“Lá trên cây còn về ôm lấy đất”

Thứ Năm, 16/02/2006, 07:36

Nỗi nhớ quê hương, niềm mong mỏi được trở về sống và phục vụ công chúng ở quê hương mình - đó là một phần lý do để ngày càng có nhiều nghệ sĩ hải ngoại về Việt Nam. Những nghệ sĩ trở về đa số là những nghệ sĩ “vang bóng một thời”. Có thể chuyện họ ra đi và trở về vẫn có chút gì lấn cấn về phía dư luận “bên này” hoặc “bên kia” nhưng xét riêng về khía cạnh nghệ thuật họ đã làm đẹp cho đời bằng những giai điệu, những bài hát.

Quá khứ xem như đã ngủ yên kể từ khi họ bước vào ngôi nhà quê hương với cánh cửa rộng mở sẵn sàng chào đón những ai muốn và có thiện chí trở về phục vụ khán giả quê mình. Có thể kể ra đây những nghệ danh quen thuộc: Hương Lan, Giao Linh, Elvis Phương, Đức Huy, Jimmii Nguyễn, Trường Thanh, Quang Toàn, Tuấn Ngọc, cha con nhạc sĩ Phạm Duy – Duy Quang, Hoài Linh, Lệ Quyên…

Có một nguyên nhân khác cũng khiến nhiều người trong số các nghệ sĩ trở về là nhu cầu được biểu diễn trong một môi trường cảm thụ âm nhạc, có đất để diễn, có khán giả cổ vũ nhiệt tình,  có nhiều bài hát để chọn lựa…

Những điều này ở hải ngoại không thể có. Nhiều nghệ sĩ trở về đã kể rằng bên ấy chỉ được diễn vào dịp cuối tuần, thỉnh thoảng các trung tâm băng nhạc tổ chức chương trình mời tham gia, khán giả ít, nhạc sĩ sáng tác bài hát mới  cũng không nhiều… Và bên ấy có thể đủ đầy vật chất nhưng thiếu cảm giác nồng ấm, dạt dào tình cảm như ở  bên nhà. Đôi lúc nhiều người cảm thấy cô đơn, trống vắng  mà  sự nổi tiếng, danh vọng  không thể lấp đầy được.    

Với Hương Lan lần đầu tiên được trở về thăm quê hương và biểu diễn sau 20 năm,  là một kỷ niệm và với khán giả cũng thỏa sự mong chờ. Những năm ở hải ngoại, Hương Lan được khán giả Việt Nam biết nhiều qua băng đĩa ngoài luồng. Chị bao giờ cũng xuất hiện trên sân khấu với chiếc áo dài truyền thống Việt Nam, áo bà ba  và nón lá đằm thắm dịu dàng. Giọng ca của Hương Lan lúc ấy mượt mà, ngọt dịu xiết bao, đến giờ vẫn thế. Về quê, chị hát trên sân khấu, thu đĩa  những bài mang làn điệu, âm hưởng dân ca “Chiếc áo bà ba”, “Thương về miền Trung”… khiến người nghe dâng trào nước mắt. Tuổi chị không còn trẻ, nhưng giọng chị vẫn trẻ, cái chất giọng bẩm sinh khi cất lên là ngọt ngào sâu lắng. Sức hút từ giọng hát của chị với những khán giả dường như vẫn còn nguyên vẹn.

Hương Lan bây giờ có thể đi hát trong mọi chương trình, đi hát khắp nơi trên đất nước. Chị được phép làm điều đó. Cũng chính vì sự thuận lợi này mà ở đâu cần có chị để tổ chức các chương trình ca nhạc từ thiện là Hương Lan sẵn lòng. Chị đang đóng góp quãng đời làm nghệ thuật còn lại của mình cho công chúng và cho những mảnh đời bất hạnh. Ở Việt Nam, thời điểm ấy, hoàn toàn không phản ứng khó dễ nào từ phía chính quyền cũng như khán giả đối với các hoạt động biểu diễn của chị. Có chăng là sự chống đối từ phía bên kia. Sau sự trở về của Hương  Lan, hàng loạt ca sĩ khác cũng xin phép được biểu diễn ở quê nhà dù trước đó họ đã về thăm quê dưới danh nghĩa du lịch năm lần bảy lượt.

Định cư và biểu diễn ở nước ngoài, đi nhiều nơi trên thế  giới để cuối cùng nhận ra rằng không ở đâu bằng chính quê hương mình, Elvis Phương đã trở về năm 1996. Thu đĩa, tổ chức chương trình riêng ở nhà hát Bến Thành, hát ở các phòng trà, ngoài 60, Elvis Phương vẫn giữ được chất giọng riêng và phong độ. Trang phục lịch sự, tác phong nhanh nhẹn, thái độ hòa nhã cả lúc biểu diễn, giao lưu với khán giả cũng như đời thường. Bao giờ trong những buổi diễn, Elvis Phương cũng trân trọng giới thiệu và gửi lời cảm ơn ban nhạc – một thái độ trân trọng mà cũng là thói quen của anh.

Anh đã gần như ở hẳn quê nhà (anh có nhà ở quận vùng ven với người vợ lúc nào cũng bên cạnh chồng lo toan mọi việc). Hình ảnh Elvis Phương sau mỗi buổi diễn vừa bước xuống hậu đài, vợ anh chờ sẵn đấy trao chai nước suối cho chồng… một hình ảnh bình dị nhưng hiếm có trong giới nghệ sĩ. Mới đây, xem anh hát ở Festival hoa Đà Lạt bài “Bài thánh ca buồn” – bài hát gắn liền với tên tuổi anh nhiều thập niên trước, khán giả đã nhận ra rằng, giai điệu ấy, ca từ ấy từ giọng anh như đã in vào ký ức từ lâu lắm rồi.

Đến Giao Linh, nữ ca sĩ từng được mệnh danh “nữ hoàng sầu muộn” cũng về nước. Thời gian đầu chị  đi hát ở phòng trà, một số chương trình từ thiện mở tiệm bán phở ở quận 3… Giao Linh vẫn hát những bài tình nhưng không quá bi sầu ủy mị như ngày xưa, chị chọn những bài nhạc tình đã đi vào lòng người. Chẳng hạn như: “Thư tình cuối mùa thu” (nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu), những bài hát mang âm hưởng dân ca…

Rồi  đến Jimmii Nguyễn, một thế hệ nhạc sĩ trẻ ở hải ngoại về Việt Nam với nhiều tâm huyết. Được cấp phép năm 1997, Nguyễn trình làng những tình khúc tuổi 20 do anh sáng tác. Nguyễn cũng có chất giọng lạ, sáng tác nhiều bài hát được giới trẻ chấp nhận như “Tình như lá bay xa”, “Nỗi niềm kẻ ở miền xa”…

Do vài sự cố, anh bị cấm biểu diễn cho đến năm 2004 mới tiếp tục được cấp phép trở lại. Lần trở lại này, Nguyễn chín chắn hơn, điềm đạm hơn và lập hẳn một ban nhạc riêng. Vừa sáng tác vừa biểu diễn, hiện tại Jimmii Nguyễn đã được cấp phép hơn 10 ca khúc. Phần lớn những sáng tác của anh mang chủ đề tình yêu quê hương, hướng về cội nguồn, tình yêu đôi lứa. Mặc dù sống ở Mỹ và biểu diễn nghệ thuật cũng nhiều năm, song Jimmii Nguyễn không tham gia biểu diễn cho trung tâm băng nhạc nào mà đi theo một con đường riêng. Việc trở về Việt Nam đối với anh không có gì trở ngại mà chủ yếu, theo ước vọng của anh là có thêm nhiều sáng tác mới phục vụ cho khán giả đã từng yêu mến anh. Hiện tại thì Jimmii Nguyễn sống ở Việt Nam nhiều hơn ở Mỹ, chỉ khi nào có việc cần giải quyết anh mới bay đi. Thời gian ở Việt Nam với Nguyễn là luyện tập, sáng tác và biểu diễn và ra mắt album đầu tiên ở quê nhà.

Ca sĩ Duy Quang và nhạc sĩ Đức Huy chính thức được phép biểu diễn ở quê nhà gần  đây nhất. Duy Quang ngày mới được cấp phép đã vui mừng đến độ gặp ai cũng bày tỏ niềm vui, hạnh phúc. Riêng Đức Huy, 31 ca khúc của anh đã được phép phổ biến ở Việt Nam. Duy Quang vừa đi biểu diễn vừa lo việc kinh doanh mở hết quán cà phê, rồi đến quán phở. Có ai hẹn gặp, bao giờ anh cũng mời ra quán, anh thường trực ở đó cả ngày, chỉ trừ đêm đến. Đức Huy lại đem đến cho khán giả một điều thú vị, bạn đồng hành song ca cùng anh là một giọng ca trẻ, mới hoàn toàn tên Mai Khôi…

Dường như sự kết hợp này có vẻ ăn ý về hình thức lẫn cách thể hiện nên dạo này trông Đức Huy trẻ ra vài tuổi. Ca sĩ trẻ ở hải ngoại cũng lần lượt về  Việt Nam như Quang Toàn, Gia Huy…

Quang Toàn trước đây từng cộng tác với Trung tâm băng nhạc Rạng Đông. Quan niệm đi lên bằng khả năng của chính mình nên Toàn vẫn âm thầm biểu diễn và ra album, không thích sử dụng bất cứ hình thức lăng xê nào dù có đủ điều kiện. Vừa đam mê ca hát vừa thích kinh doanh. Tết này, Quang Toàn vừa mở shop thời trang ở quận 1 để ổn định cuộc sống để tiếp tục nghiệp ca hát… Ở lĩnh vực sân khấu, ngoài ca sĩ Hương Lan thỉnh thoảng xuất hiện trong các video cải lương trong nước, Hoài Linh là nghệ sĩ hài đắt sô cả trong và ngoài nước. Gia đình ở Mỹ nên lúc nào ở Việt Nam, Hoài Linh tập trung thời gian cho diễn hài ở các sân khấu. Nhiều nhất vẫn là sân khấu Phú Nhuận  của bầu Hồng Vân. Cuối năm, Hoài Linh lại trình làng một chương trình hài kịch của riêng anh “Ru lại câu hò”….

Hầu như điểm lại những gương mặt nghệ sĩ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn nhiều năm nay có thể thấy họ đã và đang được Nhà nước ta tạo điều kiện để có thể hoạt động nghệ thuật. Khi về nước biểu diễn, họ không bị  sự phân biệt đối xử nào để có thể yên tâm phát huy hết tài nghệ của mình. Nhiều nghệ sĩ làm thêm nghề tay trái, thường là kinh doanh ăn uống. Và hầu như địa phương nào có yêu cầu biểu diễn trong các chương trình mang tính xã hội, nhân đạo họ luôn sẵn sàng. Trong tâm tư của hầu hết các nghệ sĩ đều muốn ở lại hẳn Việt Nam, sống và biểu diễn phục vụ công chúng. Có đi xa mới thấy quý yêu mảnh đất nơi đã sinh ra mình. Họ thường nhắc nhau câu nói cửa miệng rằng “lá rụng về cội”. Riêng Jimmii Nguyễn còn có hẳn sáng tác bộc lộ niềm khao khát được sống ở quê nhà “Lá trên cây còn về ôm lấy đất huống chi con người…”

Hạnh Chi
.
.
.