Ký ức đau đớn về chúa Sơn Lâm

Thứ Hai, 15/02/2010, 09:01
Người bản tôi - bản Pác Thay heo hút - ầm ầm kéo đến, họ đè nghiến con hổ đang trong cơn hoảng sợ, rồi họ nhốt nó vào trong một cái cũi đóng bằng gỗ nghiến, rồi họ khiêng nó ra chợ… rồi cái con hổ ấy bị người ta cướp mất. Rồi cuối cùng thì nó chết trên chiếc xe chở phạm nhân, dù chưa một lần phạm tội.

Đó là câu chuyện về một con hổ - chính xác hơn là một con hổ non nớt còn sót lại ở núi rừng bản tôi - cái bản Pác Thay xa tít tận đất Cao Bằng. Có lẽ đó cũng là lần cuối cùng trong đời tôi nhìn thấy một con hổ bằng xương bằng thịt. Sau này, tôi có nhìn thấy rất nhiều hổ, nhưng chỉ là những con hổ bị nhốt trong sở thú, hoặc vài cái xác hổ của bọn buôn lậu mà người ta đã phát hiện…

Tất cả những con hổ ấy chẳng để lại trong tôi một chút ấn tượng nào, tôi - một gã người miền núi chính hiệu cảm thấy đó không phải những con hổ thật, đó chỉ là những con gì đó mà người ta khoác lên nó cái tên của loài hổ mà thôi. Loài hổ thật đã biến mất từ lâu lắm rồi.

Cuối đông năm 1983, tôi lên 6 tuổi. Tiết trời đã gần sang xuân mà cái lạnh thấu xương vẫn hành hạ người bản tôi. Tôi nhớ rõ vào khoảng 5h thì trời đã tối, sương mù từ những khe núi tỏa ra mang theo hơi lạnh ghê người. Dù lạnh, bọn trẻ chúng tôi vẫn mải chơi ngoài đầu bản.

Chơi chán, chúng tôi đốt một đống lửa thật to để chống lại cái lạnh. Đang lúc hưng phấn với ngọn lửa bốc cao thì chúng tôi thấy bác Thong - một thợ săn trong làng vác cái "cắp" (một loại bẫy kẹp bằng sắt thường dùng để bẫy cáo) và một con gà trống đi qua.

Thấy thợ săn, chúng tôi ào ào chạy theo. Bác Thong trợn mắt quát nạt. Nhưng dù bác thợ săn già có dọa đến mấy chúng tôi vẫn cứ bám theo. Ấy là một con người thú vị, một nhân vật luôn đem đến niềm vui và sự tò mò đến cực độ cho bọn trẻ chúng tôi.

Bác Thong có những biệt tài hết sức bí ẩn. Có lần, trong lúc chăn trâu, bọn tôi phát hiện một con trăn lớn đang cuộn tròn trong hốc đá. Nó vươn cổ phun phì phì khiến đàn trâu chạy tán loạn. Bọn tôi la hét và bác Thong xuất hiện. Con trăn lớn thế mà bác chẳng sợ gì. Cứ thế, bác tiến lại gần nó nhẹ nhàng nắm lấy cái đuôi rồi từ từ kéo. Con trăn như bị thôi miên, mất hết nhuệ khí nằm im thin thít, để bác Thong túm cổ lôi về bản.

Một lần khác, người ta phát hiện một con gấu xuống ăn bí đỏ phía sau bản. Con gấu hung dữ quật chết vài con chó của dân bản rồi lui vào cố thủ trong một cái hang phía dưới chân núi. Người trong bản bao vây, dùng gậy gộc, giáo mác chặn lối ra của nó. Họ hô hoán đốt lửa dọa con gấu nhưng chẳng ai dám vào trong hang.

Mãi sau bác Thong mới đến, trên tay là một cây tre vót nhọn. Bác cởi trần, người đỏ au lừ lừ tiến vào trong hang. Người ta chỉ nghe tiếng gầm rú của con gấu rồi bác Thong đi ra, cười cười bảo bọn trai bản vào hang lôi con gấu đã bị cây tre xuyên qua ngực… Bác Thong là anh hùng của bản tôi. Bác mà vác súng lên núi thì kiểu gì người bản tôi cũng có một bữa thịt thú rừng. Bọn trẻ chúng tôi mê bác lắm.

Lần này thấy bác xách "cắp" và gà trống lên núi lúc sẩm tối, biết chắc bác đang đi bẫy cáo nên dù có đuổi chúng tôi cũng bám theo bằng được. Đuổi không được đám trẻ, bác đành cho chúng tôi theo. Vừa đi bác vừa giải thích rằng, mấy hôm nay trên đèo Nóc Mò rất nhiều dấu chân cáo xám, bác muốn đặt bẫy bắt vài con lột lấy bộ da làm mũ.

Loài cáo xám này tinh khôn, chỉ đi tìm mồi vào gần sáng, nó thích nhất là gà trống vì thế bác bắt con gà này làm mồi. Nhưng để dụ được cáo xám vào bẫy, cần phải làm con mồi kêu suốt đêm. Bác vừa nói vừa chỉ tay vào con gà trống đang rên ò ò như bị ai bóp cổ. Bác bảo để nó rên rỉ thế phải lấy gai nhọn đâm xuyên qua diều, nó đau nên nó kêu như thế suốt đêm. Vừa đi vừa nghe bác giảng giải, chúng tôi đến chân đèo Nóc Mò lúc nào không biết.

Đó là con đèo vắt qua một sườn núi có hình như cái u bò, người bản tôi gọi là Nóc Mò (u con bò). Đến nơi, bác Thong nhìn ngó một lúc rồi đặt bẫy. Bác thao tác rất nhanh, khi bẫy cài xong, bác buộc con gà trống vẫn rên ò ò vào và giải thích thêm: loài cáo xám khá to và khỏe, nếu sập bẫy chúng sẽ giãy dụa thoát thân. Vì thế cần buộc chặt cái bẫy bằng dây xích vào một gốc cây chắc chắn nào đó. Thế rồi bác lôi từ trong túi ra một đoạn dây xích khá to, cột cẩn thận vào một gốc trám rừng.

Xong xuôi đâu đó, bác Thong lại dò dẫm tìm một nắm lá "khau lồm", rồi nhóm lửa đốt lên. Bác lại giải thích: Các loài thú có cái mũi rất thính, chúng có thể ngửi thấy mùi người để lại, cần phải đốt lá "khau lồm" (một loại dây leo có vị chua) để khử mùi người còn vương lại.

Bác đốt xong nắm lá, hua tay hua chân như làm phép rồi ra về. Trước khi chia tay đám trẻ, bác cười và nói: "Sáng mai đứa nào dậy sớm, vác cho tao bương nước sẽ được ăn cái đùi béo ngậy của cáo xám…". Chúng tôi thi nhau giơ tay, rồi vui vẻ ra về.

Đêm mùa đông miền núi, chui vào trong chăn ngủ là sướng nhất. Tôi ăn vội bát cơm, rồi chui tọt vào chăn ấm, nghĩ miên man về cái bẫy ban chiều rồi chìm vào giấc ngủ. Khoảng gần sáng tôi giật mình tỉnh giấc bởi tiếng la ó, tiếng gõ mõ, tiếng chó sủa ầm ầm như núi đổ. Cái bản Pác Thay của tôi đèn đuốc sáng rực như ban ngày.

Tôi nghe rõ tiếng hô hoán của trưởng bản Chài: "Hú ú ú… Hổ vào bẫy lớ… Tất cả ra thung Nóc Mò giúp ông Thong bắt hổ… Hú ú ú…". Hiệu lệnh của Trưởng bản và tiếng mõ gõ liên hồi là báo hiệu việc nguy cấp của người Tày vùng này. Khi nào đích thân Trưởng bản gõ mõ thì đó là việc cực nghiêm trọng, tất cả thanh niên trai tráng phải tập trung giữa bản.

Tôi cũng bật dậy, khoác vội cái áo rồi lao theo đám người rầm rập tiến về đèo Nóc Mò. Trời vẫn tối và ướt nhoèn vì sương núi, tôi vừa chạy vừa ngã nhưng không cảm thấy đau đớn, tất cả chỉ dồn vào việc bắt hổ. Mới đến chân đèo Nóc Mò tôi đã nghe tiếng gầm gừ của con hổ, một mùi gì đó rất lạ phả ra (có mùi như nước măng chua để lâu ngày) đám chó đang hùng hổ chạy theo bỗng chùn lại rên ăng ẳng như giẫm phải gai nhọn, chúng co rúm ẩn mình vào hốc đá và không dám chạy theo người nữa.

Phía trên con đèo, nơi ban chiều bác Thong đặt bẫy bây giờ tơi tả như ai đó vừa đào bới cật lực: bùn đất, lá cây, đá hộc bắn tung tóe. Cây trám rừng rung lên bần bật như bị trâu húc. Rồi thì tiếng gào như mèo động đực vang lên thảm thiết.

Đám trai bản hò nhau chặt vài cây tre đực, mỗi người một đầu ấn con hổ đang lồng lộn. Tôi cố chen vào và nhìn thấy chúa sơn lâm. Không như tôi tưởng tượng, con hổ chỉ to hơn con chó xồm nhà tôi một chút, nhưng không hiểu nó lấy đâu sức khỏe ghê gớm này. Toàn thân nó bê bết bùn đất, cái chân sau bị bẫy sắt kẹp chặt, đoạn dây xích dưới gốc trám già rối mù cuộn lại thành đống.

Tôi thất vọng vì con hổ rất nhỏ lại quá bẩn thỉu, nó ướt nhoe nhoét, lông bết lại, có chỗ vì va đập mạnh lòi cả khúc xương trắng ởn. Nó gào thảm thiết, giãy dụa mãi rồi cũng thấm mệt, nằm bẹp dí dưới hai cây tre đực của đám trai bản. Mũi nó đầy máu, miệng sùi bọt mép, hai tay rách nát, đôi mắt đỏ ngầu và ngấn lệ.

Bác Thong bây giờ mới lên tiếng, bác hô đám trai bản vác cái cũi bằng gỗ nghiến ở nhà bác lên nhốt con hổ vào đó. Tôi thấy rất rõ thao tác của người thợ săn lão luyện khi ông ấy dùng dây thừng vặt ngược hai chân trước con hổ tội nghiệp ra phía sau (như kiểu người ta khóa phạm nhân), còn hai chân sau bác rút dao rạch một nhát vào gân khiến nó liệt ngay tại chỗ.

Bây giờ thì con hổ thực sự là một chiến binh bại trận. Nó nằm thoi thóp thở, hai chân sau bị cắt gân, hai chân trước bị trói chặt, còn mỗi cái miệng là phì phì thở ra toàn bọt hôi rình. Đám trai bản tống nó vào cũi rồi hỉ hả vác về bản, lúc ấy trời bắt đầu tảng sáng.

Vừa đi bác Thong vừa nói: "Lâu lắm mới bắt được con hổ, cũng may cái bẫy cáo này chắc, nếu không nó xổng mất rồi… Mà tôi có định bẫy hổ đâu chứ, bẫy cáo cơ mà…". Tôi cũng thấy rõ sự lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt của bác Thong, có lẽ ông ấy cũng không muốn bắt con hổ này.

Hôm đó, bản tôi họp lại rồi quyết định khiêng nó ra chợ huyện để bán. Người bản tôi nhận thấy, để ăn thịt chẳng đáng bao nhiêu, nó quá nhỏ mà để nấu cao thì con hổ này chưa đến tuổi… thôi thì mang ra chợ bán, được bao nhiêu mua con lợn về mổ ăn cho sướng.

Và cả bản tôi lại rầm rầm khiêng chúa sơn lâm ra chợ, đương nhiên bọn trẻ chúng tôi cũng bám theo. Vừa mới ra tới chợ, người ta xúm vào xem ầm ầm. Lát sau có người từ ủy ban huyện xuống. Người đàn ông có cái mũ cát trắng dõng dạc tuyên bố: "Ủy ban quyết định tịch thu con hổ này". Thế rồi chẳng đợi người bản tôi trả lời, họ hô dân quân đến khiêng đi.

Thấy người của ủy ban, đến trưởng bản của chúng tôi cũng sợ đành ngậm ngùi ra về. Chỉ riêng đám trẻ chúng tôi thì bám theo con hổ, đến tận cái kho của ủy ban. Tôi nghe rõ họ bàn tán với nhau rằng, mang ra ngoài tỉnh mới có nồi cao áp để nấu, huyện mình không có.

Rồi lát sau một cái xe U-oát thùng, loại dùng để chở phạm nhân ầm ì lao đến. Con hổ tội nghiệp bị vứt vào thùng xe khóa chặt và họ bỏ lên hội trường lớn ăn cơm. Tôi thấy con hổ vẫn rên rỉ trong thùng xe, thỉnh thoảng nó cào cào, cũng có lúc nó bật lên rầm rầm.

Khoảng một tiếng sau thì im bặt. Cũng lúc ấy người ta ăn cơm xong, định lái xe ra thị xã tìm nồi cao áp thì phát hiện nó chết từ lúc nào. Tôi nhớ rõ, người đàn ông có cái mũ cát trắng đá bồm bộp vào tấm lưng rách nát của nó, miệng lẩm bẩm: "Chết mẹ nó rồi! Phí thế…".

Không biết người ta đã làm gì với cái xác tơi tả của con hổ tội nghiệp kia. Nhưng mỗi lần nghĩ đến loài hổ thì chuyện này lại hiện về trong tâm trí tôi. Đôi mắt nó đỏ ngầu, mệt mỏi, tuyệt vọng và ngấn lệ. Tôi không hề thấy sự oai phong, mạnh mẽ như vẫn nghe người ta kể về loài hổ. Tất cả chỉ là tiếng gào thét như mèo gào lúc động tình, mùi hôi thối như nước măng chua bị thiu, và những đốt xương gãy lòi ra trắng ởn…

Giờ đây, sau ba mươi năm, rừng núi ở bản Pác Thay của tôi trơ trọi, đến một con sóc nhỏ cũng không còn. Bọn trẻ bản tôi không biết gì về loài hổ, chúng chỉ chơi với mấy con hổ nhựa mà pa mé chúng mua từ chợ phiên về. Còn ở thành phố, có lần tôi đưa con gái mình ra vườn bách thú chơi, đến chuồng hổ nó bịt mũi rồi nhăn nhó kêu lên: "Đi chỗ khác đi bố, hôi quá! Con hổ này chán bỏ xừ, cứ nằm ngủ mãi, lại chẳng chịu đi ị đúng chỗ…".

Thế rồi nó chạy ra chỗ đu quay, nơi có con thiên nga bằng nhựa. Nó reo lên sung sướng: "Thiên nga! Chị chơi với em nhé!". Thế đấy, chúng ta đã làm gì để đến nỗi bọn trẻ bây giờ thích thú giả hơn thú thật. Tội nghiệp con hổ!

A.Sáng - CSTC Tết 2010
.
.
.