Làng Lai thêm một chút này nổi danh

Thứ Tư, 13/02/2013, 12:26
Nghề ảnh của làng Lai Xá đã qua lâu rồi cái thời hoàng kim, nhưng vài năm gần đây, vùng đất này lại được nhiều người biết đến bởi việc phát hiện nhiều cổ vật trong lòng đất; đến mức một nhà khảo cổ học đã ví von “Làng Lai sống trên cổ vật”!

Tôi về Lai Xá trong một chiều cuối năm. Đợt gió mùa đông bắc đem theo mưa phùn làm cho cái rét càng tê tái. Con đường làng như hun hút mờ ảo trong màn hơi nước, khiến cảnh vật của ngôi làng cổ thêm vẻ huyền bí… Xưa nay, nhiều người biết tới làng Lai Xá (còn gọi là làng Lai, thuộc  xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) với nghề làm ảnh. Vào những năm 1920 - 1935 có tới 18 hiệu ảnh lớn ở Hải Phòng, Hà Đông, Sơn Tây, Uông Bí, Sa Pa do người làng Lai làm chủ...

Nghề ảnh của làng Lai Xá đã qua lâu rồi cái thời hoàng kim, nhưng vài năm gần đây, vùng đất này lại được nhiều người biết đến bởi việc phát hiện nhiều cổ vật trong lòng đất; đến mức một nhà khảo cổ học đã ví von “Làng Lai sống trên cổ vật”!

Ngôi làng ngàn năm tuổi

Theo những bậc cao niên, làng Lai được hình thành từ thời Hai Bà Trưng. Những cư dân đầu tiên lập làng tại gò Vườn Chuối, cách trung tâm làng bây giờ khoảng nửa cây số. Vườn Chuối là một gò đất rộng và cao nằm ven quốc lộ 32, chạy qua địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội). Xưa kia, quanh gò Vườn Chuối toàn là đầm trũng và rừng rậm. Có một con sông nối với sông Hồng chảy từ phía Đăm (thuộc xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm), ngăn cách làng cổ Vườn Chuối với đất làng Lai Xá hiện nay.

Đình làng Lai Xá.

Một năm nọ bỗng trời gây trận hồng thủy, bùn đất, phù sa từ thượng nguồn đổ về bồi lấp và xóa sổ luôn dòng sông cổ đó. Đến nay, không ai rõ thời điểm và lí do gì khiến dân làng phải dịch cư khỏi gò Vườn Chuối. Nhiều cụ già kể lại, khi còn ở gò Vườn Chuối, mỗi mùa giông bão dân làng thường xuyên bị sấm sét đánh trúng gây nhiều thiệt hại. Phải chăng, trong lòng đất gò Vườn Chuối có nhiều kim loại là những đồ đồng, đồ sắt bị vùi lấp nên Thiên Lôi mới hay “hỏi thăm”, khiến người dân khiếp sợ phải dịch cư sang làng mới?

Kế bên gò Vườn Chuối là dấu tích của chùa Do (Kim Do Tự), một ngôi chùa lớn với vườn cây cổ thụ rất rộng tồn tại cho đến kháng chiến chống Pháp. Do chiến tranh giặc giã, chùa Do bị tiêu hủy hoàn toàn...

Về thăm Lai Xá, chúng tôi được nghe các bậc cao niên tự hào kể: Trong vườn chùa Do có kho báu được yểm bùa là những trinh nữ làm thần giữ của. Đêm nọ, có một đàn bò bằng vàng thong dong gặm cỏ trong đầm bên chùa. Một lão nông đi tát nước đêm đã dắt được một con về cột lại, trông giữ cẩn thận, nhưng sáng ra không thấy bò đâu, chỉ còn sót lại đoạn dây thừng bằng vàng. Hoặc người dân ban đêm đi lưới cá thi thoảng lại gặp một đàn vịt bằng vàng lạc bạch bơi trong đầm... Tóm lại, đây chỉ là những huyền thoại, song nó cũng là thông điệp về vùng đất linh thiêng, trù phú một thời.

Ông Phạm Văn Hùng (nguyên Công an viên, Đội trưởng An ninh của thôn Lai Xá, hiện là Phó trưởng thôn) cho biết: “Thuở chăn trâu cắt cỏ, đám trẻ con chúng tôi hay đào khoai lang trồng trên gò Vườn Chuối hoặc vườn chùa Do, thường bắt gặp những hũ tiền xu có đục lỗ và các vật dụng bằng đá, bằng đồng, đồ gốm... Bấy giờ, chẳng ai ý thức rằng đó là cổ vật”.

Ông Phạm Văn Hùng cùng một số hiện vật cổ bằng đồng.

Ông Lê Văn Nhật, 63 tuổi, Trưởng thôn Lai Xá vui vẻ góp chuyện: Nghe các cụ trong làng kể về những trận giông sét năm nào cũng giáng xuống gò Vườn Chuối, có lần cháy cả ruộng ngô, đổ hàng chục cây chuối mà chúng tôi thấy sợ. Hồi đó, người làng tôi khi cày ruộng, đặc biệt là những lần cải táng, di chuyển mồ mả, thường đào được mũi tên, mũi mác, rìu đồng, dao găm đồng. Chúng tôi mang về nhà cho trẻ con chơi, nhưng sau sợ bị sét đánh nên mang những thứ đó vứt xuống giếng hoặc xuống ao. Có ai biết được chúng giá trị thế nào đâu?

Nỗi niềm những người hoài cổ

Ba năm trước, tại gò Vườn Chuối đã diễn ra cuộc khai quật quy mô lớn nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Qua khai quật hai hố với tổng diện tích 60m2, phát hiện tầng văn hóa Đồng Đậu và văn hoá Đông Sơn. Tầng văn hóa Đồng Đậu còn khá nguyên vẹn với nhiều hiện vật như trang sức bằng đá, chày bằng đá, vòng đeo tay, khuyên tai các loại bằng đá. Khá nhiều công cụ lao động như đục, rìu đá, bôn, bàn mài, khuôn đúc, dây đồng, lưỡi câu, mảnh đồng, xỉ đồng. Đồ gốm có dọi xe chỉ, bi gốm…

Một số nồi gốm còn nguyên vết muội bám, củi gỗ đang cháy dở còn cả than, cùng một số hố bếp hình lòng chảo; chứng tỏ đây từng là nơi cư trú của cư dân cổ cách nay khoảng 3.000 năm. Đáng chú ý, ở hố khai quật thứ hai, dưới bề mặt gò khoảng 30 - 40cm, đã phát hiện 2 mộ cổ thuộc văn hóa Đông Sơn, gồm 1 mộ hung táng và 1 mộ cải táng…

Đi cùng ông Phạm Văn Hùng, chúng tôi đến thăm nhà anh Dũng, một cai thầu xây dựng. Anh Dũng không có mặt ở nhà. Nghe khách muốn tìm hiểu về “mấy thứ đồ đồng đào được khi chuyển mộ”, chị Síu, vợ anh Dũng, vui vẻ lấy ra một chiếc túi ni lông cũ, có đựng một dao găm bằng đồng, một rìu đá, một rìu đồng hình chiếc hài. Hai vật dụng đồ đồng còn khá nguyên vẹn, có chỗ mốc xanh, có chỗ đã được mài để lộ ra ánh đồng sáng lấp lánh như vàng non.

Công cụ lao động, vũ khí bằng đá và đồng đào được ở gò Vườn Chuối.

Chị Síu cho biết: “Mấy thứ này thấy mốc quá, nhà tôi đem mài đi đấy; trước thì vứt lăn lóc, bọn trẻ con vẫn lấy ra... để chơi ấy mà!”. Chị Síu thật thà kể thêm, trong một lần di chuyển mồ mả ở gò Vườn Chuối, chồng chị đào được mấy thứ này. Giờ mới biết là đồ cổ, còn giá trị bao nhiêu thì chị cũng chẳng biết.

Cảm giác được tận tay chạm vào những đồ đồng có hàng ngàn năm tuổi khiến chúng tôi không khỏi xúc động, bâng khuâng mường tượng về những thế hệ người Việt cổ. Trống đồng, các vật dụng bằng đồng thuộc văn hóa Đông Sơn, được tầng lớp quý tộc rất ưa chuộng. Chắc hẳn thời xưa, nếu ai đó sở hữu nhiều trống đồng, đầu đội mũ lông chim, đóng khố, trên  đai lưng có giắt theo rìu đồng, dao găm đồng... thì đích thị đó là những quý tộc đầy thế lực, được kính trọng, kiêng nể.

Là Phó thôn, từng tham gia Công an xã, ông Phạm Văn Hùng cho biết, giữa tháng 11/2012, anh em Công an viên đã bắt quả tang một nhóm 5 đối tượng đang dùng thuốn để tìm đồ cổ. “Bọn này liều lắm – ông Hùng cho biết – Chúng thuê nhà ngay rìa làng, nhìn như công nhân, rồi chiều chiều ra khu vực Vườn Chuối dùng thuốn xăm tìm đồ cổ. Khi thấy chạm vật cứng, chúng rút lên nhìn mũi thuốn, nếu có bám xỉ đồng thì lập tức đào bới, tìm cổ vật… Cách ăn trộm đơn giản như vậy bởi dường như, trên khắp các cánh đồng quanh Vườn Chuối, đào đâu cũng có thể chạm phải cổ vật! Hôm đó, chúng tôi bắt quả tang đưa về thôn, thu giữ chứng minh nhân dân, nhưng việc xử lí những người này là rất khó…”.

Thấy tôi tỏ ý băn khoăn, ông Trưởng thôn Lê Văn Nhật giải thích: Khó là bởi, hiện nay gò Vườn Chuối nằm trong dự án khu đô thị Kim Chung – Di Trạch, đã bị quây hàng rào tôn kín mít. Về mặt địa giới thì vẫn thuộc thôn Lai Xá, nhưng quản lí là doanh nghiệp đã được cấp phép triển khai dự án. Nhiều nhà khảo cổ học đã về đây, đánh giá cao giá trị lịch sử của gò Vườn Chuối, nhưng cơ quan thẩm quyền chưa có quyết định công nhận đây là “Di tích lịch sử - văn hoá”, nên không có cơ sở để xử lí những người xâm phạm.

Ông Phạm Văn Hùng thì cho biết thêm: Từ năm 2010 đến nay, năm nào chúng tôi cũng bắt được 2-3 vụ đào trộm đồ cổ. Có lần chúng tôi còn thu được máy dò kim loại, nhìn hiện đại như của công binh. Ông Hùng nói và lấy ra một số hiện vật thu được của bọn trộm, như rìu, dao găm đồng… Ông Hùng cũng sốt sắng đưa tôi vào thăm nhà văn hoá, nơi có phòng trưng bày phản ánh quá trình phát triển của nghề ảnh làng Lai Xá…

Trong lúc chăm chú xem những bức ảnh nổi tiếng đã có gần trăm năm tuổi, như ảnh đám tang Phan Châu Trinh ở Sài Gòn năm 1926, ảnh xưa về Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn – do ông tổ nghề ảnh Khánh Ký chụp; tôi bỗng nghe tiếng thở dài đầy ưu tư của ông Hùng: Nghề ảnh của làng Lai đã qua rồi thời huy hoàng. Ruộng đất thì bị thu hồi hết để triển khai các dự án đô thị, nên giờ nhiều người chẳng có việc làm, đời sống khó khăn lắm. Còn khu Vườn Chuối đã bị san lấp khá nhiều.

Vài năm nữa, khi giá nhà đất hết hẩm hiu, thì có lẽ niềm tự hào của người Lai Xá chúng tôi cũng bị nhấn chìm bởi những khu chung cư, biệt thự.

Chia tay ông Nhật, ông Hùng, tôi cùng chung nỗi niềm hoài cổ về làng Lai Xá “vang bóng một thời”

Hà Nội - Xuân Quý Tỵ

T.D.H. (Báo CAND Tết 2013)
.
.
.