Ký ức đẹp về một thời Hà Nội

Thứ Ba, 28/09/2004, 14:44
Đã đôi lần tôi bắt gặp những toán nữ tự vệ trực chiến máy bay Mỹ ở tầng thượng nhà máy trò chuyện râm ran, cười khanh khách cả khi còi báo động từng hồi hối hả. Sự sống, cái chết trong chớp mắt. Có khi nào Hà Nội bặt tiếng cười?

Người Việt Nam hay cười, nụ cười trên môi như thường trực, bất chấp mọi khó khăn, bất trắc. Cô gái Hà Thành lại hay cười, những nụ cười duyên xao xuyến lòng người. Đó là nhận xét của một anh bạn nhà báo phương Tây, khi viết về cuộc chiến của người Hà Nội.

Thuở đó, tôi là người lính nhỏ trong đội ngũ phóng viên chính trị, quân sự của Thông tấn xã Việt Nam. Làm sao quên được trận đầu tiên máy bay Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang. Chưa hề có một kinh nghiệm, mấy anh em phóng viên chúng tôi xông vào "biển lửa" như Na Tra, chứng kiến tận mắt công nhân, bà con các làng xóm ở gần đã bất chấp mọi hiểm nguy, xoay vần giữa trung tâm điểm nóng.

Sau một trận bom khốc liệt, tôi và mấy đồng nghiệp vừa hoàn thành "trận đánh" hay, đi qua 51 Trần Hưng Đạo, thấy Chế Lan Viên đang quần đùi, cởi trần đứng dưới gốc cây, đọc tác phẩm gì đó. Là bạn thâm giao hồi ở Chi hội Văn nghệ Liên khu 4, chúng tôi vẫn thường trò chuyện, tâm tình. Chế gọi: "Này, nhà báo có tin gì mới, trận đánh hay quá!”. “Hà Nội ra đòn thế đủ 'đô' chưa? Giới thạo tin theo dõi kỹ, nắm cho nhanh tiếng xuýt xoa kêu đau của bọn diều hâu ở Nhà Trắng nhé!". Ông cười hả hê. Đôi mắt Chế Lan Viên như có ánh thép. Tôi nói với ông: "Chỉ cần thơ đả kích của Xích Điểu và Chế Lan Viên chúng cũng đủ bạt vía rồi". Nhà thơ lại cười. Và những bài thơ đánh giặc nhuốm màu men triết luận nói về đất nước, quê hương, về những con người Việt Nam, con người Hà Nội: "Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa" của một người yêu Hà Nội như dân Hà Nội thực thụ đã ra đời trong đạn bom như thế.  

Cũng một phần tư thế kỷ sống và công tác ở Hà Nội rồi ông chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh và về cõi thọ... ở đất phương Nam. Cứ mỗi lần gặp nhau, Chế cùng với Nguyễn Văn Thương và mấy anh em vốn ở Hà Nội lại nhắc một thời gian khó nhưng hào hoa ở Hà Thành. Có lẽ cũng từ đó mà thai nghén trong ông để mở ra câu thơ bất hủ: "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất hóa tâm hồn".

Vâng, trong tôi, trong thẳm sâu tâm hồn của chúng tôi, người Hà Nội ở xa vẫn luôn luôn có đất trời Hà Nội, với hình bóng Tháp Rùa trong sương mù Hồ Gươm, có tiếng sâm cầm giữa Hồ Tây sóng gợn, màu gạch non nước sông Hồng, Cột cờ và Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình nghìn thu vang vọng Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945.  

Cũng những ngày đạn bom, giông bão như thế mới thấy rõ phong thái đường hoàng của người Hà Nội, làm sao mà kể xiết. Không thể không nhắc đến Nguyễn Tuân, kẻ sĩ Thăng Long thời đương đại, một chút ngất ngưởng hào hoa ở vẻ ngoài nhưng ẩn chứa cả một tấm lòng thiết tha, tâm huyết sâu nặng.

Cũng trong những ngày đạn bom ấy, ở một quán cóc đường Bà Triệu, rất nhiều bận tôi gặp Nguyễn Tuân vẫn ung dung bên chén trà, ly cà phê dẫu còi báo động rú liên hồi và có tiếng bom, tiếng súng dội vang. Sau này mới biết nhà văn khí phách và tài hoa ấy đang xông pha ngày đêm để rồi cho ra đời tác phẩm nổi tiếng: "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi" - tập bút ký và tạp luận của ông có tiếng vang xa các chân trời Á, Âu, Mỹ và Phi...

Có lẽ với mọi công dân Hà Nội và với giới báo chí chúng tôi, bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thủa đó thật thân thương, gần gũi. Hình như ông tìm cách giúp đỡ rất nhiệt tình những khó khăn của chúng tôi. Có lúc gặp ông ở một góc phố bị bom đạn Mỹ tàn phá, dẫu rất bận rộn với công việc chỉ đạo của một Thị trưởng, ông cũng rộng vòng tay ôm chặt lấy chúng tôi. Có lúc ông dúi vào tay mấy cái kẹo, có lúc là chiếc bút bi (thuở đó là của quý hiếm). Rất nhiều khi ông chủ động cung cấp thêm tình hình, cho thêm tư liệu và truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Trung ương, của Thành ủy.

Người già hay sống với kỷ niệm và bằng kỷ niệm. Có phải vậy chăng mà kỷ niệm với Hà Nội thì nồng thắm mãi mãi trong tim. Dòng chảy thời gian nhiều khi ngược về bến cũ

Lê Viết Thảo
.
.
.