Làm sáng tỏ nhiều phát hiện mới tại Cổ Loa

Thứ Sáu, 05/12/2014, 09:12
Theo kết quả nghiên cứu thành Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) giai đoạn 2007-2014 do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam cùng với các đối tác khác thực hiện, rất nhiều những phát hiện mới tại khu di tích này đã được hé lộ và gây tò mò, ngạc nhiên đối với giới khoa học cũng như những người yêu thích khảo cổ, văn hóa.

Từ năm 2007 đến nay, các nhà khoa học đã có 3 đợt khai quật, nghiên cứu khảo cổ tại Khu di tích thành Cổ Loa. Đó là vào các năm 2007-2008: cắt lũy hào Thành Trung tại xóm Thượng và xóm Bãi; năm 2012: cắt Thành Ngoại tại xóm Đống Dân và năm 2014: Ụ hỏa hồi và Thành Nội tại thôn Chợ. Các cuộc khai quật đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc đánh giá giá trị của khu di tích Cổ Loa qua các thời kỳ lịch sử.

Theo Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp (Viện Khảo cổ học), kết quả nghiên cứu 3 vòng thành Cổ Loa cho thấy, nếu như kỹ thuật đắp Thành Ngoại, Thành Trung hay vọng gác trong giai đoạn Đông Sơn, thành được đắp hình vòng cung, rồi các giai đoạn đắp tiếp theo cũng có hình dáng như vậy đã làm to thêm kích thước của tường thành thì kỹ thuật đắp Thành Nội, Ụ hỏa hồi phía đông bắc Thành Nội cho thấy các lớp đất đắp ở các giai đoạn khác nhau đều có tính thống nhất, đó là tạo thành mặt phẳng, chứ không đắp đất thành hình vòng cung và không có hiện tượng cắt đất (cắt đất là kỹ thuật được phát hiện trong quá khứ của xã hội Trung Quốc cổ) như kỹ thuật đắp Thành Trung.

Tuy nhiên: “Cắt đất ở các di chỉ thuộc nhà Hán Trung Quốc có xu hướng mỏng và có độ dày thống nhất, khoảng 12cm - 14cm, trong khi các lớp đất cắt của giai đoạn 2 rất dày, thô và thiếu tính đồng nhất. Các tài liệu của các nền văn minh khác nhau cho thấy sử dụng kỹ thuật cắt đất đã được ghi trong hồ sơ khảo cổ học và dân tộc học ở thành phố miền Nam Lưỡng Hà, Inka của Peru và các quốc gia Yoruba ở châu Phi. Do đó, chúng tôi không tin người Trung Quốc đã đắp thành giai đoạn 2 của Thành Trung, nhưng không loại trừ khả năng do ảnh hưởng từ người Trung Quốc hoặc dưới sự chỉ đạo của người Trung Quốc” - TS Trịnh Hoàng Hiệp đặt giả thuyết.

Thêm một vấn đề nữa, sự hiện diện của các mảnh ngói và đá là một phần của văn hóa vật chất của Cổ Loa. Từ đó, nhóm các nhà khoa học nghiên cứu thành Cổ Loa giai đoạn 2007-2014 (nhóm các nhà khoa học) cho rằng, có thể số các mảnh ngói, đá được phát hiện là cấu trúc mái được dựng lên dọc theo bề mặt gốc của tường thành trong giai đoạn giữa có tính chất để bảo vệ chống lại mưa hay bị tấn công như đá, mũi tên... Một khả năng khác là số đá, ngói được đặt ở những vị trí đó là sự cố ý để củng cố tính toàn vẹn của tường thành chống lại sự xói mòn do mưa. Các mảnh vỡ của những cục đá và những mảnh ngói dường như tồn tại dọc theo cùng một lớp địa tầng ở cả Thành Trung, Thành Ngoại, Thành Nội và Ụ hỏa hồi.
Ngói Cổ Loa và đá ở lớp đắp thành lần thứ 2 (phía Nam) địa điểm Thành Trung. Ảnh: Viện Khảo cổ học cung cấp.

Thêm một phát hiện quan trọng nữa khi nhóm các nhà khoa học cho rằng, thành Cổ Loa, do vua An Dương Vương đắp đã kế thừa tòa thành có trước đó, tòa thành của làng phòng thủ tương ứng với chế độ xã hội dạng Chiefdom. Tuy nhiên, thành do vua An Dương Vương đắp có quy mô to lớn gấp nhiều lần, khối lượng công việc đó chắc chắn tương ứng với một chế độ xã hội cao cấp dạng nhà nước sơ khai, có người đứng đầu quản lý các hoạt động chung như nhà nước Âu Lạc. Nghiên cứu kỹ thuật đắp thành, quy mô và hình dáng của thành thấy rằng đó là truyền thống đắp thành của người Việt, rất khác với kỹ thuật, những quy định cụ thể của nhà Hán.

Như vậy, với những nguồn tư liệu hiện nay, nhóm các nhà khoa học cho rằng, có một chính thể kiểu nhà nước bản địa và địa phương đã xuất hiện trong giai đoạn Đông Sơn trước khi nhà Hán đến đô hộ. Theo đó, toàn bộ quy mô và kích cỡ của Cổ Loa và những công trình phòng thủ hoành tráng đã gợi ý rằng một cấp độ cao của tập trung chính trị là sự cần thiết để quy hoạch xây dựng và huy động nguồn lực. Trong khi các cộng đồng ở khu vực có thể đã quen với các công trình công cộng được xây dựng trước khi xây dựng thành Cổ Loa, những công trình như thế có quy mô nhỏ (như mương, đê điều, đường đi...) và diễn ra trong thời gian nông nhàn. Trước khi thành Cổ Loa được xây dựng, chưa có một di tích nào được xây dựng ở lưu vực châu thổ sông Hồng có kích cỡ và diện tích lớn như Cổ Loa và để xây dựng được thành lớn như Cổ Loa chắc chắn cần phải có một lực lượng quân sự hùng mạnh, sự quản lý kiểu nhà nước và tập trung hóa.

Với nguồn tư liệu khảo cổ học và cổ sử, các nhà khoa học cho rằng, giá trị nhất của Cổ Loa là kinh đô cổ nhất khu vực Đông Nam Á, có truyền thống xây dựng triệt để lợi dụng điều kiện tự nhiên có sẵn ở khu vực để đắp thành, đào hào. Sông được dùng làm hào thiên nhiên cho Thành Ngoại, cung cấp nước cho cả hệ thống hào của tòa thành. Nhiều gò, đống, doi đất cao được đắp nối lại và đắp cao thêm làm thành một bộ phận hữu cơ của tòa thành. Thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước, chống giặc ngoại xâm. Dưới góc độ văn hóa, Cổ Loa trở thành di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ.

Làm tốt vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa liên quan khu di tích Cổ Loa cũng đồng nghĩa với việc giáo dục cho thế trẻ hôm nay về tinh thần độc lập dân tộc, chống kẻ thù xâm lược, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa của cha ông. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã kiến nghị, nên lựa chọn một khu tiêu biểu nhất của khu di tích Cổ Loa, mà ở đó còn để lại những di tích tiêu biểu và đặc trưng duy nhất của thành Cổ Loa như: 3 vòng thành, hào, hỏa hồi, giếng Ngọc, đền thờ vua An DươngVương... để có thể nghiên cứu, phục hồi và trên cơ sở khoa học đó giúp du khách trong và ngoài nước có thể nhận diện toàn bộ khu di tích.

Cảnh Vũ
.
.
.