên không có tri thức, khiến họ trở thành đám đông phi tâm linh, phi chuẩn mực, dù chính họ đang làm những việc tâm linh. Việc nhét tiền lẻ vào tay tượng, gốc cây như một sự "tống tiền", "hối lộ" thần linh, cũng là biểu hiện của tâm lý coi thường đồng tiền. Sự hỗn loạn này do chúng ta tạo ra, vì thế, chúng ta phải cùng nhau giải quyết bằng nỗ lực của cả cộng đồng, của cả quốc gia. Tuy nhiên, điều này chủ yếu xảy ra ở các đền, chùa miền Bắc, chứ ở miền Trung và miền Nam hầu như không có, vì những nơi này được truyền dạy khá tốt về Phật giáo.

- Thưa ông, xin ông cho biết quan điểm trước việc sử dụng tiền lẻ ở các điểm tâm linh không được khuyến khích trong mùa lễ hội này?

TS Nguyễn Quốc Tuấn: Không in tiền lẻ chỉ tạo ra cầu thật-cung ảo và điều này phi qui luật kinh tế cũng như tâm linh. Bản chất của việc sử dụng tiền lẻ khi đi lễ, chỉ là sự hướng đến một thế giới linh thiêng. Tiền lẻ không phải là vật ngang giá mà là biểu tượng để người trần liên hệ với thần linh, nên nếu cấm dùng tiền lẻ, sang năm, người dân sẽ dùng thứ khác và nhà quản lý lại chạy theo? Việc sử dụng tiền lẻ như một cách để hợp nhất với thần linh, không phải chỉ có ở Việt Nam mà ở nhiều nước, từ các tộc người thiểu số ở châu Mỹ, đến các dân tộc tiến bộ ở châu Âu. Có điều, họ sử dụng một cách văn minh, để tiền xu vào hòm hay thả xuống hồ nước, chứ không ném và nhét tiền vô tội vạ như ở ta. Không thể thay thế biểu tượng bằng một hành động khác, mà phải tuân thủ và hướng dẫn. Vì thế, thay cho việc cấm, nhà quản lý phải cùng với các nhà nghiên cứu làm cho người dân bớt lầm lạc bằng việc hướng dẫn. Trước đây, các triều đại phong kiến xây dựng hệ thống thần minh kèm hệ thống nghi lễ qui chuẩn, chặt chẽ, từ cấp trung ương đến làng xã. Vì thế, chúng ta cần khôi phục lại những giá trị cốt lõi của hệ thống này, đồng thời, hướng dẫn khoa học cho người dân hiểu và thực hành.

- Hiện chúng ta đang kêu gọi khôi phục một số lễ hội, nhưng cũng xảy ra hiện tượng được gọi là "sân khấu hóa lễ hội". Ý kiến của ông về vấn đề này?

TS Nguyễn Quốc Tuấn: Tôi không cho đó là "sân khấu hóa lễ hội", mà là họ đang tạo ra những nghi thức mới với các biểu tượng và hình tượng mới, tức là tách ra khỏi truyền thống. Các nhà sử học đã cung cấp đủ dữ liệu về lịch sử, nhưng nhiều người khi "khôi phục" lại cho rằng họ có quyền sáng tạo, trong khi chuẩn không có, đã đưa đến một thứ không biết gọi là gì.

- Cảm ơn ông!

Dạ Miên (thực hiện)
.
.
.