Lễ trao giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Thứ Sáu, 17/05/2013, 09:52
Được sự đồng ý của Thường trực Ban Bí thư, tối qua, ngày 16/5, tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội (Hà Nội), Ban Tuyên giáo TW đã tổ chức Lễ trao giải sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) và báo chí xuất sắc về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chào mừng kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2013).

Dự buổi lễ có các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TW; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện lãnh đạo Quốc hội, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương v.v...    

Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TW trao giải cho các tác giả đạt giải A. Ảnh: Thiện Hoàng.

Theo TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo TW, Phó ban Thường trực BCĐ Giải thưởng, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo, đây là giải thưởng có tầm vóc, do Bộ Chính trị và Ban Bí thư chủ trương, giao cho Ban Tuyên giáo TW phối hợp với Bộ VH,TT&DL, Bộ TT&TT, UBTQLH các Hội VHNT Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các tỉnh, thành, giới văn nghệ sĩ, báo chí vv… thực hiện. 2 năm qua, đã có hàng ngàn tác giả tham gia sáng tác, quảng bá các tác phẩm, công trình bằng nhiều thể loại: báo chí, VHNT, kiến trúc, mỹ thuật, nhiếp ảnh vv… BCĐ và Hội đồng chung khảo đã lựa chọn 136 tác phẩm, công trình của các tập thể và cá nhân vào chung khảo.

Giải thưởng đã thu hút các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, ở các vùng miền tham gia. Người cao niên nhất là GS Vũ Khiêu với tác phẩm “Hồ Chí Minh - ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam”. Đảng ủy ở ngoài nước đã sưu tầm được 160 tư liệu, hiện vật, gồm các tác phẩm thơ, văn xuôi, hội họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh, do các bạn người Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ả Rập, Srilanka… sáng tác và lưu giữ, trong đó, nhiều hiện vật quí chưa từng công bố, như ảnh tư liệu của gia đình ông Patty ở Mỹ.

Các hội chuyên ngành VHNT cũng tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tác và công bố tác phẩm với việc tổ chức các trại viết chuyên đề về Bác Hồ. Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo các tỉnh, các cơ quan báo chí đã duy trì tốt chủ đề về Hồ Chí Minh trên báo, điển hình là Báo Nhân dân, QĐND, CAND, TTXVN, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam v.v… đã duy trì bền bỉ đề tài này, đồng thời, tổ chức cho phóng viên về các đơn vị, các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, như Trường Sa, tìm tòi giới thiệu các nhân tố mới, tập thể điển hình, đồng thời, tổng kết, rút ra những vấn đề nên phát huy hay cần khắc phục.

TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: Cuộc sống đã dội vào các tác phẩm báo chí với những cảm xúc mới. Các vấn đề xã hội đang quan tâm được các tác giả nắm bắt, tạo nên hình tượng nghệ thuật đẹp, như bảo vệ chủ quyền biển đảo được phả vào nhiều tác phẩm. Bên cạnh phản ảnh tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, các văn nghệ sĩ còn đi sâu phản ánh, quảng bá phong cách giản dị, chí công vô tư, thương yêu mọi người, phát huy tính dân chủ của Hồ Chí Minh. Có tác phẩm còn mang tính phát hiện, như “Người mang đạo đức Hồ Chí Minh vào Phật pháp”, khắc họa biểu tượng người mẹ Việt Nam tảo tần, chịu thương chịu khó v.v… qua hình ảnh cụ thân sinh ra Bác.

Nét mới ở giải thưởng lần này là qui định, ngoài chất lượng tác phẩm, tác giả cũng phải là người có phẩm chất tốt. Không chỉ người Việt Nam ở trong nước mà người Việt Nam ở nước ngoài cũng được xét trao giải, như tác giả Nguyễn Minh Châu với tập thơ “Cảm xúc xuân”, thậm chí, người nước ngoài có tác phẩm nổi bật cũng được trao giải, như K.T.A Ghihan Thennakoon, người Srilanka, với bức vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiết mục trong đại nhạc hội “Bác Hồ với đại đoàn kết các dân tộc”. Ảnh: Thanh Hằng.

Theo TS Nguyễn Thế Kỷ, các tác phẩm được trao giải A đều vượt trội về chất lượng. GS Phong Lê đã có tác phẩm chuyên khảo sâu sắc “Thơ văn Hồ Chí Minh – những giá trị vĩnh cửu” và GS Trần Văn Giàu với “Hồ Chí Minh - chân dung một tâm hồn và trí tuệ vĩ đại” rất giá trị. Đêm nhạc “Bác Hồ với đại đoàn kết các dân tộc” của Tổng cục XDLL-CAND qui mô hoành tráng, được truyền hình trực tiếp, tạo được ấn tượng với công chúng; Công trình tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên với sự sáng tạo, kỳ công của nhiều người, được công chúng biết đến là một công trình trọn vẹn cả về mỹ thuật lẫn tư tưởng. Kịch bản “Thầu Chín ở Xiêm” (Đinh Thiên Phúc) nói về giai đoạn Bác Hồ ở Thái Lan, với tình cảm sâu nặng của Việt kiều đối với đất nước, dân tộc. Kiến trúc ngôi trường Bình Dương của KTS Võ Trọng Nghĩa được đánh giá cao bởi sự thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện ở địa phương; hay “Tây Nguyên với Bác Hồ” là tập truyện sưu tầm rất bổ ích v.v…

Lực lượng CAND có các giải:

* Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL - Bộ Công an, Tổng Biên tập Báo CAND được tặng giải A về quảng bá tác phẩm, với việc đạo diễn chương trình “Bác Hồ với đại đoàn kết các dân tộc”.

* NSƯT Thúy Hiền, Đoàn kịch CAND, được trao giải B về quảng bá tác phẩm.

* Tác giả Trần Quang Tám, Cục A73, Tổng cục An ninh, được trao giải B với loạt bài “Phong cách làm việc Hồ Chí Minh và những bài học đối với cán bộ, chiến sĩ CAND”.

* Tác giả Phạm Thường Khanh, Viện Chiến lược và Khoa học Công an, được trao giải C với tác phẩm báo chí “Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân cách người Công an cách mạng”.

* Nhà thơ Hồng Thanh Quang, Phó TBT Báo CAND, được trao giải khuyến khích cho tác phẩm “Muốn cho dân tin phải thanh khiết”.

* Tác giả Đoàn Xuân Tuyến, Báo Công an TP Hồ Chí Minh đoạt giải khuyến khích với “Nhớ lời dạy của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Làm Công an thì phải trong sạch, lành mạnh”.

Chương trình ca múa nhạc “Bác Hồ với đại đoàn kết các dân tộc” do Tổng cục XDLL – Bộ Công an tổ chức, là một đại nhạc hội có qui mô hoành tráng, được dàn dựng theo phong cách độc đáo và hấp dẫn. Đêm nhạc đã thu hút nhiều giọng ca tên tuổi trên cả nước, cùng một đội ngũ diễn viên, ca sĩ hùng hậu, đã tạo được ấn tượng với khán giả. Tinh thần “sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc là nền tảng làm nên thời đại Hồ Chí Minh” xuyên suốt chương trình, cùng những thông điệp lớn lao qua các chủ đề, đã đưa các ca khúc tiêu biểu về Hồ Chủ tịch tái ngộ với công chúng yêu âm nhạc. Mỗi hình ảnh, câu chuyện về Người đã mang cho khán giả cái nhìn bao quát về vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc.

Để đêm nhạc trở thành món quà tri ân mang ý nghĩa sâu sắc với vị Cha già của dân tộc, từng ca khúc đều được ekip dàn dựng lựa chọn cẩn trọng, với tiêu chí tiêu biểu, được công chúng yêu mến qua thời gian: Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” (nhạc sĩ Chu Minh) và “Đường chúng ta đi” (thơ: Xuân Sách, nhạc: Huy Du), “Lời Bác, lời của non sông” (sáng tác: Hữu Ước), “Suối Lê Nin” (thơ: Trần Văn Loa, nhạc: Phạm Tuyên), “Trông cây lại nhớ tới Người” (sáng tác: Đỗ Nhuận) v.v… Các ca sĩ thể hiện các bài hát cũng đều là những giọng ca danh tiếng: NSƯT Thanh Vinh, NSƯT Ngọc Khang, NSƯT Đức Long, NSƯT Việt Hoàn, Anh Thơ, Đăng Dương v.v… đủ sức thổi vào những ca khúc đi cùng năm tháng không gian mới lạ và đầy sáng tạo. Chương trình còn đặc biệt khi hội tụ nhiều giọng ca của các dân tộc thiểu số rất được yêu thích như A Mư Nhân, Y Vol, Y Gari, Ploongthiet… Đêm nhạc còn có một tiết mục đặc sắc: ca khúc “Người là Hồ Chí Minh” (sáng tác: Ewan MacColl) do 4 ca sĩ nam người nước ngoài cùng 4 nữ ca sĩ Việt Nam biểu diễn. Tốp nghệ sĩ đa sắc tộc biểu tượng của mối tình hữu nghị, đoàn kết giữa các châu lục, điều khi sinh thời, Hồ Chủ tịch luôn coi trọng, cũng là thể hiện tình cảm của bạn bè quốc tế với Bác Hồ kính yêu.

Mong muốn của những người làm chương trình là, mỗi tiết mục trong đại nhạc hội là một sự mới lạ, một ấn tượng đẹp cho người xem đã trở thành sự thật. Bởi thế, lắng lại sau đêm nghệ thuật là dư âm ngọt ngào về những ca khúc, cùng bao tình cảm sâu nặng dành cho Bác kính yêu. Đó cũng là tấm lòng của các nghệ sĩ, ca sĩ gửi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.

4 giải A về quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí, gồm:

- Chương trình ca múa nhạc “Bác Hồ với đại đoàn kết dân tộc”của Tổng cục XDLL – Bộ Công an tổ chức, do nhà văn, Trung tướng Hữu Ước và tập thể đạo diễn, diễn viên, nghệ sĩ xây dựng.

- Nhà hát Ca Múa Nhạc nhẹ Việt Nam

- Báo Nhân dân

- NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật

“Hồ Chí Minh, ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam” của GS. Anh hùng Lao động Vũ Khiêu được TS Nguyễn Thế Kỷ đánh giá “là tác phẩm có tầm vóc”. Cuốn sách dày hơn 400 trang, do NXB Chính trị quốc gia ấn hành, là một công trình chuyên khảo với nhiều thông tin, tư liệu có giá trị lớn về tư tưởng, đạo đức và văn hóa Hồ Chí Minh. Tác phẩm là kết quả mà vị giáo sư khả kính đã dồn bao tâm huyết, trí lực và thời gian nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, về tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó tư tưởng đạo đức và văn hóa của Hồ Chí Minh là sợi chỉ xuyên suốt. Với sự trình bày khoa học, khúc triết và giản dị, GS Vũ Khiêu đã cung cấp một lượng thông tin khổng lồ và bổ ích, cùng những cảm nhận mới về sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh, để làm rõ hơn tầm vóc, ảnh hưởng và giá trị nhiều mặt về nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh đối với dân tộc, với thế giới và thời đại. Công trình này thêm một lần khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh là một di sản tinh thần vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta, nhân dân ta và Đảng ta; là một đóng góp đầy tự hào của Việt Nam vào kho tàng tư tưởng, văn hóa của nhân loại.

Công trình của GS Vũ Khiêu thực sự là một dấu ấn mới trong chuỗi thành tựu nghiên cứu về Hồ Chí Minh, đem đến cho bạn đọc những thông tin giá trị lớn lao về tư tưởng Hồ Chí Minh, về đạo đức và văn hóa Hồ Chí Minh.

Gần 20 năm công tác ở Đoàn Kịch nói CAND, NSƯT Thúy Hiền đã liên tục gặt hái thành công: Ngay khi bước chân vào nghề, chị đã giành giải Bạc tại Liên hoan sân khấu nhỏ năm 1996. Trong cuộc thi Tài năng sân khấu trẻ toàn quốc năm 1998, Hiền lại giành Huy chương Bạc (không có giải Vàng). Năm 2009, với vở "Hoa hải đường", chị được trao Huy chương Vàng, sau đó, tiếp tục giành giải Vàng cho vai Trung tá Công an Kim Sen trong "Hoa thép". Diễn xuất có nội tâm của Thúy Hiền đã khiến các các bậc trưởng lão trong làng sân khấu Việt Nam như NSND Đình Quang, NSND Đoàn Dũng, NSND Thế Anh… đều phải khen ngợi. Vì thế, năm 2011, chị tiếp tục giành Huy chương Vàng tại Liên hoan sân khấu hài toàn quốc và năm 2012, là Huy chương Bạc trong “Tôi là người Việt Nam”… Chị đã vinh dự được bầu là Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND và là đại diện duy nhất của Bộ Công an tham gia sự kiện "Con tàu thanh niên Đông Nam Á" của 9 nước.

Mỗi vai diễn của Thúy Hiền đều để lại những ấn tượng mạnh với khán giả, góp phần xây dựng hình tượng người chiến sĩ CAND với những phẩm chất cao đẹp trong lòng nhân dân.

Dạ Miên
.
.
.