Làng cổ, nghề cổ ở xứ Kinh Bắc

Thứ Hai, 02/01/2012, 16:10
Nói đến Đại Vi là nói đến nghề làm gỗ. Từ lâu đời, người dân làng Đại Vi, xã Đại Đồng (Tiên Du, Bắc Ninh) đã có nghề làm đồ gỗ. Những cánh thợ trong làng đi khắp nơi, đem sự khéo léo, cần cù của mình dựng lên những công trình kiến trúc văn hóa đình, chùa, lăng, tẩm… Và con cháu đời sau nối tiếp đời trước, giữ gìn nghề truyền thống. Ở Đại Vi, thay vì phá bỏ nhà cổ, người dân nơi đây có xu hướng xây dựng và khôi phục lại…

Không giống như các làng quê khác, vào làng là thấy nhà trần, đường bê tông phẳng tắp; ở Đại Vi, vẫn con đường đất ổ gà ngập nước, đường đất khúc khuỷu. Từng nhóm học sinh tan trường, chuyện trò đạp xe tíu tít. Một không khí làng quê thật thanh bình. Đi sâu nữa, ở giữa làng là một cái chợ nằm ven đường, cạnh một cái ao cạn. Dường như đô thị hóa chưa về đến đây; chưa kể trong làng còn tồn tại những ngôi nhà cũ, cổ với mái ngói rêu phong, và cả những ngôi nhà kiểu cổ đang được xây mới. Và tiếng đục, tiếng cưa vang lên ở khắp mọi nơi…

Nói đến nghề mộc lâu đời phải kể đến gia đình cụ Tuyên. Cụ ông năm nay đã 82 tuổi, nhưng vẫn chắc tay cầm chiếc bào, chiếc đục; và quan trọng hơn, lòng yêu nghề của cụ vẫn còn nằm trong huyết quản. Nói về nghề mộc, cụ nói rất say sưa. Cả đời, 60 năm theo nghề mộc, cụ đã từng đi khắp các tỉnh, thành ở miền Bắc, trùng tu và tôn tạo không biết bao nhiêu ngôi đình, chùa từ Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Bình, Hải Dương… 

Nói về nghề truyền thống của làng, cụ Tuyên cho biết: “Hằng năm, vào ngày 1-2 Âm lịch, làng đều mở hội tế lễ Thành hoàng làng, để ghi công đức người có công khai sáng mở mang nghề mộc cho làng”. Còn nói về làng Đại Vi, cụ cho biết: Đất ao đình làng Đại Vi hình cái cưa, đường vào làng trông như ống mực còn lối hai bên đình tựa như chiếc bào. Đó là những điều rất tự nhiên, như ông trời đã ban cho dân làng một cái nghề như vậy. Để đến bây giờ người dân trong làng vẫn có quyền tự hào về nghề của mình và sống sung túc với nghề.

Từ đình làng, đi dọc một cái ao to, nước trong ao xanh ngăn ngắt. Đến cuối xóm, là nhà anh Nguyễn Thế Quang, một thợ mộc nữa có tiếng cả vùng. Một cái sân bộn bề những gỗ. Tôi thấy hai cái cột vừa to vừa cao nằm ngang sân, hai cột đã được ráp mộng, chỉ còn chờ một vài chi tiết nữa là dựng lên. Anh Quang cho biết, anh đang khẩn trương hoàn thiện để dựng cho ngôi chùa huyện bên cạnh. Bên cạnh sân còn cơ man nào là gỗ. Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là căn nhà đẹp như mơ của anh mà có lẽ bất cứ ai nhìn thấy cũng đều thấy thích. Nhà mới xây nhưng lại mang vẻ hoài cổ. Đây là “công trình” mà anh tâm đắc nhất.

Nhà ngói 5 gian, được xây theo kiểu “tiền kẻ hậu bẩy”, một lối kiến trúc thời xưa, với những cột, kèo được chạm trổ. Nhà anh Quang xây rất to, rất đồ sộ, với 3 gian giữa, hai gian buồng bên cạnh. 4 chiếc cột giữa nhà vừa to vừa cao, đường kính mỗi cột lên tới 30 phân, vừa vững chãi vừa trang nghiêm, nằm giữa lòng nhà chiều rộng lên tới hơn 7m. Lối vào hai buồng trổ hai cửa bên cạnh. Bên ngoài, bộ cửa bằng gỗ lim, được đánh véc ni đỏ au, đồng màu với màu ngói, màu gạch của bậc thềm khiến cho ngôi nhà càng thêm đẹp. Càng ngắm ngôi nhà, người xem có cảm giác thật thanh bình, nhẹ nhõm mà mát mẻ. Lòng nhà rộng, nhà gỗ với những cột kèo, thích hợp cho việc treo hoành phi câu đối.

Anh Quang cho biết, xu hướng bây giờ người dân thích làm nhà trần, vì diện tích sử dụng nhiều hơn; còn nhà gỗ, chỉ có thể làm một tầng, thế nên đòi hỏi làm nhà gỗ đất phải rộng vì người nhà quê nhiều việc, tất cả việc ma chay, cưới xin đều tổ chức ở nhà…

Anh Quang cũng đã có thâm niên 30 năm trong nghề mộc. Nhìn cơ ngơi của anh có thể đoán biết được, anh đã rất thành công trong nghề của mình. Tốt nghiệp Trường Trung cấp Xây dựng Hà Bắc, anh về Ty Giao thông công tác, sau đó mới học nghề mộc. Suốt 30 năm vác cưa, đục, bào đi khắp các vùng quê dựng nếp nhà xưa, khiến anh càng thêm thấm thía và nặng tình với nền văn hóa dân tộc. Kiến trúc nhà gỗ truyền thống đóng vai trò quan trọng trong đời sống người dân, với nền văn minh lúa nước. Ở đó có tình làng, nghĩa xóm và sự trân trọng giá trị lịch sử.

Với anh Quang, ngoài những thành công trong việc phục dựng, trùng tu khu di tích Đền Đô, thủy đình Lũng Giang thì chuyến sang Malaysia năm 2004 để dựng ngôi nhà cổ trong khu du lịch các nước ASEAN là kỷ niệm đáng nhớ. Nhóm thợ của anh gồm 22 người. Miệt mài trong vòng 1 tháng, những người thợ mộc tài hoa của làng Đại Vi đã hoàn thiện ngôi nhà cổ mang hồn cốt văn hóa Việt. Đó là niềm tự hào của những người thợ tay rìu, tay đục, quảng bá văn hóa Việt Nam cho bạn bè quốc tế.

Trong phút nghỉ ngơi hiếm hoi giữa trưa của người thợ, bên chén trà nóng, bên căn nhà cổ, mang lại sự thư giãn và sự sáng tạo mới trong công việc của những người góp phần gìn giữ tinh hoa văn hóa Việt như anh

Ngô Thị Chuyên
.
.
.