Lão nghệ sĩ Võ An Ninh: Hài hước và nghiêm khắc

Chủ Nhật, 14/06/2009, 17:11
Nghệ sĩ Võ An Ninh kể chuyện xin lại tầng 1 bị trưng thu làm nhà trẻ: Tớ làm đơn trình bày với ông Nhà nước. Có đủ chứng từ, cái chân gãy, Hãng xe tải Tây đền bù ba ngàn bạc, văn tự mua đất, hóa đơn mua sắt thép, vôi gạch, xi măng làm nhà. Tớ chỉ là nghệ sĩ chụp ảnh. Chả lẽ ông Nhà nước lại lấy một phần cái chân gãy người nghệ sĩ.

Vào đầu năm 80 của thế kỷ trước, tôi may mắn được một người bạn ở xưởng phim hoạt hình rủ đi thăm lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh. Nhìn tôi mặc bộ quân phục, cụ hỏi:

- Cậu có phải đi đánh bành trướng không?

- Dạ, không ạ.

Cụ mỉm cười. Hàm râu bạc rung rung. Cụ lại hỏi:

- Cậu có biết bành trướng là gì không?

- Dạ, thưa cháu biết ạ.

- Là gì nào?

- Dạ, quanh ta chỗ nào cũng có ạ. Nhất là quanh gốc cây to trên đường phố. Liếc mắt là bắt gặp quân bành trướng ạ.

Lão nghệ sĩ cười lớn. Chòm râu bạc phơ rung tít. Cụ bảo:

- Khá! Cậu khá lắm. Tớ í mà, ngày nào tớ cũng gặp quân bành trướng nhé - Cụ vuốt râu, cười.

Những năm khó khăn đó, tìm một nhà vệ sinh công cộng thật khó. Chị em phải lén lút "giải quyết nỗi buồn". Khi bắt gặp, vừa thương vừa chướng mắt.

Cụ bảo:

- Ngoài bờ hồ Trả Gươm có vô khối quân bành trướng nhé. Nhất là trước cửa phố Hàng Khay và phố Lê Thái Tổ, nghĩ mà thương. Chị em thật khổ.

Đất nước mình vừa ra khỏi cuộc chiến tranh này lại tiếp cuộc chiến tranh khác. Thành ra chỗ đi tè công cộng cho chị em ở bờ hồ Trả Gươm cũng chưa xây được. Cho nên chị em nó cứ phải lén lút ngồi khuất sau gốc cây to hay quanh hầm tránh máy bay - Giọng cụ trầm hẳn xuống đầy thương cảm:

- Tớ không chụp. Chứ chụp thì được vô số quân bành trướng.

Chúng tôi vô tâm cười ầm lên. Cụ bảo:

- Thế mà các cậu cười được à? Thương lắm! Do vậy tớ đã di chúc miệng cho các con tớ khi nào tớ chết thì đem đốt xác tớ. Tro cốt tớ nghiền thành bột thật mịn, trộn với đất tơi, đóng thành những viên gạch, cho vào lò nung kỹ rồi đem những viên gạch ấy, đặt vào nhà vệ sinh phụ nữ cho chị em ngồi lên đi tè được sạch sẽ.

Trời ơi, tôi thầm kêu. Chúng tôi xúc động nhìn cụ. Nghe chuyện cụ cứ nghĩ cụ hài hước cho vui. Ai ngờ cụ vui, cụ hài để nghiêm túc. Sau khi sang thế giới bên kia cụ còn mong muốn làm một việc có ích cho đời. Bây giờ, khi tôi viết lại những dòng này hẳn chả ai xây nhà vệ sinh có đặt những hòn gạch lót chân cho phụ nữ nữa.

Lão nghệ sĩ Võ An Ninh.

Tôi thấy cụ chống gậy đi tập tễnh, nhưng không biết cái chân cụ đau như thế nào. Một lần cụ tháo bỏ chiếc giày đặc biệt sắm riêng cho cái chân què để hở cẳng chân gầy teo tóp. Cụ cầm gậy gõ nhè nhẹ vào cẳng chân mấy cái, bảo:

- Tại cái cẳng chân này nên tớ không được tham gia cuộc kháng chiến chín năm gian khổ ở chiến khu. Tớ bị coi là cán bộ lưu dung. Lại từng làm ở Phủ Tây.

Nhân lúc cụ dừng lời, tôi lễ phép, hỏi nhỏ:

- Thưa cụ, Phủ Tây ở đâu ạ?

Cụ đột ngột cười lớn:

- Ơ cái cậu này. Âm lịch quá. Âm lịch quá. Phủ Tây mà cậu không biết à? Không biết thật hay không biết giả vờ?

- Dạ thưa, cháu không biết thật ạ.

Cụ bảo:

- Phủ Tây tức cái Phủ Toàn quyền ấy.

Tôi "à" một tiếng thật hồn nhiên. Cụ nhìn tôi rất lâu. Tôi tự thấy tiếng "à" của mình thật không đúng lúc, đúng chỗ nên có phần thiếu lịch lãm nếu không muốn nói là hỗn, do trong lòng tôi tự phát ra nhanh quá, tôi không kìm nén nổi. Nhưng rồi cụ cũng thể tất cho tôi. Cụ kể tiếp:

- Đã không đi kháng chiến lại làm ở Phủ Tây, tức theo Tây đứt đuôi rồi còn gì. Vạn sự tại cái chân này. Cái chân này nó hại tớ. Tớ đi đâu cũng có người theo dõi. Đất nước đang bước vào cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước lên đường, cả nước vì miền Nam ruột thịt, cả nước phải cảnh giác là đúng rồi. Cảnh giác. Cảnh giác. Và cảnh giác. Mặc dù vậy, tớ vẫn thấy vương vướng khó chịu. Cứ y như có cái tơ nhện vương trên mặt. Ấy thế mà đến tai Ông Cụ. Ông Cụ cho người xuống gặp Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội và Giám đốc Xưởng Hoạt hình, bảo: Sao các cậu cứ phải cho người theo chân lão nghệ sĩ thế? Bỏ đi, thiên hạ người ta cười cho đấy. Người ta bảo thể chế mình làm mất tự do của con người, của người nghệ sĩ. Nghệ sĩ không có tự do thì sáng tạo thế nào được. Từ đó, tớ gỡ được cái mạng nhện vương vướng trên đầu, trên mặt. Ông Cụ thánh thật. Thế nên nhân dân cả nước mình mới gọi Ông Cụ là thánh. Một vị thánh anh minh. Thánh cả khi sống lẫn khi chết. Hỏi thế giới được mấy người như Ông Cụ. Lão nghệ sĩ chăm chăm nhìn tôi hỏi:

- Cậu có biết Ông Cụ là ai không?

- Dạ, cháu biết ạ.

- Tưởng Ông Cụ cậu cũng không biết là ai nữa thì cậu đúng là âm ẩm thật rồi… Lão nghệ sĩ dừng lời, cười rung chòm râu bạc.

Lão nghệ sĩ gõ nhè nhẹ vào cái ống chân gầy, kể tiếp:

- Cái chân què này chưa hết chuyện đâu nhé. Cái nghề của tớ ấy mà. Học để cầm máy, tí tách chụp ảnh, câu con gái thì không khó. Chỉ một lúc là chụp được. Nhưng chụp một kiểu ảnh nghệ thuật nhiều khi cả tháng, cả năm, cả đời. Ví như tớ chụp đóa hồng nhung có một giọt sương mai sáng lóng lánh trong như ngọc đính hờ trên cánh hoa, lại giọt sương nữa đậu nhẹ nơi giót lá, chỉ tích tắc là nó rơi. Đúng lúc ấy, bình minh lên. Ánh nắng chiếu vào càng làm cho bông hoa, giọt sương, cành lá đẹp rực rỡ, lung linh. Cả đời cầm máy tớ gặp có một lần. Nhiều người tưởng dễ, đem vảy nước vào, đẹp làm sao được. Các cậu có biết tại sao không? Tại vì nước vảy vào thì cả lá cả hoa đều ướt nhoét, có rất nhiều hạt nhỏ li ti… Người xem thấy rõ là giả. Hàng giả, các cậu hiểu không?

Cả đời tớ gắn bó với Hà Nội. Ngày nào cũng dạo quanh bờ hồ Trả Kiếm, năm nào chả đi chợ hoa Hàng Lược. Đi suốt từ hôm ông Táo lên giời đến lúc giao thừa. Săn từng người đẹp, cảnh đẹp để bấm máy. Phải bấm cho thật tự nhiên chứ không được sắp đặt.

Cái chiều hôm ba mươi Tết năm Kỷ Mão ấy (1939) tớ phóng xe máy từ phố Hàng Lược về đến phố Bà Triệu. Nhắc tới xe máy tớ lại nhớ những năm ấy tớ đã đi cái xe gắn máy to lắm nhé. Những một trăm năm mươi phân khối, hai máy, hai ống khói rồi. Lúc ấy, cả nước mới chỉ có vài ba cái thôi nhé. Oách lắm. Thế là chiều ba mươi Tết năm Kỷ Mão ấy, tớ phóng xe máy đến ngã tư phố Bà Triệu và Trần Hưng Đạo bây giờ, một chiếc xe tải tây của hãng Tây Pô-anh-sac Vây-ret (Poinsard Veyret) nó quệt vào tớ. Xe văng một nơi. Người bắn một nẻo. Người vẫn tỉnh. Nhưng cái chân đau quá. Đau xóc lên tận óc. Đau đến lộn tùng phèo lục phủ ngũ tạng. Đau thắt cả tim. Tớ cứ nghĩ tớ chết. Sẽ chết đến nơi. Tớ được đưa vào nhà thương Đồn Thủy (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 bây giờ) cấp cứu. Không ngờ cái bàn chân của tớ bị nát bét. Quan đốc tờ Tây Hun át (Hunard) cắt béng đi. Tớ tỉnh dậy bàn chân đã mất rồi. Tớ đã khóc. Tớ tiếc cái bàn chân. Tiếc cái xe gắn máy phân khối lớn, mình không thể cưỡi nó phóng vù vù trên phố được nữa.

Một người bạn xui tớ kiện. Tớ bảo có mà kiện củ khoai. Dân nước Nam mình kiện dân Tây thế nào được. Họ là kẻ đô hộ, còn mình là người bị đô hộ. Tòa án Tây bênh Tây chứ bênh gì mình. Bạn tớ bảo cứ kiện. Cùng lắm mất mấy đồng án phí. Ừ thì kiện. Không ngờ tớ thắng kiện. Hãng xe tải Pô-anh-sac phải đền tớ 3.000 đồng Đông Dương. Gạo lúc ấy có 3 đồng một tạ. Các cậu có biết tớ làm gì với số tiền to lớn bất ngờ ấy không? Tớ mua đất. Mua được 250m2 đất ở số 36 phố Tuệ Tĩnh bây giờ. Rồi làm nhà. Nhà hai tầng hẳn hoi nhé. Thế chả phải nhờ cái chân gãy này à?

Này, này, chưa hết chuyện cái chân đâu. Như tớ vừa nói, tớ là cán bộ lưu dung, lại ở nhà to. Năm 1960 cải tạo tư bản tư doanh. Họ trưng thu luôn cái tầng trệt làm nhà trẻ. Mất mười mấy năm trời, cái chân què này phải tập tễnh bò lên tầng hai. Sau năm bảy nhăm, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, bạn bè tớ lại xui tớ làm đơn trình bày với ông Nhà nước. Có đủ chứng từ, cái chân gãy, Hãng xe tải Tây đền bù ba ngàn bạc, văn tự mua đất, hóa đơn mua sắt thép, vôi gạch, xi măng làm nhà. Chứ tớ có buôn bán, tư bản tư doanh gì đâu. Tớ chỉ là nghệ sĩ chụp ảnh. Chả lẽ ông Nhà nước lại lấy một phần cái chân gãy người nghệ sĩ. Thế là ông Nhà nước giả.

Lão nghệ sĩ dừng lời, chiêu một ngụm nước, gõ nhè nhẹ vào ống cái chân cụt mất bàn.

- Vẫn chưa hết chuyện cái chân đâu nhé. Lại nhớ cái năm bốn sáu (thế kỉ trước), Ông Cụ ở Hội nghị Phông-ten-nơ-bơ-lô trở về. Tàu thủy cập bến cảng Hải Phòng. Ông Cụ cho họp báo, giải thích Hiệp ước Phông-ten-nơ-bơ-lô ở ngay phòng ngủ của Ông Cụ trên tàu thủy. Căn phòng chật nên chỉ có bốn năm nhà báo được mời đến. Duy nhất có tớ được chụp ảnh. Các nhà báo vây quanh Ông Cụ. Phòng chật, tớ loay hoay mãi không sao tìm được góc độ chụp Ông Cụ. Tớ ngắm nghía, điều chỉnh ống kính, xoay phải xoay trái, dích lên lùi xuống... một lát. Tớ liền leo lên giường của Ông Cụ. Tớ chụp được pô ảnh tân văn thật đẹp. Pô ảnh để đời. Ông Cụ nhìn cái chân tập tễnh của tớ rê trên giường mỉm cười. Ông Cụ bảo: "Chú phó nháy này. Chú phải giặt giả ga cho Bác nhé". Tớ cung kính: "Dạ, thưa Cụ, tôi đang muốn xin Cụ cái ga này kỷ niệm". Ông Cụ bảo: "Thật tiếc, cái ga này của nhà tàu chứ không phải của Bác".

Lão nghệ sĩ co chân cho vào giày:

- Cái chân què của tớ còn ối chuyện. Nhưng tớ chỉ xì cho các cậu vài chi tiết vui vẻ nữa thôi.

Vẫn theo lời lão nghệ sĩ, cái khó khăn, chật vật của người nghệ sĩ không phải là cứ đẻ sòn sòn cho thật nhiều tác phẩm rồi xếp tác phẩm thành một chồng cao chất ngất trước mặt thiên hạ mà khoe mẽ. Rằng đó là thành tựu lao động nghệ thuật cật lực một đời nghệ sĩ của tôi. Đã nói nghệ thuật thì không thể lấy số nhiều. Nghệ thuật cần cái đẹp độc đáo, khác người kia.

Lão nghệ sĩ cả đời đeo máy dạo quanh hồ Trả Kiếm, đã vòng phải, vòng trái hàng nghìn lần, sớm xuân ấy, mới chớp được một cảnh tháp Rùa thấp thoáng trong sương, sóng nước lăn tăn trước làn gió nhẹ, cái cây bên bờ hồ bật lộc đỏ tươi. Và cận máy là một cành xõa xuống còn mơn mởn lá xanh. Bấm máy xong, cụ muốn chụp thêm một cảnh nữa. Cụ kiễng chân giật bỏ mấy cành lá xanh cho khác lạ. Lại cái chân què. Vẫn là cái chân què. Lúc kiễng chân vươn tay, cụ đã quên bẵng cái chân què. Do đó, khi cái tay với lên cao độ thì thân mất thăng bằng, cụ suýt ngã chúi xuống, thiếu chút nữa vỡ mất cả ống kính. May có mấy người ở Công ty Công viên cây xanh thành phố ở gần đó. Họ hỏi: "Cụ vặt mấy cái lá này làm gì?". Lão nghệ sĩ bảo: "Tôi muốn chụp kiểu ảnh. Cái cành lá này vướng quá". "Để chúng cháu phạt bớt đi cho cụ. Đằng nào cành này cũng phải tỉa bỏ".

Sau này, một số nhiếp ảnh gia bảo cụ ích kỷ, chụp xong không muốn người khác có ảnh ở góc độ giống mình nên chặt bỏ cành cây". Lão nghệ sĩ chỉ mỉm cười. Ô hay, chọn cảnh, chọn thời gian bấm máy, chọn góc độ... là do người nghệ sĩ cảm nhận chứ. Người nghệ sĩ sao lại có chuyện ăn sẵn như thế được.

Cành đào ở Sa Pa cũng vậy.

Chả mấy năm lão nghệ sĩ không ăn Tết ở Sa Pa.

Năm ấy cụ lên tàu tối mồng một Tết,

Lão nghệ sĩ xuống tàu đến Sở Văn hóa - Thông tin gặp nhà thơ Xứ Nghệ Lê Vân, một cán bộ mẫn cán và nhiệt tình đưa cụ đi các nơi theo yêu cầu của cụ. Trời còn sớm tinh mơ. Các ngôi nhà mái ngói xập xệ, chìm ngập trong sương khói mù mịt. Cụ tập tễnh dò dẫm từng bước tìm đến cửa gian nhà tập thể của Lê Vân. Cửa khóa. Đêm qua Lê Vân không ngủ nhà. Vốn quen với các chuyến đi xa, cụ trải tấm bạt và chiếc áo khoác xuống hiên nhà, gối đầu lên ba lô, nghỉ ngơi. Gần trưa Lê Vân khật khưỡng hơi men về nhà. Nhà thơ Xứ Nghệ ôm lấy lão nghệ sĩ:

- Bố lên lúc nào. Sao bố không báo cho con?

Lão nghệ sĩ chỉ ước ao chụp được một kiểu ảnh tuyết ở Sa Pa. Đặc biệt là tuyết bám trắng cành đào vừa chớm nở, mầm non vẫn bật ra xanh biếc như có lần nhà thơ Lê Vân miêu tả với cụ. Cụ lên Sa Pa nhiều lần là vì thế. Cho nên bây giờ, ngoài bách niên tuổi thọ, cụ vẫn hận chưa chụp được kiểu ảnh như Lê Vân miêu tả.

Bù lại, cụ đã chụp được kiểu ảnh cành hoa đào Sa Pa lãng đãng khói sương dưới thung lũng của một gia đình người Dao. Ông chủ vườn người Dao sợ ngày Tết có nhiều người qua lại giậm trên đất nhà mình làm ăn sẽ chật vật, khó khăn nên sau khi cụ ra về đã vác dao chặt bỏ cành đào. Mãi đến bây giờ nhiều ông phó nháy vẫn nghĩ cụ ích kỉ, nhờ người chặt bỏ cành đào để kiểu ảnh của cụ trở thành độc nhất vô nhị.

Ở tuổi ngoại bách niên, đêm đêm lão nghệ sĩ không ngủ được bao nhiêu. Tuy vậy đầu óc cụ còn rất minh mẫn. Hàng tuần con cháu cụ vẫn đưa cụ đi thăm, đi dạo những nơi xa có, gần có, theo yêu cầu của cụ. Cụ chỉ có mỗi tật không muốn dậy sớm. Bà con gái yêu của cụ lo bố ăn hai bữa dồn một, sức khỏe sẽ giảm sút. Một sáng bà vừa bước những bước nhẹ nhàng, rõ ràng trên nền gạch vừa hồ hởi:

- Dạ, thưa chị, bố em dậy rồi ạ. Mời chị ngồi chơi chờ bố em một lát - Và chị sai người giúp việc: - Bà vào phòng mời cụ ra, có bạn cụ đến chơi.

Tuổi già có bạn đến chơi là thích lắm. Lão nghệ sĩ vui hẳn:

- Tôi ra ngay đây.

Cụ vùng dậy, rửa mặt, đánh răng, mặc áo quần, đi giày trông thật sang trọng, lịch lãm, chống ba toong ra phòng khách.

- Khách đâu?

Bà con gái nhìn cụ tươi cười:

- Cô ấy sợ phải chờ lâu, phiền bố nên về rồi. Cô ấy hẹn ngày mai, ngày mốt sẽ đến thăm bố ạ.

Biết con gái nói dối mình, cụ cười rung râu. Từ hôm sau cụ dậy sớm, ăn sáng rất đúng giờ

.
.
.