TS Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh:

Lần đầu tiên LHP quốc tế Hà Nội có Chợ dự án làm phim

Thứ Ba, 21/10/2014, 08:43
Liên hoan phim quốc tế (LHPQT) Hà Nội lần thứ III sẽ diễn ra từ 23/11 đến 27/11, tại Hà Nội mang chủ đề “Điện ảnh - hội nhập và phát triển bền vững”. Sau 2 lần tổ chức LHPQT, lần này, sẽ có gì thay đổi ở LHPQT 2014, để có thể giúp cho điện ảnh Việt Nam dần cất cánh, là điều công chúng quan tâm. Vì thế, trước thềm LHPQT 2014, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) về LHP:

+ Thưa bà, LHPQT Hà Nội năm 2014 có gì mới so với 2 LHPQT tổ chức tại Việt Nam trước đó?

* Năm nay, số lượng phim và quốc gia dự LHP đông hơn trước, là điều kiện để nâng cao chất lượng phim tham dự. Tiêu chí mới là xây dựng các hạng mục dự thi, phân chia thành phim dài và phim ngắn. Phim dài là có thời lượng 75 phút, có thể là phim truyện, phim tài liệu mang tính truyện. Phim ngắn có độ dài dưới 30 phút. Cách phân chia như vậy thì người làm nghề cũng như khán giả sẽ ngày càng tiếp cận với quan niệm hiện đại, vì hiện nay trên thế giới, ranh giới giữa các loại phim ngày càng xóa nhòa, không phải cứ phim ngắn là chỉ có hoạt hình, tài liệu.

+ LHPQT 2014 có bao nhiêu phim dự thi, thưa bà? Chất lượng các phim của LHP lần này ra sao?

* Có 327 phim thuộc 32 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự LHP. Trong đó, có hơn 100 phim sẽ được trình chiếu theo các chủ đề: Phim dài dự thi có khoảng 9-12 bộ của một số quốc gia và khoảng 20-30 phim ngắn dự thi. Chương trình Điện ảnh thế giới ngày nay (Panorama) sẽ có 30-40 phim, giới thiệu các tác phẩm xuất sắc của nhiều nền điện ảnh. Chương trình “Phim Việt Nam” sẽ giới thiệu các tác phẩm điện ảnh mới sản xuất từ sau LHPQT Hà Nội lần thứ II đến nay, dự kiến khoảng 15-20 phim. Danh sách của các phim cụ thể sẽ được cập nhật 2 tuần trước LHP. Những LHP trước BTC phải mời nhiều, nhưng nay thì các nước tự động đăng ký, song do điều kiện của Việt Nam nên không thể đáp ứng được hết và đã phải từ chối nhiều. Đây cũng là nét mới của LHPQT 2014.

+ Thành công của một LHPQT phụ thuộc nhiều vào thành phần BGK cũng như sự có mặt của các ngôi sao điện ảnh thế giới. Bà có thể cho biết, thành phần BGK của LHPQT lần này, cũng như sẽ có những gương mặt nổi tiếng nào của điện ảnh thế giới tham dự?

* BGK phim dài gồm 5 thành viên, trong đó, gồm 4 thành viên quốc tế và 1 thành viên Việt Nam. BGK phim ngắn gồm 2 thành viên quốc tế và 1 thành viên Việt Nam. BGK NETPAC do Ban Thư ký của NETPAC và Ban Tổ chức LHP chỉ định. Đặc biệt, BTC sẽ mời 3 ngôi sao từ nền điện ảnh Hollywood dự là ông Eli Roth và phu nhân là bà Lorenza Roth, cùng nữ diễn viên Coleen Camp.

+ Lần đầu tiên, LHP sẽ có “Chợ dự án làm phim”. Bà có thể nói rõ về vấn đề này?

* Chợ dự án làm phim quy tụ những gương mặt mới trong lĩnh vực sản xuất phim truyện tại khu vực Đông Nam Á, mong muốn tìm kiếm đầu tư, cùng sự hợp tác và sáng tạo nghệ thuật. Dự án xuất sắc nhất trong Chợ dự án, sẽ được lựa chọn để tham dự những sự kiện điện ảnh quốc tế lớn như LHPQT Hồng Kông, Chợ dự án LHP Cannes, LHP Berlin v.v... Nhiều dự án được phát hiện ở LHP lần trước, có các dự án mới sẽ tham dự Chợ dự án lần này. Đây là cơ hội để các nhà làm phim Việt Nam tiếp cận với các nhà sản xuất quốc tế. Vì sẽ có các chuyên gia điện ảnh danh tiếng xem xét các dự án và có thể giới thiệu cho các nhà sản xuất phim.

+ Tại LHPQT Hà Nội lần II -2012, nước chủ nhà đã chiếu phim “Cát nóng” của Việt Nam và đã gây thất vọng về bộ phim khai mạc LHP. Có phải vì không có được phim Việt nào để “gửi vàng” trong đêm khai mạc, nên LHP lần này sẽ chọn một bộ phim của nước ngoài?

* Không phải không chọn được phim Việt Nam để chiếu khai mạc, mà là LHPQT có tiêu chí quốc tế, để các nước thấy bình đẳng và là sân chơi chung. Nhiều LHPQT cũng không chiếu phim của nước chủ nhà trong lễ khai mạc, như LHP Pusan mở màn bằng phim của Hồng Kông, LHP Đài Loan khai mạc bằng phim của Trung Quốc. Điều này để tránh trở thành LHP quốc gia. Tất nhiên, muốn có phim được khán giả trầm trồ yêu thích, đồng nghiệp đánh giá cao, thì cần cố gắng nhiều.

+ Cám ơn bà!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.