Lễ giỗ Tổ nghề hát xẩm

Thứ Tư, 03/04/2013, 18:00
Ngày 2/4, tại Đình Đền Hào Nam, Hà Nội, Trung tâm phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã tổ chức Lễ giỗ Tổ nghề hát xẩm.

Tại đây, GS-TS Phạm Minh Khang, Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam cho biết, nhằm đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn, phát triển văn hóa dân gian Việt Nam nói riêng và âm nhạc Việt Nam nói chung, những năm qua, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam đã cùng các nghệ nhân, nghệ sỹ nỗ lực khôi phục và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian này.

Hiện nay, vào tối thứ 7 hàng tuần, Trung tâm tổ chức các buổi hát Xẩm tại chợ Đồng Xuân để nhân dân Thủ đô thưởng thức âm nhạc cổ truyền dân tộc.

Hai năm qua, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam còn liên kết với Học viện âm nhạc Huế tổ chức đào tạo âm nhạc dân gian khóa đầu tiên cho 16 sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên này sẽ trở thành những nhà nghiên cứu âm nhạc nói chung và âm nhạc dân gian nói riêng.

Được biết, xẩm là loại hình âm nhạc dân tộc đã có hơn 700 năm nay. Theo truyền thuyết, vào đời nhà Trần, hoàng tử Trần Quốc Đĩnh mù mắt bị bỏ trong rừng sâu, được Bụt dạy cho cách làm một cây đàn với dây đàn làm bằng dây rừng và gẩy bằng que nứa. Tỉnh dậy, ông làm theo lời dạy của Bụt thì thật lạ kỳ, cây đàn vang lên những âm thanh rất hay thu hút sự chú ý của muôn loài. Trần Quốc Đĩnh đã dạy đàn cho những người nghèo, người khiếm thị. Tiếng đồn về những khúc nhạc của ông lan đến tận hoàng cung. Vua Trần Thánh Tông vời ông vào hát và nhận ra đó là con mình.

Trở lại đời sống cung đình nhưng Trần Quốc Đĩnh vẫn tiếp tục mang tiếng đàn, lời ca dạy cho người dân để họ có nghề kiếm sống. Hát Xẩm đã ra đời từ đó, còn Trần Quốc Đĩnh được suy tôn là ông tổ nghề hát xẩm. Người dân lấy ngày 22/2 và 22/8 âm lịch làm ngày giỗ của ông

Hải Châu
.
.
.