Ký ức chiến tranh của một nữ nhà văn

Thứ Sáu, 07/05/2010, 21:08
Theo nghề y từ khi ở chiến khu cho tới thời bình, nên chị cầm bút rất muộn. Lúc đầu chỉ dự tính viết lại những kỷ niệm về cuộc chiến tranh mà chị là người trong cuộc, không ngờ đó là tác phẩm văn học đầu tay dẫn dắt chị đến với nghiệp văn và đã có ba tập tiểu thuyết "Cô y tá nhỏ", "Nội tuyến", "Sóng ngầm phố núi" và tập truyện ngắn "Điều kỳ diệu".

Vốn sống những năm tháng ở chiến khu đã bồi đắp trang viết của chị đầy ắp hình ảnh đồng đội gắn với những câu chuyện đầy cảm động, sáng ngời phẩm chất anh hùng cách mạng. Chị là nhà văn Nguyễn Thị Tuyết Sương ở TP  HCM - một cây bút có mặt trong nhiều trại sáng tác văn học về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống".

Chị Tuyết Sương rời thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng thoát ly lên chiến khu làm giao liên năm 14 tuổi, sau đó học nghề y tá rồi về Bệnh xá dã chiến X3 và được đồng đội, anh em thường gọi là cô y tá nhỏ.

Mối tình đầu và cũng là người bạn đời sau này của chị là y sĩ quân y Lê Quang Quyết ở Đại đội 210 Tỉnh đội Lâm Đồng. Họ đến với nhau bằng tình yêu người lính, đẹp đẽ, chân thành và trong sáng. Trong một đêm trăng giữa rừng, họ ngồi bên nhau mơ tới ngày đất nước thống nhất với lời ước hẹn sẽ cùng viết tập sách về những câu chuyện có thật giữa cuộc chiến tranh đầy gian khổ và ác liệt mà họ và đồng đội đã trải qua.

Chiến tranh kết thúc, dù đã trở thành bạn đời của nhau, nhưng những lo toan tất bật đời thường giữa cuộc mưu sinh vất vả khiến cho vợ chồng cô y tá nhỏ chưa thực hiện được dự định trong đêm trăng năm xưa. Nỗi đau ập đến với chị khi người chồng mất đột ngột vào đầu năm 1999.

Chị tâm sự: "Suốt hai năm đầu gần như đêm nào tôi cũng khóc, nhưng không hiểu sao tôi lại sống trong cảm giác anh ấy vẫn còn trên cõi đời và đang bận công tác ở đâu đó rồi sẽ về với mẹ con tôi. Ký ức đẹp về người chồng cùng những đồng đội, đồng bào trong cuộc chiến năm xưa ở Lâm Đồng trỗi dậy, thôi thúc tôi cầm bút khởi thảo những trang viết đầu tiên vào một đêm cuối năm 2001. Khi viết, tôi không dám nghĩ tới chuyện trở thành nhà văn, mà viết để bày tỏ sự tri ân những đồng đội đã ngã xuống chiến trường miền Đông Nam Bộ, tri ân tấm lòng đồng bào đã yêu thương, đùm bọc chúng tôi từ nắm cơm, hạt muối".

Tự thân những câu chuyện, con người bình dị mà hào hùng dồn vào bút lực, tái hiện sự thật trên trang viết không một tình tiết hư cấu đã giúp chị Tuyết Sương miệt mài hoàn thành tác phẩm "Cô y tá nhỏ" 498 trang in được ấn hành năm 2005. Dù "Cô y tá nhỏ" được thể hiện bằng hình thức tiểu thuyết, nhưng nội dung như một truyện ký về đề tài chiến tranh, với những vật gây xúc động lòng người.

Nhà văn Tuyết Sương (bìa trái) cùng nhà thơ Hữu Thỉnh và đồng nghiệp tại Trại sáng tác văn học về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" (4/2010).

Gặp nhà văn Tuyết Sương vào thời điểm kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Là người có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng thị xã Bảo Lộc ngày 28/3/1975, chị bồi hồi nhớ lại: "Lúc đó, tôi đang công tác ở Tỉnh ủy Lâm Đồng. Đơn vị tôi hành quân từ chiến khu ra tới đường lộ 20, thì được lệnh quay trở lại nơi đóng quân gần nhất để chuyển tài liệu về thị xã. Khi đến con sông Kênh Đạ, chúng tôi thấy một nhóm quân giải phóng đã đón đầu cuộc tháo chạy của nhiều binh lính Sài Gòn, một anh cầm loa kêu gọi đám tàn quân đầu hàng, bỏ vũ khí, quân trang xuống trước khi lội qua sông để hưởng chính sách khoan hồng của cách mạng, nếu ngoan cố chống trả sẽ bị xử lý nghiêm khắc."

"Trong cảnh hỗn loạn lúc đó, tôi nhìn thấy rất nhiều sĩ quan, binh lính trút bỏ quần áo, nón sắt, súng đạn xuống, chỉ mặc quần đùi, lội qua sông theo yêu cầu của quân giải phóng. Từ trên bờ, một số sĩ quan ngoan cố cầm súng nã đạn xuống sông để sát hại những người lính đầu hàng. Trong tình huống đó buộc thế quân giải phóng phải tiêu diệt những kẻ ngoan cố để bảo vệ sinh mệnh những người lính đầu hàng”.

Đó là hình ảnh chị Tuyết Sương đã chứng kiến và ghi lại trong tiểu thuyết "Sóng ngầm phố núi" 350 trang khi tham dự Trại sáng tác văn học tại Đà Lạt tháng 4/2009 về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống"

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.