LHSK về “Hình tượng người chiến sỹ CAND”: Một hiện tượng năm 2005

Thứ Năm, 26/01/2006, 07:09

Bắt đầu từ ý tưởng của nhà văn Hữu Ước và NSƯT Trần Nhượng, Liên hoan sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" đã trở thành một sự kiện văn hoá của năm 2005. Những vở diễn tại Liên hoan đã tạo lên một “cơn sốt” trong lòng khán giả thủ đô mộ điệu sân khấu.

Nói sự kiện, bởi đây là LHSK lớn nhất từ trước đến nay, cũng là lần đầu tiên Bộ Công an qui tụ được 18 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đại diện cho các vùng miền trên cả nước, với nhiều loại hình sân khấu: kịch nói, chèo, cải lương và dân ca. Liên hoan đã thổi luồng sinh khí, tạo nên ngày hội tưng bừng cho sân khấu cả nước và là dịp để các nghệ sĩ mọi miền gặp gỡ, giao lưu.

NSND Trọng Khôi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng: "LHSK về ‘Hình tượng người chiến sĩ công an’ được tổ chức rất nghiêm túc. Sự quan tâm của lãnh đạo Bộ đã vượt khỏi phạm vi cấp ngành, mang tính Nhà nước với những đóng góp không nhỏ cho hoạt động của ngành văn hoá."

Nét đặc sắc đầu tiên của Liên hoan là việc lựa chọn các tác phẩm không khống chế thời gian đã tạo cơ hội cho nhiều vở diễn hay đã bị lãng quên trong quá khứ tái hiện. Đây là sự tôn vinh, lưu giữ các giá trị văn hoá phi vật thể, đồng thời, bổ sung đáng kể cho sự thiếu hụt kịch bản sân khấu hiện nay, đồng thời, gợi mở một vấn đề: trong khi nhiều đơn vị nghệ thuật phàn nàn thiếu kịch bản, thì sẵn có một tiềm năng phong phú lại chưa được coi trọng, khai thác. Với ý nghĩa đó, Liên hoan đã mang tầm văn hoá lớn.

Được đánh thức kịp thời, các vở diễn có điều kiện phản ánh lịch sử trải dài 60 năm trưởng thành của lực lượng công an. Nhiều vở đã đi vào tâm thức khán giả cả ngàn đêm diễn, nhưng vì nhiều lý do đã bị chìm vào năm tháng. Liên hoan chính là dịp để người xem được gặp lại những tên tuổi nghệ sĩ quen thuộc trong các vở diễn nổi tiếng năm xưa và để các nghệ sĩ tìm lại những vai diễn gắn bó của mình. Cả người xem và các nghệ sĩ - chiến sĩ của Đoàn nghệ thuật Công an Tp. Hà Nội đều có sự nao nức khi sau mấy mươi năm vắng bóng, vở "Bản danh sách điệp viên" đã trở lại sàn diễn. Cũng hơn 20 năm bị thời gian phủ bụi, giờ đây, vở chèo "Hương Cúc" của Đoàn chèo Hưng Yên được sống lại, đầy đặn hơn, sâu lắng hơn trong lòng người xem.

Đặc biệt, trong đề tài hiện đại, các vở diễn đã đề cập đến nhiều lực lượng trong ngành công an và hình tượng người chiến sĩ công an cũng được thể hiện từ người lính đến vị tướng trong các vở "Tiếng chuông chùa", "Nữ cảnh sát SBC", "Đám cưới trong đêm mưa" ... 19 vở tham dự Liên hoan, cho thấy cuộc sống vô cùng phong phú của người chiến sĩ công an đã được các tác giả đặc biệt quan tâm và các đoàn nghệ thuật nhiệt tình tham dự.

Trước Liên hoan, không ít người đã cảm nhận gánh nặng từ nỗi lo âu "sân khấu đang trong cơn khủng hoảng", rằng "khán giả đã quay lưng với sân khấu" sẽ khiến Liên hoan khó thể thành công. Vậy mà, liên tục trong 10 ngày diễn ra Liên hoan, khán giả luôn nao nức đến Nhà hát Lớn Hà Nội. Mỗi ngày có 2 suất diễn mà không buổi nào trống chỗ ngồi. Các đêm diễn "Cuộc tình thế kỷ", "Đối đầu", "Vòng xoáy", "Tiếng chuông chùa" vv… nhiều khán giả tìm mua lại vé mời nhưng không được, đành đứng ngoài với ánh mắt nuối tiếc. Rõ ràng, người xem vẫn rất mặn mà với sân khấu khi sẵn sàng dành cả buổi để được khóc, cười cùng nhân vật.

Có thể nói, LHSK về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" đã tạo được bước đột phá để thu hút người xem. Trước hết, đó là nhận thức đúng tầm về ý nghĩa của Liên hoan để quan tâm và đầu tư thích đáng. Ban Tổ chức hiểu rằng, sân khấu sẽ vẫn tìm được sự đồng cảm của khán giả nếu đủ 3 yếu tố: kịch bản hay - đạo diễn tài - diễn viên giỏi. Thực tế đã chứng minh điều đó. Sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả với các vở "Cuộc tình thế kỷ" (Nhà hát Tuổi trẻ), "Vòng xoáy" (Đoàn kịch nói CAND), "Khoảnh khắc mong manh" (Đoàn kịch nói Quảng Ninh), "15 ngày kháng án" (Đoàn kịch nói Hà Tây) vv… cho thấy, khán giả vẫn rất mong chờ các kịch bản phản ánh chân thực các vấn đề mang tính xã hội, bề bộn đời thường.

Người xem đủ tinh nhạy để hiểu rằng, trong những ngôn từ lấp lánh trên sàn diễn kia, nếu không đồng vọng một tâm hồn day dứt, trở trăn với số phận con người, làm sao có thể đi vào đời sống hiện thực ngổn ngang mâu thuẫn và giằng xé cho được! Sau mỗi vở, khán giả không chỉ hiểu hơn công việc hi sinh thầm lặng, những giằng xé trong tâm cảm người chiến sĩ công an, mà còn được thắp sáng niềm tin và khát vọng đổi mới.

Kéo được khán giả đến rạp để xem 19 vở chỉ chung một đề tài về người chiến sĩ công an đã thêm một lần chứng tỏ, đây vẫn là đề tài có sức hút mãnh liệt với người xem và là nguồn cảm hứng vô tận của người nghệ sĩ. Vấn đề là khai thác và thể hiện ra sao. Để chuyển tải thành công những kịch bản hay, phải là đạo diễn và diễn viên có tài.

Trong Liên hoan này, khán giả đều thừa nhận chất lượng chuyên môn giữa các đoàn không mấy "chênh"! Một số vở diễn của các đoàn địa phương như "Khoảnh khắc mong manh" (Đoàn kịch nói Quảng Ninh), "Hương Cúc" (Đoàn chèo Hưng Yên), "Đứa con tôi" (Đoàn nghệ thuật Tổng hợp Thái Nguyên) được đánh giá là "ngang ngửa" các đoàn Trung ương. Có mặt trên sân khấu để nhận giải Vàng, bên cạnh các nghệ sĩ tên tuổi ở Trung ương, còn có nghệ sĩ Bắc Việt của Đoàn kịch nói Quảng Ninh, chứng tỏ tài năng và sự cố gắng của các nghệ sĩ địa phương.

Cách tiếp cận khán giả của LHSK về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" giữ vai trò không nhỏ để người xem đến với Liên hoan. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phương tiện thông tin đại chúng đã làm nên sức "công phá" về  thông tin tới mọi đối tượng, để trong nhiều buổi diễn, khán giả đông đến chính BTC cũng phải bất ngờ! Khâu tổ chức bài bản, chuyên nghiệp và chu đáo đã tạo cho các nghệ sĩ đến với Liên hoan cảm nhận rõ sự trân trọng của BTC với nghệ sĩ và nghệ thuật.

Thành công của Liên hoan đã khiến GS.TS.NSND Đình Quang không giấu được xúc động: "Độc đáo vì lần đầu tiên kỷ niệm ngày truyền thống của một ngành không thuộc Bộ Văn hoá, nhưng đã huy động được 18 đoàn sân khấu chuyên nghiệp nhiệt tình tham gia… Độc đáo vì khác mọi hội diễn, liên hoan trước đây, 19 vở diễn đều tập trung vào một đề tài thống nhất, là sự tái hiện hình tượng người chiến sĩ CAND… "

Ghi nhận thành công của Liên hoan còn là sức sống của mỗi vở diễn cả khi Liên hoan đã kết thúc. Nhiều hội diễn, bế mạc xong cũng là lúc hầu hết các vở phải xếp kho vì không có người xem. Nhưng dư âm của Liên hoan lại thật sôi động.

Ông Đinh Minh Mẫn, Trưởng đoàn Văn công Đồng Tháp phấn chấn: "Ngay khi vở "Xuân Đông, Thư, Hận" được diễn tại Liên hoan, Đài truyền hình Việt Nam đã đề nghị được truyền hình trực tiếp. Chưa kịp rời Liên hoan, đã lại nhận thêm lời đề nghị được truyền hình trực tiếp của cả Đài truyền hình khu vực và Đài truyền hình tỉnh. Sau Liên hoan, Đoàn liên tục biểu diễn cho bà con ở các tỉnh biên giới!" .

Ông Nguyễn Đình Chí, Trưởng đoàn Cải lương Nam Định cũng cho biết, từ Liên hoan trở về, vở "Tình yêu và tội phạm" của Đoàn tiếp tục đến với khán giả và đã tham gia chương trình kỷ niệm 60 năm của ngành văn hoá tỉnh và được đánh giá cao.

Kết thúc Liên hoan cũng là lúc vở "Khoảnh khắc mong manh" của Đoàn kịch nói Quảng Ninh nhận được nhiều lời mời biểu diễn. Dịp cuối năm này càng là thời điểm để vở diễn "tung hoành" ở nhiều rạp hát trong cả nước. Còn "Đứa con tôi" của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Thái Nguyên đã có chuyến xuyên Việt khá lý thú với hơn 20 đêm diễn. Trưởng đoàn Nguyễn Văn Bộ không giấu được vui mừng khi Liên hoan là một dịp để tác phẩm được khôi phục và trở lại với khán giả…

Xin được trích lời của Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Uỷ viên TW Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an tại Lễ bế mạc Liên hoan làm lời kết cho bài viết: "Những thành tựu nghệ thuật được khẳng định trong LHSK về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" không chỉ quan trọng và đáng phấn khởi đối với riêng lực lượng CAND hay những người làm sân khấu, mà còn với cả xã hội và nền nghệ thuật cách mạng của nước nhà."

Ngô Thanh Hằng
.
.
.