Lễ hội Từ Lương Xâm: Thành kính tri ân người Anh hùng dân tộc Ngô Quyền
Lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ mùng 1 đến mùng 3/3, tức từ 16 đến 18 tháng Giêng năm Canh Dần nhân dịp kỷ niệm 1.072 năm chiến thắng Bạch Đằng lịch sử và 1.066 năm Ngày mất của Đức vương Ngô Quyền - vị Anh hùng dân tộc đã có công làm nên chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng năm 938. Năm nay, lễ hội diễn ra với quy mô lớn hơn mọi năm.
Đức vương Ngô Quyền sinh tháng 3 Đinh Tỵ (năm 897), ở ấp Đường Lâm, Ba Vì (Hà Nội), mảnh đất đã sản sinh và nuôi dưỡng Phùng Hưng, người Anh hùng của cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ nhà Đường thế kỷ thứ 7. Sau chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, giữ yên bờ cõi đất nước, Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa. Ông mất ngày 18 tháng Giêng năm 944.
Chiến thắng quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền ghi những trang sử vàng chói lọi, hào hùng về ý chí tự lực, tự cường, lòng yêu nước, thương dân. Chiến công vĩ đại này chấm dứt nền thống trị hơn một nghìn năm đêm trường Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc ta.
Với công đức của Ngô Quyền, nhiều triều đại đã ban sắc phong suy tôn là "Thượng đẳng tối linh đại vương"; là "Ngô vương Thiên tử"; và là "Vị Tổ trung hưng của dân tộc". Năm 1880, vua Tự Đức ban sắc phong 17 xã thờ Ngô Quyền; đồng thời, phong 6 tổng thờ Ngô Quyền. Trong số di tích thờ Ngô Quyền, từ Lương Xâm - đại bản doanh của Ngô Quyền năm 938, được suy tôn là "Từ cả".
Hiện trong từ Lương Xâm còn lưu giữ được 125 hiện vật, cổ vật có giá trị và 25 bản sắc phong có niên hiệu từ năm 1522 đến năm 1924. Trong đó, nhiều sắc phong suy tôn Ngô Quyền là "Ngô vương thiên tử" và "Thượng đẳng tối linh đại vương". Để ghi nhớ công lao to lớn của ông, dân gian đã truyền tụng câu ca:
Ngô Quyền sinh ở Đường Lâm
Cứu dân thoát khỏi đường lầm tối tăm
Lễ hội từ Lương Xâm cũng như các lễ hội tại các di tích thờ Ngô Quyền trên địa bàn quận Hải An là dịp để nhân dân ta ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc và tấm gương, công đức của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền. Trong thời điểm diễn ra lễ hội, tại đây có nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao như: Chương trình trống hội và múa lân, rồng của Nhà Hát Chèo Việt Nam, cờ tướng, đập niêu, đu tiên, bịt mắt bắt dê, giải bóng đá thanh niên, giải bóng chuyền Công - Nông - Binh và nhiều trò chơi dân gian khác...
Được biết, năm 1986, Từ Lương Xâm được xếp hạng Di tích lịch sử, kiên trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Năm 2006, Nhà nước đã dầu tư 13 tỷ đồng để trùng tu công trình này. Đến năm 2009, nhân dân địa phương đã tự nguyện hiến trên 2.000m2 đất để mở rộng đường và làm nơi gửi xe, góp phần mở rộng cảnh quan, thu hút du khách thập phương