Lê Mai mừng vì chia tay Trần Tiến
Lê Mai hiện tại và Lê Mai hồi trẻ trong bức hình đen trắng phía sau. Ảnh: VNE. |
- Năm hết Tết đến, chỉ có một mình trong ngôi nhà nhỏ, bà cảm thấy thế nào?
- Tuổi của tôi giờ rất sợ Tết nhưng phong tục cổ truyền thì phải tôn trọng thôi. Con gái Lê Khanh ở ngay đằng sau nhà. Trước tôi sống với Lê Vy trên Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) cho đến khi Vy về Pháp. Tôi ở đó một mình hai năm, nhưng Khanh không yên tâm vì e mẹ ốm đau không có ai bên cạnh, mời mẹ về nhà. Tôi không muốn về nên đặt điều kiện cho tôi ăn riêng ở riêng. Không ngờ Khanh thương mẹ, dành dụm 800 triệu đồng mua căn hộ nhỏ đón tôi về.
Tôi có ba cô con gái thì ba cô đều quý bố mẹ. Tuy Trần Tiến sống riêng nhưng các con vẫn thường xuyên đến thăm bố. Tôi ở với Khanh, suốt ngày được Khanh chăm sóc, bữa nào cũng mang đồ ăn sang. Đúng là “có bát canh cần nó cũng mang cho”.
- Ngày xưa, tư tưởng trọng nam khinh nữ rất nặng nề còn bà chỉ có ba cô con gái. Trong hoàn cảnh đó, bà nghĩ gì?
- Tôi tự hào mình đã làm gương sáng cho những người sinh con một bề. Người ta cứ bảo: Việc gì mà lo với buồn, đẻ con gái như bà Mai có phải sướng không?
Ngày ấy tôi may mắn không chịu sức ép nào. Trần Tiến mồ côi từ sớm, anh chị em cũng không có ý kiến gì. Quy lại nó là cái số, không có con trai đâu phải tội lỗi của người đàn bà? Gia đình bên nội, bên ngoại đều rất vui, không ai chê trách tôi điều gì.
Đến giờ này tôi thấy hú vía. Chưa biết chừng có cậu quý tử thì chết mệt. Nhiều gia đình có một con trai nên chiều khiến nó hư, bố mẹ đối xử không công bằng khiến con gái cũng là khúc ruột của mình mà phải chịu thiệt thòi.
- Trong nhà bà có rất nhiều ảnh. Nó nhắc nhở bà ra sao về những hoài niệm?
- Khi tôi còn bé, mẹ thường chụp ảnh ghi lại từng bước chuyển biến của tôi, đến khi có con, tôi cũng làm thế cho chúng. Tôi rất trân trọng những bức ảnh vì nó lưu giữ kỷ niệm cho mình. Các con tôi trêu, bà nghiện ảnh. Tôi có không biết bao nhiêu ảnh mà kể, đến mấy chục cuốn album. Lê Vân hay đùa: “Khi nào mẹ trăm tuổi phải lo hai áo quan, một cái để ảnh, một cái để bà”. Hồi sang Pháp thăm Vy, tôi mua bức ảnh chụp thành phố Vy ở, về treo trên tường nhìn cho đỡ nhớ con.
Không những tôi ưu ái Vy mà hai chị của Vy cũng ưu ái em mình. Vy là người may mắn và hạnh phúc nên tôi rất yên tâm. Vy sống trong ngôi biệt thự cổ trên quả đồi 6.000 m rất đẹp.
Mỗi khi rảnh rỗi, Lê Mai hay giở những bài báo về Lê Vy ra đọc cho bớt nỗi nhớ con. Ảnh: VNE. |
- Ngoài Lê Khanh, Vân - Vy lận đận về tình duyên. Là người mẹ, bà cảm thấy thế nào?
- Không sao, miễn là hai đứa thấy hạnh phúc. Người ngoài nhìn thấy lận đận nhưng bản thân Vân - Vy vừa ý là được rồi.
- Khi Vân xuất bản sách “Lê Vân - yêu và sống”, bà nghĩ sao về việc Vân mang chuyện nhà ra kể, vạch áo cho người xem lưng?
- Đó là những chuyện Vân kể lại chứ thiên hạ biết từ mấy chục năm trước rồi. Khi sách của Vân ra, rất nhiều phản ứng trái chiều nhưng tôi vẫn ủng hộ Vân vì tôi thấy đúng. Tôi vốn không tin có những điều hoàn hảo. Nhà nào cũng phải có chuyện, chỉ có điều họ nói ra hay không mà thôi. Tôi sống được đến bây giờ và hiểu ra, cuộc đời phải thế, không có gì là xấu hay đáng trách cả. Vân muốn bộc bạch ra cho nhẹ người đi. Vân thanh thản là tôi mừng rồi.
Khi ấy, Trần Tiến có hơi giận Lê Vân vì bị đột ngột nhưng sau đó, ông ấy bình thường ngay. Đến giờ, ông ấy còn đến nhà Vân nhiều hơn tôi. Vân vẫn ở Thụy Khuê, chồng về hưu nhưng hai vợ chồng không muốn về Hà Lan. Vân bảo chồng, lúc nào muốn về Hà Lan cũng được, ở bao lâu cũng được rồi lại sang Việt Nam, chứ bắt Vân sang đó sống hẳn thì buồn lắm.
- Trong ba chàng rể cả Tây và Việt, bà ưng ý người nào nhất?
- Chồng Vân có khoảng cách với tôi và gia đình vì anh ấy không biết tiếng Việt, nói chuyện phải qua Vân biên dịch, nhưng rất tình cảm, sống có đầu, có đuôi. Chồng Vy thì khá hơn, là người Pháp nhưng rất giỏi tiếng Việt và rất yêu văn hóa Việt. Bố mẹ anh ấy cũng vậy. Vì thế khi sang Pháp, tôi có cảm giác được ở nhà mình.
Tuy nhiên tôi vẫn nói với tất cả bạn bè: May mà mình vẫn có một chàng rể Việt. Chàng rể Việt còn biết phong tục của mình, ý thích của mình, đón được những điều các bà mẹ Việt thích như đi đình, đi chùa. Chồng Lê Khanh biết tôi yêu hoa mai, năm nào cũng mua tặng mẹ một cành mai hoặc ăn uống có gì ngon như mắm tép, giả cầy đều mời bà vào ăn. Rể Tây sao biết được những điều ấy. Rể Tây chỉ ăn bơ và xúc xích thôi.
Lê Mai trong "Bà nội không ăn pizza". Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
- Được con gái yêu thương, con rể quan tâm nhưng phải sống một mình, bà cảm nhận thế nào về nỗi cô đơn?
- Cũng nhiều lúc thấy buồn nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi bây giờ quá sướng rồi. Phải xác định con cái lớn lên có gia đình sẽ không thể ở với mẹ, cũng như mình ngày xưa lấy chồng ở Hà Nội, bỏ mẹ lại Hải Phòng. Đó là cái nợ đồng lần. Ngày Vy mới sang Pháp gọi cho tôi khóc rất ghê: “Con bám đuôi mẹ từ lúc lọt lòng, bây giờ con đi bỏ mẹ một mình lủi thủi, con thương mẹ quá”, tôi phải mắng: “Con đừng khóc. Chồng con ở Việt Nam 10 năm, nó có khóc không” - dù trong lòng tôi khóc ngấm ngầm.
Về chuyện tôi và Trần Tiến không thể sống chung với nhau như những đôi vợ chồng khác, nói thật tôi mừng lắm. Mười người đàn ông chín ông ỷ lại vào phụ nữ. Người đàn bà nào cũng có thiên chức nuôi con hầu chồng. Bây giờ tôi không phải hầu ai, tôi chỉ hầu tôi thôi. Tôi được hoàn toàn tự do. Đến ở với con tôi còn không muốn ở cơ mà. Tôi khá cứng cỏi trong cuộc sống. Thời điểm ly hôn mình không tránh được những khi rơi nước mắt, khi ấy tôi mới ngoài ba mươi. Nhưng tôi không để mình ngã quỵ, không chịu lụy ai. Có chết tôi cũng phải tự mình gắng gượng vượt lên để thấy rằng, không gì làm mình đau khổ được. Gần bốn mươi năm kể từ ngày ly hôn, bây giờ mỗi khi con cái mời đến ăn cơm, chúng tôi vẫn cùng lên nhưng không bao giờ trò chuyện, chỉ nói chuyện với con thôi.
Tôi thấy may mắn vì trải qua rất nhiều sóng gió trong cuộc đời, hiện tại tôi rất bình yên và hạnh phúc. Trong buổi chúc Tết của Nhà hát kịch Hà Nội, được đề nghị phát biểu, tôi nói một câu rằng: Tôi đóng mẹ diễn viên Thanh Tú trong Bà nội không ăn pizza nghĩa là tôi già lắm rồi và tôi đọc mấy câu thơ của mình: "73 tuổi đâu còn trẻ / Chán cả tình đời chán cả tôi / Chỉ mong trời đất ban cho khỏe / Trút hết hơi tàn cho phim thôi".
- Vai diễn trong “Bà nội không ăn pizza” rất hài hước, khác biệt so với những vai trước bà từng đảm nhận, bà cảm thấy thế nào về vai diễn này?
- Tôi không bao giờ dám mơ mình có một vai hay như thế ở tuổi 73. Vì thế khi nhận kịch bản tôi vui lắm. Bà cụ tưởng lẫn cẫn nhưng rất thông minh, sáng suốt điều khiển tất cả, cái gì bà cũng biết nhưng cứ hả với hử khiến đôi khi con cháu phải than: “Bà không biết thật hay bà giả vờ không biết?”. Nhân vật này có nhiều nét giống tôi. Cả hai đều chủ động trong mọi thứ, không bao giờ đòi hỏi con cháu điều gì, rất thông cảm với các con, luôn độc lập tự lo nhưng không vì thế giảm sự sáng tạo. Đi còng lưng, nói năng ậm ừ hay “hả, hử” là những điều tôi phải tập.
Trong cuộc đời, tôi đóng rất nhiều dạng vai. Trước đây tôi tưởng Bạch Diệp trong Vui buồn sau lũy tre làng, vợ ông thứ trưởng chuyên vơ vét, giả làm mừng thọ mẹ chồng để thu phong bì đã là nhất với tôi. Thời xa xưa, tôi từng đóng những vai giống mình đến phát nhàm. Khi ấy tôi nói với đạo diễn Cường Việt: “Em ơi đóng người tốt mãi, chị chán quá rồi, cho chị đổi vai”. Cường Việt hỏi tôi có biết lên đồng không, tôi không biết nhưng cứ nhận bừa và được giao cho đóng vai đồng bịp trong phim Chập cheng. Kể từ đó tôi không quay lại được những vai hiền ngày xưa nữa. So sánh với đồng bịp hay vợ ông thứ trưởng, bà nội là vai tôi thích nhất, nhiều đất diễn nhất.
Tôi tự hào với bạn bè, 73 tuổi vẫn đi được xe máy. Suốt gần ba tháng trời tham gia Bà nội không ăn pizza, tôi đi từ sáng đến 23-24h. Đoàn phim muốn cử người đưa đón nhưng tôi bảo tôi tự đi được, có phải vườn trẻ đâu mà kèm. Ấy thế mà đêm nào, các anh trong đoàn cũng bí mật cho người đi theo đề phòng bất trắc làm tôi rất cảm động