“Lâu đài cát” của Nhà hát kịch Việt Nam: “Lột mặt nạ” lối sống thiên về đạo đức giả

Chủ Nhật, 09/03/2014, 12:30
Nhà hát kịch Việt Nam vừa ra mắt vở “Lâu đài cát” (Mặt nạ người) của tác giả Nguyễn Đăng Chương, do NSƯT Anh Tú đạo diễn. Đây là vở diễn do chính Bộ trưởng Bộ VHTT&DL chỉ đạo dàn dựng.

Câu chuyện kịch thu hút khán giả ngay từ phút đầu, khi phản ánh một lối sống khá phổ biến đang tồn tại cả trong xã hội lẫn gia đình hiện nay. Đó là thói đạo đức giả. Gia đình ông Quân – bà An là một gia đình tứ đại đồng đường, có nền tảng văn hóa, luôn tỏ ra coi trọng đạo lý. Mỗi khi họp gia đình, đều phải thắp hương trầm, phải rửa tay sạch sẽ với những lời thưa gửi vô cùng thận trọng. Tuy nhiên, đó chỉ là vẻ bên ngoài được che đậy bởi những mặt nạ của các thành viên trong gia đình, mà ông bố là giáo sư danh tiếng, con trai lớn là Tổng cục trưởng và con thứ 2 là Tổng Giám đốc. Họ luôn tỏ ra là những người đạo mạo, coi trọng truyền thống gia đình, rao giảng đạo đức với người khác, nhưng đằng sau, họ lại sống giả dối, buông thả. Sự thật chỉ được lộ ra khi Thiên – người cháu đích tôn đưa người yêu về ra mắt và gia đình ông Quân phải đối diện với sự thật: cô con dâu tương lai chính là người đã từng bị ép buộc quan hệ với ông Bộ, bố của Thiên.

“Lâu đài cát” đã phản ánh chính diện sự thật đen tối của các thành viên trong nhiều gia đình ngày nay. Thói ích kỷ đã khiến nhiều người luôn đeo mặt nạ để che đậy những khuyết điểm và sự tha hóa của bản thân. Cái mặt nạ ấy được vẽ bằng chất liệu của ngôn từ: truyền thống gia đình, nhân cách đạo lý… và thật đáng sợ, khi cái mặt nạ ấy ngày càng dầy lên, dẫn đến hệ lụy và bi kịch khôn lường. Chính sự mục ruỗng trong gia đình đã tạo nên những hậu quả cho xã hội, nhưng nhiều người lại luôn đổ lỗi sự mất nhân cách là do xã hội. Hậu quả mà gia đình ông Quân-bà An phải chịu, là sự cảnh báo mang tính xã hội: gia đình là một tế bào của xã hội, muốn có một xã hội lành mạnh thì trước hết từng tế bào phải lành mạnh.

NSƯT Anh Tú khá thành công khi sử dụng cách biểu cảm qua hành động của diễn viên, thay vì lời nói. Một trong những cảnh được khán giả yêu thích nhất là khi vợ chồng ông Bộ - bà Loan đang cãi nhau kịch liệt, thấy ông Quân xuất hiện, là họ lập tức ngồi đàn hát như thể rất hạnh phúc, nhưng ông cụ vừa đi khỏi, họ lại tiếp tục lao vào cấu xé nhau! Những chiếc mặt nạ trên sân khấu góp phần không nhỏ bổ sung cho vở kịch. Nhiều câu thoại mang tính đúc kết đã để lại ấn tượng với người xem, làm rõ hơn thông điệp của vở diễn: “Nếu tôi nói ra, sẽ đổ vỡ tất cả những gì mà mấy thế hệ cha ông chúng ta đã dày công vun đắp, đổ vỡ khát vọng của ông về truyền thống gia đình, đổ vỡ niềm tin của ông vào chính mình và những người thân yêu”…

Các diễn viên của nhà hát hàng đầu đã dẫn dắt người xem theo những khúc ngoặt bất ngờ của dòng chảy tâm lý: Danh nhân, NSƯT Lệ Ngọc, NS THu Hương, Mai Nguyên, Minh Hiếu....đều đã thể hiện tốt vai diễn, làm nên thành công cho vở diễn. Không xuất hiện quá nhiều nhưng NSƯT Lệ Ngọc lại chinh phục được ngưuời xem bởi cách thể hiện có chiều sâu. Cảm nhận được từng cử chỉ, lời nói, hành động của chị đều được cân nhắc, tính toán kỹ càng để lột tả thành công cho vai diễn. Diễn viên Kim Hường cũng nhiều lần khiến nhiều người xem xúc động trong nhiều lớp diễn của mình. Mai Nguyên cũng đã lột tả là một người chồng mẫu mực của gia đình, nhưng lại tha hóa ở cuộc sống bên ngoài. Thu Hương cũng mang cho người xem sự cảm thông về thân phận người phụ nữ cam chịu một đời cho cái danh hão của gia đình.

Tuy nhiên, vẫn có những chỗ vở diễn chưa chặt chẽ. Sự biến đổi tâm lý của Thân có vẻ "hơi đốt cháy giai đoạn". Cách diễn của một số diễn viên, trong một số cảnh còn bị căng cứng. Song, đây mới chỉ là buổi ra mắt, vì thế, Nhà hát còn nhiều thời gian để sửa đổi cho vở diễn tròn trịa hơn trước khi bắt đầu một hành trình đến với công chúng cả nước

Dạ Miên
.
.
.