Kỷ niệm về nhà thơ Chính Hữu: Nhà thơ giảng đường lối chính trị

Thứ Hai, 25/02/2008, 07:27
Tôi biết và quen Chính Hữu từ đầu năm 1946 ở TP Vinh - cái thành phố nhỏ nhắn, xinh đẹp, rất nên thơ của xứ Nghệ. Tôi được tổ chức Thanh niên cứu quốc cử vào Vinh học tập chính trị ngắn ngày rồi sau đó lại tiếp tục về làng làm công tác tuyên truyền cổ động của UBND lâm thời làng Vĩnh...

Một buổi sáng, người phụ trách lớp học giới thiệu có anh Trần Đình Đắc đến giảng về đường lối của Mặt trận Việt Minh. Anh Đắc, người thấp, đậm, đeo kính cận, vóc dáng thư sinh, có má lúm đồng tiền, miệng cười rất tươi.

Anh tự giới thiệu vài điểm trích ngang để học viên biết: Anh sinh ở Can Lộc, Hà Tĩnh tháng Chạp năm 1926, tham gia Việt Minh xã từ đầu năm 1945, làm công tác tuyên truyền rồi viết báo Kháng địch, cơ quan cổ động của Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh.

Bài giảng của anh có tên "Quần chúng lộ tuyến". Nghe tên hay hay, lạ hoắc, chúng tôi trố mắt ra và chuẩn bị tư thế chép, "thầy nói đến đâu, chép đến đấy". Bởi, rồi phải về giảng lại cho thanh niên và cán bộ địa phương.

Mở đầu, anh giải thích 4 từ "Quần chúng lộ tuyến" dịch ra tiếng Việt là "Đường lối quần chúng". Anh mở rộng bài giảng. Ý nói, mọi việc Mặt trận đưa ra đều dựa trên lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, mà đông nhất là nông dân. Đề ra chủ trương chính sách rồi, lại phải vận động, tuyên truyền, giải thích thế nào để nhân dân hiểu, có như vậy nhân dân mới biết mà làm.

Anh Đắc nhắc một ý của cụ Lênin, ông tổ, ông thầy của cách mạng: "Phải lắng nghe từng hơi thở của quần chúng". Muốn như vậy thì người cách mạng, dù ở cấp nào, cũng không được quan liêu, xa rời quần chúng...

Bài giảng của anh kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ. Chúng tôi cúi đầu chép, không để sót một ý nào. Bởi, buổi đầu cách mạng, những điều như anh Đắc giảng giải, chưa nghe mấy ai nói.

Trên đường về, chúng tôi thắc mắc, hỏi nhau: Ông Đắc học ở đâu, và từ bao giờ, mà có những bài giảng hay thế, mới thế?

Lớp học còn được nghe anh Hiển giảng bài, cũng mới, hay và hấp dẫn lắm.

Sau ngày đi bộ đội, tôi gặp Trần Đình Đắc vài ba lần. Lúc này, anh có tên mới: Chính Hữu. Tôi nhắc lại câu chuyện bài giảng "Quần chúng lộ tuyến" của anh ở Vinh. Anh cười, bắt tay tôi: Tỉnh giao cho Thành đoàn Thanh niên cứu quốc mở một lớp chính trị thật ngắn ngày. Bọn mình ngồi lại, bàn chương trình. Mình có đọc được ít sách báo của Đảng ta, của Đảng Cộng sản Trung Quốc, lời hiệu triệu của Tổng bộ Việt Minh, lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc, một số bài của Trường Chinh trên tờ báo "Cờ giải phóng", mình nhận giảng bài "Quần chúng lộ tuyến". Cũng không hiểu sao, lúc đó, mình giảng hứng khởi đến thế mà lại rất đúng với lý luận cách mạng.

Gặp lại người đồng hương thành Vinh năm xưa, anh Chính Hữu rất xúc động. Anh cho biết: Sau thời gian ở Vinh, mình ra Hà Nội học, đến Toàn quốc kháng chiến thì gia nhập quân đội tại Trung đoàn Thủ đô, tham gia chiến dịch Việt Bắc 1947 với cương vị Chính trị viên đại đội, khi Đại đoàn 308 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, mình là Chính trị viên tiểu đoàn...

Khi anh về Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị (1970-1983), tôi có dịp gặp Chính Hữu nhiều hơn, bởi tôi cũng được điều về công tác tại Báo Quân đội nhân dân, Trưởng phòng Quân sự.

Anh tặng tôi tập thơ "Đầu súng trăng treo". Anh nói: Mình thích những câu thơ hàm súc, cô đọng, nói rất ít nhưng gợi rất nhiều những tưởng tượng lan xa. Thơ phải ngắn ở câu chữ nhưng phải dài ở sự ngân vang... Mình học tập các nhà thơ phương Đông khi họ nói: Phải khéo kết hợp "xảo" (tức kỹ thuật tinh vi) với "phác" (tức mộc mạc, giản dị). Kết hợp được như vậy thì thơ sẽ hay...

Mỗi lần gặp Chính Hữu, tôi đều thấy có cái gì đó có thể học được ở anh, như tôi đã được thụ giảng bài chính trị vỡ lòng "Quần chúng lộ tuyến" đầu năm 1946 ở thành Vinh. Anh là nhà thơ. Đối với tôi, anh còn là nhà giáo - nhà giáo chính trị buổi đầu Cách mạng tháng Tám vừa thành công

Trần Hồ Nam
.
.
.