Lễ khai ấn đền Trần: Giàu tính truyền thống và an toàn

Thứ Hai, 25/02/2013, 14:28
Lễ dâng hương, lễ khai ấn đền Trần năm nay được chính quyền, người dân địa phương thực hiện một cách trang trọng, trật tự, giàu tính truyền thống. Góp phần không nhỏ cho thành công này là các cán bộ, chiến sỹ Công an.
>> Nam Định triển khai phương án tổ chức Lễ hội Khai ấn Đền Trần

Nô nức trẩy hội đền Trần

Lễ hội đền Trần diễn ra trong cả tháng Giêng. Riêng lễ dâng hương, khai ấn với ý nghĩa lớn lao là cầu mong thiên hạ thái bình, thịnh trị và phát ấn diễn ra đêm 14 đến hết ngày 20 tháng Giêng. Ý thức được ý nghĩa đặc biệt của lễ khai ấn vào giờ Tý đêm 14 tháng Giêng nên từ sáng sớm, bà con các tỉnh, thành trong cả nước kéo về khu Di tích lịch sử văn hóa Trần rất đông.

Không khí lễ hội náo nức ngay từ đầu quốc lộ 10, đoạn bắt đầu vào thành phố Nam Định. Mới giữa buổi sáng nhưng chúng tôi bắt gặp rất nhiều đoàn khách thập phương kính lễ tại các di tích nằm trong khu di tích lừng danh gắn bó với lịch sử, văn hóa nhà Trần với hào khí Đông A lẫy lững trong chính sử.

Cô Lê Thị Thắm sống tại huyện Bá Thước, một huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa cho biết, đoàn của cô khởi hành từ 4h sáng. Lòng thành thắp nén hương kính lễ các vua Trần, ngắm tháp Phổ Minh cổ kính trong ngôi chùa cùng tên nổi danh, cô thấy mình không uổng công khi vượt qua bao đèo dốc, đường đất để tới đây. “Đoàn chúng tôi sẽ ở đây đến quá nửa đêm để tham dự lễ khai ấn”, cô Thắm cho biết. Cô Thắm cũng mong sáng sớm hôm sau sẽ xin được lá ấn để mang về.

Anh Nguyễn Đăng Sơn, sống và làm việc lâu năm tại TP HCM trong tour đi lễ đầu năm ở miền Bắc cũng xếp lịch ghé đền Trần. Anh đến đền Trần với quan niệm, đây là điểm di tích lịch sử, văn hóa gắn với triều đại đã 3 lần chiến thắng quân Nguyên. “Tôi không đặt nặng vấn đề xin ấn mà đến đây với tâm nguyện cầu bình an”, anh Sơn nói. Thế nên, sau khi thành tâm kính lễ, anh Sơn và nhiều người trong đoàn lại tiếp tục hành trình du xuân mà không đợi đến 7h sáng hôm sau để xin ấn.

Năm nào cũng đến khai ấn đền Trần. Năm nào cũng chứng kiến lượng người tham dự rất đông nên trong buổi sáng, anh Trần Văn Toán, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã đi lễ hết 10 điểm trong khu di tích. Để tránh đám đông, anh dự kiến trong giờ khai ấn sẽ đứng bên ngoài vái vọng… “Quan trọng là mình có mặt tại đền Trần vào giờ khai ấn chứ không nhất thiết phải cố len vào bên trong”, anh Toán cho biết.

Rất, rất nhiều khách thập phương chúng tôi gặp trong lễ khai ấn đền Trần đến đây với ý niệm được có mặt trong canh giờ Tý – giờ bậc cao niên của địa phương làm lễ khai ấn truyền thống. Nhiều người dân không đặt nặng việc phải lấy bằng được ấn để mong được thăng quan, tiến chức; để được lộc, được tài… cho thấy, nhận thức lễ khai ấn, giá trị cái ấn dần được hiểu đúng.

Cung kính dâng lễ vật vào đền.

Việc Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, chính quyền tỉnh Nam Định chấn chỉnh lại công tác tổ chức lễ khai ấn đền Trần, tuyên truyền để người dân hiểu đúng về nghi lễ này giúp người dân có nhận thức đúng khi tham gia lễ hội. Chính vì, lễ khai ấn năm nay bớt đi những hình ảnh chen lấn, xô đẩy, “chặt chém” khách… rất phản cảm.

An ninh trật tự đặc biệt được bảo đảm

Gần chục chốt giao thông nằm trong tuyến huyết mạch đến khu Di tích lịch sử, văn hóa Trần từ sáng sớm đã có các tổ CSGT và lực lượng hỗ trợ ứng trực. Bãi trông xe tự phát “mới nhú” bị dẹp ngay… Thế nên, kể cả vào giờ cao điểm (17h ngày 23/2 đến 1h30 ngày 24/2), quốc lộ 10, đoạn qua khu di tích, giao thông luôn được thông suốt, trật tự an toàn được đảm bảo.

Chúng tôi gặp Trung tá Nguyễn Văn Tiếp, Đội trưởng Đội CSGT, Công an thành phố Nam Định khi anh đang trên đường tuần tra. Anh cho biết, ngoài lực lượng CSGT của Phòng CSGT tham gia điều hành giao thông, Công an tỉnh đã điều động thêm cán bộ, chiến sỹ của Công an huyện Nam Trực – huyện lân cận tham gia đảm bảo ATGT.

Không chỉ có Công an thành phố Nam Định, Ban Giám đốc Công an tỉnh Nam Định đã tổ chức, điều động các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc tham gia làm công tác đảm bảo ANTT trong lễ hội đền Trần. Việc tổ chức, bố trí lực lượng hợp lý không chỉ đảm bảo trật tự mà còn ngăn chặn các hoạt động phạm pháp như trộm cắp, lợi dụng kiếm tiền bất chính…

Chúng tôi được biết, trong lễ hội đền Trần năm nay, công tác đảm bảo ANTT được Ban tổ chức đặc biệt coi trọng. Bà Cao Thị Tính, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định, Trưởng ban tổ chức lễ hội đền Trần cho biết, để lễ hội tổ chức quy củ, đúng truyền thống và an toàn, có 4 tiểu ban được thành lập: Tiểu ban nghi lễ (do các cụ cao tuổi, nhà đền, người dân địa phương là thành viên; Tiểu ban An ninh (do lực lượng Công an làm nòng cốt); Tiểu ban tuyên truyền (Phòng Văn hóa Thông tin thành phố chủ trì); Tiểu ban hậu cần (Ban quản lý khu di tích thực hiện).

Tiểu ban An ninh do đồng chí Trưởng Công an thành phố Nam Định là Trưởng tiểu ban. Được sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Nam Định và phối hợp của các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh, Tiểu ban An ninh trong lễ hội đền Trần đã triển khai tốt các vị trí công tác, đặc biệt bảo vệ thành công lễ dâng hương và lễ khai ấn đêm 14 tháng Giêng.

Nét mới trong tổ chức lễ khai ấn đền Trần năm nay là Ban tổ chức chỉ phát một loại giấy mời cho các đại biểu tham dự; tổ chức phát ấn trong 5 ngày (từ 7h sáng ngày 15 đến 20 tháng Giêng) tại 3 điểm: đền Thiên Trường, đền Trùng Hoa; đền Cố Trạch.

Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND phường Lộc Vượng cho biết, việc phát ấn do Hội Cựu chiến binh phường thực hiện. Năm nay, chỉ có 1 loại ấn giấy duy nhất được phát ra. Ngay sau lễ khai ấn, chỉ có 10 bảng ấn được đóng và chuyển về các điểm thuộc quần thể đền Trần để thờ. Việc phát ấn cho khách được thực hiện đồng loạt vào sáng ngày mười Rằm.

“Cách tổ chức năm nay có nhiều cải tiến, khoa học hơn nên đảm bảo tính trang nghiêm và đáp ứng mong muốn của khách thập phương khi về đền Trần xin ấn” tránh được cảnh chen lấn xô đẩy để xin ấn ngay trong đêm.

Trần Đức Hậu, trai đinh của làng Tức Mạc, phường Lộc Vượng 7 năm liền cầm cờ vua trong đoàn rước kiệu rất tự hào khi được các cụ cao tuổi, bà con trong thôn giao nhiệm vụ dẫn đầu đoàn rước. Hậu cho biết, trong đoàn rước kiệu có 27 thanh niên nam nữ và hầu hết là họ Trần. Họ là những người con ngoan, là thanh niên tiến bộ được các bậc cao niên “chọn mặt gửi vàng”.

“Em rất vinh dự khi là thành viên của đoàn rước kiệu”, cháu Trần Công Cường, học sinh lớp 11, lần đầu tiên được ghi danh trong đoàn rước cho biết.

Lễ dâng hương, lễ khai ấn đền Trần năm nay được chính quyền, người dân địa phương thực hiện một cách trang trọng, trật tự, giàu tính truyền thống. Góp phần không nhỏ cho thành công này là các cán bộ, chiến sỹ Công an. Lễ hội đặc biệt quan trọng trong mùa xuân của thành Nam sẽ níu chân nhiều du khách trong nhiều ngày tới, và các anh vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn cho nhân dân du ngoạn đầu năm

Cao Hồng – Việt Hà
.
.
.