Lão nghệ nhân hồi sinh nhà rường cổ trên đất Huế

Chủ Nhật, 26/07/2015, 09:42
Với mong muốn phục dựng nhà rường cổ, nghệ nhân Lê Kim Tân (75 tuổi, ở thôn 5, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên- Huế) không ngừng mày mò, nghiên cứu và học hỏi cách chế tác nhà rường. Và ông đã cùng một số nghệ nhân khác nỗ lực “hồi sinh” những căn nhà rường hàng trăm năm tuổi, góp phần gìn giữ nét đẹp bản sắc văn hóa Huế…

Một ngày cuối tháng 7, chúng tôi tìm gặp lão nghệ nhân Lê Kim Tân khi ông cùng 2 học trò của mình vừa trở về sau một thời gian khăn gói đi phục dựng lại một số ngôi nhà rường cổ ở phường Kim Long, TP Huế. Dù tuổi đã cao, nhưng dáng vẻ của ông lúc nào cũng linh hoạt.

Thấy tôi thắc mắc, ông cười hiền rồi bảo: “Không khỏe, không dẻo dai thì răng mà bám trụ với nghề phục dựng nhà rường được!”. Ông kể rằng, sinh ra trong một gia đình nghèo có 5 anh em, nên dù học giỏi, ông chỉ học đến lớp 5 thì nhường suất “học chữ” cho các em. Thời điểm cách đây mấy chục năm về trước, nghề đóng, phục dựng hay chế tác nhà rường rất thịnh hành. Thấy nghề này hay hay, lại cần phải có đầu óc tư duy nên ông quyết định theo một nghệ nhân làm nhà rường giỏi trong vùng học nghề.

Nghệ nhân Lê Kim Tân.

Sau hơn 3 năm miệt mài học việc, ông có thể tự tháo rời, hạ giải các bộ phận của một ngôi nhà rường cổ rồi lắp ráp lại mà không sai một chi tiết nào. Nhờ thế mà thầy dạy nghề cho ông quyết định để ông tự thân lập nghiệp. Ngoài những kiến thức đã được thầy dạy, ông còn tự mày mò, tìm tòi các tài liệu nghiên cứu về nhà rường cổ xứ Huế để học hỏi thêm.

Cố đô Huế đang còn tồn tại hàng ngàn nhà rường cổ, thế nhưng, trải qua hàng trăm năm, bị chiến tranh tàn phá; đặc biệt là thời tiết mưa nắng thất thường ở Huế khiến hàng loạt ngôi nhà rường cổ rơi vào tình trạng xuống cấp, hư hỏng. Trước thực trạng này, nhiều chủ nhà vườn “kêu cứu” và ông đã cùng một số nghệ nhân khác bắt tay vào công việc nghiên cứu, phục dựng.

Tính đến nay, lão nghệ nhân Lê Kim Tân đã cùng với học trò của mình phục dựng thành công hàng trăm ngôi nhà rường cổ ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, kể cả hệ thống các ngôi nhà rường cổ ở Đại Nội Huế. Tài năng của ông được nhiều người trong nước và nước ngoài biết đến. Đặc biệt, năm 2005, đoàn kiến trúc sư của Trường Đại học Waseda (Nhật Bản) đã tìm đến tận nhà ông để “xin” học hỏi kiến thức về trùng tu nhà rường cổ. Và ông đã không ngần ngại đem những kỹ năng của mình để truyền lại cho các kỹ sư người Nhật.

Trước lúc chia tay chúng tôi, ông bày tỏ nỗi lòng: “Nghề phục dựng nhà rường chắc chắn sẽ không bao giờ mai một, bởi thế hệ trẻ rất đam mê với nghề này, trong đó riêng tui đã đào tạo được 2 học trò có khả năng phục chế nhà rường rất xuất sắc. Mong rằng bằng sự nhiệt huyết, lòng đam mê của lớp trẻ thì trong tương lai sẽ có nhiều nhà rường cổ được phục dựng thành công…”.

Anh Khoa
.
.
.